Phía sau động thái giảm lãi suất cho vay của ngân hàng

Anh Khoa| 13/11/2020 06:00

Trong những ngày cuối tháng 10, một loạt ngân hàng (NH) đã bất ngờ giảm lãi suất cho vay, không chỉ ở các lĩnh vực ưu tiên mà còn trải rộng ở các nhóm khách hàng khác, từ doanh nghiệp (DN) đến cá nhân. Phía sau động thái này là gì?

Thiết lập mặt bằng lãi suất mới

Sau đợt đồng loạt giảm mạnh lãi suất cho vay vào cuối tháng 3 đầu tháng 4, với tinh thần hỗ trợ DN bị thiệt hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19, mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống NH kể từ đó ít có sự biến động, dù lãi suất tiền gửi không ngừng đi xuống, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ đầu năm đến nay đã có đến ba lần giảm lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng và trần lãi suất các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích.

Một loạt NH quyết định giảm lãi suất cho vay từ đầu tháng 11

Một loạt NH quyết định giảm lãi suất cho vay từ đầu tháng 11

Một số ý kiến cho rằng, trước rủi ro nợ xấu tiềm ẩn gia tăng, dù chi phí vốn đầu vào đã giảm đáng kể, nhưng các NH không mấy mặn mà giảm lãi suất cho vay tương ứng, vì muốn neo giữ biên độ lãi suất cao để bù đắp những ảnh hưởng từ nợ xấu mới đang và sẽ phát sinh do dịch bệnh. Khi rủi ro nền kinh tế đang ở mức cao, các NH không hứng thú với việc đẩy mạnh cho vay nên càng không có động lực cạnh tranh tín dụng bằng cách giảm lãi suất.

Tuy nhiên, trong những ngày cuối tháng 10 vừa qua, thị trường chứng kiến không ít NH bắt đầu giảm lãi suất đáng kể so với mặt bằng chung. Vietcombank tiếp tục là NH đầu tiên khi áp dụng mức lãi suất chỉ từ 5,9%/năm cho DN SME và 6,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn kinh doanh. Đặc biệt, khách hàng vay vốn theo sản phẩm “kinh doanh tài lộc” sẽ được ưu đãi mức lãi suất từ 5,7%/năm, áp dụng cho các khoản giải ngân từ ngày 20/10/2020.

Trong nhóm NHTM nhà nước, Agribank tuyên bố giảm tiếp 0,3% lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 4,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm. Agribank còn triển khai các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng DN SME lên đến 35.000 tỷ đồng, kéo dài đến hết ngày 30/6/2021.

Trước sự khơi mào của các “ông lớn” trên, các NHTM tư nhân cũng không chịu kém cạnh. MBBank áp dụng lãi suất cho vay kinh doanh từ 6,8%/năm với hạn mức 80% nhu cầu vốn trong thời hạn tối đa 180 tháng. HDBank tiếp tục giảm lãi suất vay gói Swift SME 5.000 tỷ đồng, còn từ 6,2%/năm, triển khai đến hết năm 2020. VPBank triển khai gói lãi suất cho vay kinh doanh từ 5,99%/năm, áp dụng từ nay đến hết ngày 31/12/2010 cho khách hàng cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình.

Động lực phía sau

Thứ nhất, trong bối cảnh nền kinh tế đang trong lộ trình hồi phục, sản xuất, kinh doanh, thương mại tiếp tục khởi sắc, rủi ro trong nền kinh tế hiện nay đã giảm đáng kể so với cách đây 6 tháng, các NH dường như đã tự tin hơn để đẩy vốn ra nền kinh tế, đặc biệt là khi càng về cuối năm nhu cầu vốn vay tăng cao trở lại.

2343434-8632-1605152858.jpg

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi doanh số bán lẻ tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4,12 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so cùng kỳ 2019. Ở thương mại, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 229,3 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ, nhập khẩu 210,6 tỷ USD, tăng 0,4% so cùng kỳ 2019, giúp xuất siêu đạt kỷ lục mới ở 18,7 tỷ USD.

Thứ hai, với mức thừa vốn ngày càng tăng, huy động vốn của các NH vẫn tăng tích cực, bất chấp lãi suất tiền gửi giảm mạnh trong thời gian qua, trong khi tín dụng tăng chậm hơn kể từ đầu năm đến nay, buộc các NH phải sớm có giải pháp khơi thông dòng vốn đầu ra. Trong 10 tháng qua, hàng loạt NH đã phát hành thành công giấy tờ có giá với số lượng lớn, cũng như tăng vốn điều lệ thành công, nên càng rơi vào tình trạng thừa vốn.

Do đó, thay vì để vốn nằm “chết dí”, hoặc rót vào các kênh đầu tư như cho vay trên thị trường liên NH và trái phiếu chính phủ, vốn lợi suất cũng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua, khiến hiệu quả sử dụng vốn ở mức thấp, các NH càng có động lực phải đẩy mạnh cho vay. Theo đó, chính sách giảm lãi suất cho vay là một trong những giải pháp quan trọng để thu hút khách hàng vay vốn, và mức lãi suất dù có giảm nhưng vẫn cao hơn nhiều lãi suất trên thị trường trái phiếu hoặc liên NH.

Cuối cùng, với thời gian hai tháng ít ỏi còn lại trong năm nay, các NH càng phải nhanh chóng tăng trưởng tín dụng để đạt mục tiêu đề ra, nhất là khi nhiều NH trong số này đã được NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ tháng 6 năm nay. Nếu đạt mục tiêu quá thấp dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng đến hạn mức tín dụng được giao cho năm sau, điều mà không NH nào muốn trong tình hình cạnh tranh quyết liệt như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phía sau động thái giảm lãi suất cho vay của ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO