Tiền đồng lên giá: Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua ròng ngoại tệ

Anh Khoa| 11/04/2023 07:00

Việc tiền đồng lên giá đã tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua ròng ngoại tệ trong quý I vừa qua. Bên cạnh những tác động tích cực đến nền kinh tế, liệu xu hướng này ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp?

Tiền đồng lên giá

Tính từ đầu năm đến nay, tiền đồng đã lên giá hơn 0,5% so với đô la Mỹ, theo tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng. Trên thị trường phi chính thức, tiền đồng còn tăng mạnh hơn. Cụ thể, cập nhật đến ngày 6/4/2023, giá mua vào và bán ra 1 USD tự do quanh 23.380-23.480 đồng, giảm tương ứng 1,4% và hơn 1,2% so với đầu năm.

Trong bối cảnh đồng USD trên thị trường quốc tế liên tục đi xuống do ảnh hưởng của sự sụp đổ một số ngân hàng tại Mỹ, đe dọa lây lan sang thị trường tài chính và nền kinh tế của nước này, đồng USD cũng chịu tác động suy yếu. Cụ thể, chỉ số USD-Index đã giảm hơn 4,2% trong vòng một tháng qua, bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất cơ bản USD thêm 0,25% trong cuộc họp vào tháng 3 vừa qua.

Nguồn cung ngoại tệ vẫn đang dồi dào cũng góp phần giúp tiền đồng lên giá trở lại trong thời gian qua. Theo số liệu trong báo cáo quý I của Tổng cục Thống kê, dù kim ngạch xuất khẩu giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng do kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh hơn (14,7%), nên ba tháng đầu năm nay nền kinh tế vẫn xuất siêu lên đến 4,07 tỷ USD, gấp hơn hai lần so với số xuất siêu 1,9 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. 

Trong khi đó, tuy tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện chỉ giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022, vẫn đạt 4,32 tỷ USD trong quý I vừa qua. Như vậy, chỉ tính riêng hoạt động thương mại và đầu tư đã ghi nhận lượng ngoại tệ đổ  ròng lên đến 8,39 tỷ USD.

Quý I cũng là giai đoạn cao điểm lượng kiều hối đổ về rất lớn, càng giúp cải thiện nguồn cung ngoại tệ từ đầu năm đến nay. Trước đó, số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, tổng lượng kiều hối về Việt Nam năm 2022 tăng gần 5% so với năm 2021, đạt gần 19 tỷ USD, đưa Việt Nam nằm trong top ba quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thuộc top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.

Với tiền đồng tăng giá và nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn đã tạo điều kiện thuận lợi cho NHNN tiếp tục mua ròng ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối.  Sau con số mua ròng 3,6 tỷ USD tính đến giữa tháng 2, mới đây trong hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thống đốc NHNN chia sẻ thông tin NHNN đã mua 4 tỷ USD trong quý I. Điều này cho thấy NHNN đã tiếp tục mua ròng thêm 400 triệu USD trong nửa cuối quý I.

-5652-1681113598.jpg

Doanh nghiệp chịu tác động gì?

Nếu như năm 2022 thị trường ngoại hối chịu nhiều áp lực và tỷ giá USD/VND không ít thời điểm tăng mạnh, khiến doanh nghiệp có nợ vay ngoại tệ chịu rủi ro tỷ giá rất lớn, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, thì xu hướng ngược lại trong năm nay, với tiền đồng tăng giá giúp doanh nghiệp vay ngoại tệ giảm áp lực trả nợ đáng kể.

Tuy nhiên, tiền đồng lên giá cũng sẽ khiến lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu phần nào bị ảnh hưởng, khi hàng hóa xuất vào Mỹ trở nên đắt đỏ hơn so với trước. Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong quý I, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 17,5 tỷ USD, giảm 23,4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi xuất siêu sang EU ước đạt 6,9 tỷ USD, cũng giảm 10,1%. 

Trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, thiếu hụt từ cuối năm ngoái đến nay, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, sa thải nhân công, nay với lợi thế cạnh tranh do ảnh hưởng của tỷ giá giảm, doanh nghiệp xuất khẩu có lý do để lo ngại. Thống kê cũng cho thấy, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 60.200, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 20.100 doanh nghiệp giải thể.

Ngược lại, tác động tích cực là việc NHNN mua vào ngoại tệ đồng nghĩa với bơm tiền đồng ra cũng đã giúp thanh khoản trong hệ thống ngân hàng dồi dào hơn, góp phần kéo lãi suất giảm trở lại trong thời gian vừa qua. Cụ thể, tạm tính theo giá mua USD của Sở Giao dịch NHNN ở mức 23.450 đồng/USD, việc NHNN mua vào 4 tỷ USD tương đương với việc bơm gần 94.000 tỷ đồng ra thị trường riêng trong quý I.

Mới đây nhất, NHNN đã có lần thứ hai giảm lãi suất điều hành chỉ trong vòng nửa tháng. Đáng lưu ý, trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên lần này tiếp tục giảm từ 5% xuống 4,5%, ghi nhận mức giảm 1% qua hai lần chỉ trong vòng nửa tháng, cho thấy NHNN muốn kéo giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế cũng như doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn. Mức 4,5% cũng là mức trước thời điểm NHNN có hai đợt tăng lãi suất điều hành trong tháng 9 và tháng 10 năm ngoái.

Tiền đồng lên giá cũng sẽ khiến lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu phần nào bị ảnh hưởng, khi hàng hóa xuất vào Mỹ sẽ trở nên đắt đỏ hơn so với trước. Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong quý I, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 17,5 tỷ USD, giảm 23,4% so với cùng kỳ năm trước; trong khi xuất siêu sang EU ước đạt 6,9 tỷ USD, cũng giảm 10,1%.

Động thái của NHNN đã ngay lập tức ảnh hưởng lên lãi suất ở các thị trường khác. Cụ thể, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 3 đối với kỳ hạn qua đêm đã giảm về 1,1%, giảm hơn 4% so với thời điểm cuối tháng trước, trong khi kỳ hạn một tuần và hai tuần cũng giảm tương ứng 4,5% và 3,5% về lần lượt 1,68% và 3,03%.  Đây là vùng lãi suất thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái đến nay.

Trong khi đó, lãi suất huy động vốn của các ngân hàng cũng tiếp tục có đợt giảm đồng loạt sau quyết định của NHNN. Từ đầu năm đến nay, thị trường đã liên tục chứng kiến các đợt điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi của các nhà băng nhờ thanh khoản dồi dào và lạm phát hạ nhiệt. Trước xu thế này, chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng đang trong xu hướng đi xuống trở lại có thể tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất cho vay thực chất hơn và rộng mở hơn trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiền đồng lên giá: Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua ròng ngoại tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO