Tiền quay lại hệ thống ngân hàng

Anh Khoa| 17/02/2020 06:00

Sau khi bị rút ra mạnh mẽ trong những ngày cuối năm, dòng tiền đang quay trở lại hệ thống ngân hàng kể từ những ngày cận Tết đến nay, giúp thanh khoản của các nhà băng dồi dào hơn, tạo điều kiện cho việc giữ ổn định lãi suất.

Tiền quay lại hệ thống ngân hàng

Thanh khoản vẫn dồi dào

Mới đây, vào ngày 6/2/2020, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động, để đối phó với dịch bệnh Corona đang hoành hành. Cụ thể, việc giữ ổn định lãi suất là cần thiết trong tình hình hiện nay để có điều kiện áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch bệnh, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay...

Tuy nhiên, có lẽ không cần đến những lời kêu gọi, các nhà băng cũng không cần thiết phải tăng lãi suất huy động đầu vào trong bối cảnh thanh khoản hệ thống đang quá dồi dào, khi lượng tiền gửi tại các ngân hàng tiếp tục tăng mạnh kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay. Thực tế, dòng tiền gửi đã bắt đầu tăng mạnh ngay từ những ngày trước Tết và tiếp tục duy trì xu hướng tích cực kể từ sau kỳ nghỉ lễ.

Một chỉ dấu thể hiện thanh khoản dồi dào là việc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giảm mạnh so với trước khi nghỉ Tết. Cụ thể, lãi suất qua đêm đến ngày 6/2/2020 chỉ còn 2,6%, giảm 56 điểm cơ bản so với ngày 21/1/2020; lãi suất kỳ hạn 1 tuần giảm 63 điểm cơ bản xuống 2,7% và 2 tuần giảm 47 điểm cơ bản xuống 2,94%. Được biết, 1% tương ứng với 100 điểm cơ bản.

Thống kê cũng cho thấy trong giai đoạn từ ngày 20-31/1/2020, tức từ trước khi nghỉ Tết cho đến tuần đi làm lại sau nghỉ Tết, NHNN đã hút ròng đến 25.000 tỷ đồng trên thị trường mở. Đây là động thái khá hiếm hoi trong nhiều năm qua, vì định kỳ NHNN thường phải hỗ trợ thanh khoản bằng cách bơm ròng cho hệ thống lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả trong dịp Tết Nguyên đán.

Link bài viết

Những yếu tố hỗ trợ

Theo thông lệ, dòng tiền rút ra kinh doanh ngắn hạn cuối năm thường có xu hướng quay trở lại hệ thống ngân hàng sau Tết. Thống kê cũng cho thấy giai đoạn này lượng tiền gửi tại các ngân hàng cũng tăng mạnh. Như đầu năm 2019, nếu như tháng 1/2019 tăng trưởng tiền gửi toàn hệ thống chỉ ở mức 0,15% so với tháng trước, mức tăng của tháng 2 - là giai đoạn diễn ra Tết âm lịch, lên 0,7% và tháng 3 tăng vọt lên 1,3%, trước khi mức tăng giảm về lại còn 0,5% so với tháng trước.

Các khoản lương, thưởng người lao động nhận được trong những ngày cuối năm từ doanh nghiệp cũng được chuyển trở lại ngân hàng thành các khoản tiền gửi tiết kiệm. Nhiều ngân hàng cũng có các chương trình khuyến mãi, tặng quà, lì xì đầu năm mới cho khách hàng nên cũng khuyến khích nhiều người gửi tiết kiệm trong giai đoạn này để lấy hên.

Bên cạnh đó, dòng tiền kiều hối về nước mạnh mẽ trước và sau Tết Nguyên đán cũng được nhiều người quy đổi thành tiền đồng để gửi tiết kiệm. Thống kê cho thấy, tháng 1 hằng năm luôn là tháng giá trị kiều hối tăng mạnh nhất và là tháng cao điểm nhất trong năm.

Ngược lại, ở nhu cầu sử dụng vốn, khách hàng thường hạn chế vay vốn đầu năm do yếu tố tâm lý không ai muốn đi vay ngay đầu năm vì sợ vận xui rủi vay mượn sẽ đeo bám trong năm. Ngoài ra, do giai đoạn đầu năm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng khá chậm, sau khi đã tăng tốc và tập trung nguồn lực cho những tháng cuối năm, nên có thể nói đây là giai đoạn nghỉ xả hơi.

Dịch Corona cũng có thể tác động lên thanh khoản của các nhà băng. Cụ thể, kênh tiền gửi ngân hàng có thể đang trở thành nơi trú ẩn an toàn của nhiều người, trước những lo ngại về dịch bệnh sẽ lan rộng. Trong bối cảnh, chứng khoán lao dốc mạnh, giá vàng thất thường, dòng tiền có thể đang tạm trú tại ngân hàng trong tình hình "tiền mặt là vua" như hiện nay.

Tất cả những điều kiện trên sẽ giúp các ngân hàng giữ mặt bằng lãi suất ổn định, thậm chí giảm nhẹ so với trước Tết, tạo điều kiện ổn định hoặc tiến đến giảm thêm lãi suất cho vay. Thực tế, đã có một số nhà băng đáp ứng lời kêu gọi của nhà điều hành và triển khai các chương trình hỗ trợ khách hàng vay vốn để ứng phó với dịch bệnh Corona. Đại diện một số NHTM nhận định, tới thời điểm này, có trên 50% danh mục hàng hóa của Việt Nam bị ảnh hưởng từ dịch bệnh này, trong đó trên 15% bị ảnh hưởng nặng nề nếu dịch kéo dài.  

Việc hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn trong thời điểm rủi ro phát sinh ngoài dự kiến này cũng là cách ngân hàng ngăn ngừa, đề phòng nợ xấu có thể phát sinh, nếu doanh nghiệp rơi vào tình trạng khốn đốn khi hoạt động kinh doanh suy giảm. 

Dịch Corona đã gây nên nỗi sợ hãi từ khi nghỉ Tết đến nay cũng có thể tác động lên thanh khoản của các nhà băng. Cụ thể, kênh tiền gửi ngân hàng có thể đang trở thành nơi trú ẩn an toàn của nhiều người trước những lo ngại về dịch bệnh sẽ lan rộng. Trong bối cảnh, chứng khoán lao dốc mạnh, giá vàng thất thường, dòng tiền có thể đang tạm trú tại ngân hàng trong tình hình "tiền mặt là vua" như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiền quay lại hệ thống ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO