Sàn mua bán nợ xấu ra đời: Kỳ vọng xử lý nợ xấu nhanh hơn

Anh Khoa| 28/10/2021 06:00

Ngày 15/10/2021, Công ty TNHH Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đưa sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động chính có ý nghĩa quan trọng, khi không chỉ được kỳ vọng sẽ giúp quá trình xử lý nợ xấu nhanh hơn mà còn mở đường cho một thị trường mua bán nợ hoàn chỉnh sớm được thiết lập như mục tiêu đặt ra trong đề án “Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025”.

Mối nguy nợ xấu

Theo chia sẻ của Ngân hàng Nhà nước gần đây, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay có thể lên mức xấp xỉ 8%, trên cơ sở các ngân hàng đã cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14. Đây là dự báo có cơ sở, khi chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu đã là 3,66%, còn nếu tính cả các khoản nợ cơ cấu lại do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì tỷ lệ này là 7,21%.

Như vậy, trong khi nợ xấu cũ, bao gồm cả nợ đã bán cho VAMC quá các năm vẫn chưa xử lý xong, ngành ngân hàng (NH) lại phải đối mặt với những khoản nợ xấu mới trong giai đoạn tới. Dù trong hơn một năm qua, các nhà băng đã nỗ lực tái cơ cấu nợ cho khách hàng, nhưng phải thừa nhận đó cũng chỉ là giải pháp “chữa cháy tạm thời” trong hoàn cảnh cấp bách hiện nay, vì nếu không thì tỷ lệ nợ xấu tại các NH sẽ tăng vọt, đe dọa bất ổn hệ thống cũng như nền kinh tế.

20211022-VAMC-1181-1635308170.jpg

Vì vậy, trong đề án “Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025” được công bố mới đây, một trong những mục tiêu quan trọng đặt ra là phải duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) ở mức dưới 3% và từng bước phát triển thị trường mua bán nợ. 

Dễ nhận thấy, thời gian tới, khi các khoản vay tái cơ cấu hết thời hạn nếu không xử lý được và phải chuyển thành nợ xấu vì doanh nghiệp (DN) chưa kịp phục hồi hoặc không thể phục hồi, áp lực nợ xấu tăng vọt, các NH có thể phải tạm thời đẩy nợ xấu này ra khỏi bảng cân đối bằng cách bán tiếp cho VAMC, như đã từng diễn ra từ năm 2013 đến nay. Khi đó, nhiệm vụ xử lý nợ xấu của ngành NH sẽ cần phải có sự đồng hành từ VAMC.

Sàn mua bán nợ xấu của VAMC

Chính vì vậy, việc sàn giao dịch nợ VAMC ra đời có ý nghĩa quan trọng, khi không chỉ được kỳ vọng sẽ giúp quá trình xử lý nợ xấu có những bước tiến mới nhanh hơn, mà còn mở đường cho một thị trường mua bán nợ hoàn chỉnh sẽ sớm được thiết lập như mục tiêu đặt ra trong đề án “Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025”. 

Có thể thấy, trong những năm qua, dù đã bán nợ cho VAMC, nhưng các NH vẫn đóng vai trò chủ yếu trong việc thu hồi và xử lý các khoản nợ đã bán để tránh phải trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt hằng năm theo quy định. VAMC dù đã tích cực phối hợp với các NH và có những đóng góp nhất định vào quá trình này, nhưng với nguồn lực còn hạn hẹp nên chưa thể phát huy hết vai trò, tuy nhiên giờ đây, với sàn giao dịch nợ, VAMC sẽ có vị thế lớn hơn.

Cụ thể, sàn giao dịch nợ VAMC sẽ có chức năng môi giới, mua bán các khoản nợ xấu, tức sàn sẽ làm trung gian, dàn xếp việc mua bán nợ xấu giữa người mua và người bán. Tuy nhiên, hoạt động này không bao gồm bán đấu giá, cũng như sàn chỉ giao dịch các khoản nợ, không bao gồm giao dịch tài sản bảo đảm (TSBĐ) của các khoản nợ, vì TSBĐ là tài sản của khách hàng, còn khoản nợ xấu là của TCTD và được quyền bán mà không cần thỏa thuận với khách hàng vay. 

Sàn sẽ là nơi tập hợp đầu mối, thông tin về các khoản nợ xấu mà các TCTD mong muốn đưa lên mua bán, từ đó đánh giá và tư vấn mua bán các khoản nợ xấu cho khách hàng, thông qua các dịch vụ liên quan như tư vấn hồ sơ, hợp đồng, thủ tục mua bán. Sàn có thể tư vấn cho khách hàng giải quyết nợ xấu bằng cách tái cấu trúc khoản nợ, giúp DN có nợ xấu phục hồi sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn để tiếp tục trả nợ.

Trong những năm qua, dù đã bán nợ cho VAMC, nhưng các NH vẫn đóng vai trò chủ yếu trong việc thu hồi và xử lý các khoản nợ đã bán để tránh phải trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt hằng năm.

Ngoài các khoản nợ do VAMC mua theo giá thị trường cũng như bằng trái phiếu đặc biệt có thể đem ra mua bán, nguồn hàng thứ hai là đến từ các TCTD và công ty quản lý tài sản của chính các TCTD. Dĩ nhiên trước khi giao dịch phải có sự thống nhất giữa VAMC với các TCTD về phương thức xử lý nợ. Nếu khoản nợ nào thỏa thuận được bằng cách bán nợ cho bên thứ ba thì sẽ được niêm yết trên sàn giao dịch nợ.

Dù vậy, hiệu quả hoạt động của sàn có thể sẽ gặp một số vướng mắc cần phải được tháo gỡ. Đầu tiên, để đa dạng hóa khách hàng, sàn phải thu hút được các quỹ, nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Tuy nhiên với chính sách tiền tệ toàn cầu thắt chặt trở lại, cũng như những rào cản về sở hữu tài sản như bất động sản của người nước ngoài, mục tiêu này không dễ thực hiện. Thứ hai là việc xử lý nợ xấu sau khi mua cũng gặp những rào cản, khi bên thứ ba mua lại khoản nợ trên sàn nhưng họ không phải là VAMC hay TCTD và theo đó, không được hưởng quyền thu giữ tài sản như được xác định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu. Do đó, trong trường hợp con nợ chây ì, cố tình không giao tài sản, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, các nhà đầu tư này khó đảm bảo được quyền của chủ nợ.

Trong trường hợp các chủ nợ xử lý bằng cách đàm phán để hoán đổi nợ thành cổ phần, để có thể tham gia sâu hơn vào tái cấu trúc DN, giúp DN gượng dậy, không những trả nợ cho NH mà còn phát triển tốt hơn, nhưng nếu con nợ từ chối, thì giải pháp này cũng rơi vào bế tắc. Vì vậy, có lẽ điều quan trọng nhất là trước khi mua, giữa chủ nợ và con nợ phải có sự ràng buộc chặt chẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sàn mua bán nợ xấu ra đời: Kỳ vọng xử lý nợ xấu nhanh hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO