Thanh toán điện tử: Đích đến lâu dài

LỮ Ý NHI| 22/06/2019 00:47

Thanh toán điện tử (TTĐT) đang có tốc độ tăng trưởng khả quan với sự hưởng ứng của nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp (DN) và người dùng. Tuy nhiên, để lộ trình “xã hội không tiền mặt” được rút ngắn, vẫn cần nhiều giải pháp thích hợp.

Thanh toán điện tử: Đích đến lâu dài

Lợi đơn, lợi kép

Phát biểu tại Hội thảo Xã hội không tiền mặt vừa tổ chức mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ, lợi ích từ TTĐT rất lớn, như giảm chi phí và đem lại nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian cho người dân, DN, thúc đẩy sự minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, kể cả tham nhũng nhỏ, chống rửa tiền, chống tội phạm kinh tế; ngành ngân hàng huy động được nhiều hơn vốn khả dụng. 

Bà Lê Thị Diễm Phương - Giám đốc Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa VPBank cho biết: "Doanh nghiệp bán hàng qua POS thì dòng tiền rất minh bạch. Trên cơ sở đó, VPBank có thể cấp tín dụng tín chấp để tài trợ cho các đơn vị chấp nhận thẻ kinh doanh". Cũng theo bà Trang, tính đến cuối năm 2018, VPBank đã thu hút hơn 1 triệu khách hàng sử dụng ứng dụng số và Internet Banking. Hàng loạt ứng dụng số đã được VPBank thực hiện hiệu quả như VPBank Dream và YOLO. Mới đây nhất, VPBank đã hợp tác với BE Group cung cấp các giải pháp thanh toán không tiền mặt và các giải pháp tài chính số hóa cho khách hàng, tài xế và DN. Sau một năm, lượng khách hàng VPBank sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến đã tăng gấp 11 lần và giá trị giao dịch qua các kênh online tăng 9,8 lần.

Tương tự, Sacombank cũng đã triển khai ứng dụng quản lý tài chính Sacombank Pay và thu được hiệu quả tích cực. Theo khảo sát của PwC, tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam năm 2018 đã tăng từ 37% lên 61%. Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Kim Anh, 5 tháng đầu năm 2019,  tổng giá trị giao dịch qua hệ thống TTĐT liên ngân hàng đạt trên 64.160 nghìn giao dịch, tương ứng gần 35.728 nghìn tỷ đồng (tăng 23,23% về số lượng giao dịch và tăng 17,63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái). Đến cuối tháng 4/2019, trên toàn quốc có hơn 18.700 máy ATM, đạt 266.700 POS.

Ở lĩnh vực dịch vụ công, đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho biết, tỷ lệ thu tiền điện qua TTĐT đến năm 2018 của EVNHCMC lên đến 90,51%. 

Năm 2018, Hải quan TP.HCM đã kết nối với các ngân hàng TTĐT, rất được DN hưởng ứng do được nộp thuế mọi lúc mọi nơi, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí.

Với gần 30 triệu người dùng trong hệ thống, Công ty VNPT cũng đã đưa ra ví điện tử VNPT Pay cho khách hàng để thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn điện nước, mua bảo hiểm, mua vé máy bay, vé xem phim... VNPT Pay liên kết với 34 ngân hàng, đồng thời tích hợp các giải pháp phần mềm bảo mật, xác thực, sở hữu công nghệ nhận diện khuôn mặt và QR Code để hỗ trợ thanh toán tại các điểm giao dịch tương ứng, triển khai các giải pháp chính quyền điện tử cho 61/63 tỉnh thành phố. 

Vẫn còn điểm nghẽn

Mặc dù TTĐT đang được đẩy mạnh nhưng tiền mặt vẫn còn được sử dụng nhiều trong các giao dịch nhỏ, lẻ, tâm lý người dùng vẫn chưa thật yên tâm khi sử dụng. Do đó, một xã hội không tiền mặt vẫn là đích đến lâu dài. Đại diện một ngân hàng cho biết, thanh toán dịch vụ công ở một số lĩnh vực vẫn còn nhiều rào cản. Đơn cử khi triển khai tại một số trường học, đa số không có chi phí trả cho ngân hàng.  

Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Điều hành Shopee cho rằng, thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn ở mức khiêm tốn. Cụ thể, tại 7 nước mà Shopee đang hoạt động thì Việt Nam hiện có tỷ lệ thanh toán tiền mặt cao nhất. Mặt khác, quy trình xây dựng ví điện tử vẫn có nhiều rào cản, ví dụ ứng dụng tích hợp ví điện tử theo quy định thì phải trải qua 8 bước, vô hình trung thách thức sự kiên nhẫn của khách hàng. Đại diện Saigon Co.op cho biết, nhiều khách hàng đánh giá thanh toán không tiền mặt chưa tiện lợi. Phía hải quan cũng cho rằng, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp nộp thuế tại kho bạc. 

Theo đại diện Saigon Co.op, để rút ngắn lộ trình TTĐT, cần tháo gỡ các vấn đề như phí thanh toán, kết nối kỹ thuật giữa các ví điện tử về một đầu mối... Ông Nguyễn Minh Tâm - Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, Sacombank là ngân hàng đầu tiên đưa ra thẻ không tiếp xúc, QR Code... Và điểm nghẽn trong thanh toán không tiền mặt dịch vụ công là người dân luôn muốn thanh toán phải nhanh, kịp thời. Do đó, để đẩy mạnh TTĐT, cơ quan chức năng nên nghiên cứu cơ chế để cho phép Kho bạc Nhà nước mở tài khoản thu tại các ngân hàng thương mại.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho rằng, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đạt 50% bệnh viện tại các thành phố lớn chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng, cần có giải pháp cụ thể từ phía Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và cần trang bị đủ thiết bị thanh toán được nhiều loại thẻ.

Để giải quyết điểm nghẽn, nhiều ngân hàng đã đưa ra các giải pháp tiện ích, như VPBank với giải pháp BIZPAY giúp thanh toán không tiền mặt giữa DN với DN, DN với cá nhân và ngược lại. Giải pháp này đặc biệt phù hợp với DN bán buôn, bán lẻ, vận tải, bảo hiểm, y tế, truyền thông, marketing. Sacombank đã triển khai nhiều chương trình như “Khám phá tính năng mới cùng Sacombank Pay”, giảm 50% phí chuyển đổi trả góp khi đăng ký trả góp trên ứng dụng.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh truyền thông, tiến hành phân chia theo lứa tuổi, vùng để truyền thông về tiện ích của thanh toán không tiền mặt, cũng như đảm bảo an ninh an toàn trong TTĐT. NHNN cũng phối hợp với các bộ, ngành, trung gian thanh toán để triển khai đề án của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, đề án tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thanh toán điện tử: Đích đến lâu dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO