Những thách thức dần lộ diện

Anh Khoa| 11/06/2020 06:58

Hai tuần qua là giai đoạn cao điểm các ngân hàng (NH) tổ chức đại hội cổ đông năm 2020, trong đó cho thấy những khó khăn, thách thức dần lộ diện, do đó việc không thể duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao như trước đây có thể thấy trước.

Khó duy trì lợi nhuận cao

Sau khi đạt mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 71% trong năm 2019, năm 2020 TPBank chỉ đặt mục tiêu tăng 5%, dù vốn điều lệ dự kiến tăng 19% và dư nợ tín dụng tăng 15%. Tương tự, Vietbank sau khi đạt tăng trưởng lợi nhuận 53% trong năm 2019, năm 2020 đặt lợi nhuận ở mức 613 tỷ đồng, bằng với kết quả đạt được năm 2019. Đối với MSB, lợi nhuận kế hoạch năm 2020 đặt ra tăng 12%, thấp hơn mức tăng 22% của năm 2019, dù tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến lên đến 20%.

Tại VPBank, dựa trên kết quả đạt được trong năm 2019, ban lãnh đạo đặt mục tiêu năm 2020 tăng 25% lợi nhuận, từ 13.500 - 14.000 tỷ đồng, nhưng do dịch Covid-19 ập đến nên đã quyết định điều chỉnh kế hoạch nhằm bảo toàn tài sản và vượt qua khủng hoảng một cách an toàn nhất. Dự kiến năm nay lợi nhuận của VPBank đạt 10.214 tỷ đồng, giảm 1,1% so với năm 2019. Đây là năm đầu tiên lợi nhuận VPBank giảm kể từ năm 2012.

Dù lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 7.516 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2018, tuy nhiên năm 2020, ACB chỉ đặt ra mức lãi khoảng 7.636 tỷ đồng, tăng chưa đến 2%. ACB cho biết, vốn điều lệ hiện tại là 16.627 tỷ đồng, dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 4.988 tỷ đồng, lên mức 21.615 tỷ đồng.

bai-1-nganhang-1-7609-1591776114.jpg

Một NH đang trong giai đoạn tái cơ cấu là PVCombank, sau khi đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 là 211 tỷ đồng, kế hoạch 2020 đặt ra chưa đến 75 tỷ đồng, giảm 64% khi xác định Covid-19 tác động nặng nề đến nền kinh tế đất nước.

Thậm chí có những NH không đặt ra mục tiêu lợi nhuận vì không lường được những tác động của dịch Covid-19 sẽ còn đến đâu. Như Vietinbank không nêu mục tiêu lợi nhuận cụ thể, dù cho biết sẽ đảm bảo hiệu quả kinh doanh, tiếp tục bám sát diễn biến của dịch Covid-19 để cập nhật kế hoạch kinh doanh. SCB trong giai đoạn tái cơ cấu cũng không đưa ra kế hoạch lợi nhuận cho năm 2020 dù các chỉ tiêu khác vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng.

Những thách thức

Việc đặt chỉ tiêu lợi nhuận tăng trưởng thấp là điều dễ hiểu trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp và người tiêu dùng nói riêng đều bị ảnh hưởng trước đại dịch Covid-19, khiến việc cho vay và huy động vốn của hệ thống NH gặp không ít thách thức.

Dù gần đây nhiều lãnh đạo NH đề xuất nới hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay do đã đạt tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm, nhưng đó chỉ là một số ít, như VPBank, TPBank, LienVietPostBank. Về phần mình, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định với mục tiêu tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng, đặc biệt là các lĩnh vực rủi ro, không hạ chuẩn cho vay. Tính đến ngày 20/5/2020, tăng trưởng tín dụng toàn ngành mới đạt 1,32%, trong khi thời điểm cuối tháng 4 là 1,42%, tức trong 20 ngày đầu tháng 5 dư nợ đã sụt giảm trở lại.

676778-6564-1591776115.jpg

Việc cho vay chậm hơn tất yếu sẽ ảnh hưởng lên lợi nhuận của các nhà băng. Đó là chưa nói đến việc thời gian qua các NH phải triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, như giảm lãi suất, miễn giảm lãi vay, tái cơ cấu nợ, miễn, giảm các loại phí dịch vụ theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Nguy cơ nợ xấu tăng trở lại ngày càng hiển hiện, gây áp lực lên chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của các NH. Trong khi đó, thu hồi, xử lý nợ xấu cũng chịu tác động tiêu cực trước diễn biến các thị trường tài sản suy giảm, do đó, các khoản thu nhập bất thường, vốn đã đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của nhiều nhà băng trong thời gian qua, cũng sẽ không còn cao như những năm trước đây.

Trong bối cảnh ấy, nhiều NH có thể phải đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ hoặc thoái vốn khỏi các công ty con, công ty liên kết để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận. Như VPBank dự kiến bán đến 49% vốn Fe Credit, mang về khoản thu nhập từ đầu tư góp vốn đáng kể và lấy tiền tập trung cho SME và bán lẻ.

Về kinh doanh bảo hiểm, Vietcombank trong năm nay dự kiến sẽ ghi nhận thu nhập từ hoa hồng phân phối bảo hiểm cho FWD từ quý II/2020 trở đi, trong khi ACB với vị thế hấp dẫn có thể tìm kiếm một thỏa thuận Bancassurance độc quyền, từ đó đưa hoạt động Bancassurrance thay thế thu nhập từ thu hồi nợ đã xử lý và trở thành yếu tố dẫn dắt chính cho lợi nhuận.

Trong khi đó, SCB cũng cho biết chú trọng tăng trưởng từ phí dịch vụ thông qua vận hành hệ thống giao dịch hiện đại và nâng cao trải nghiệm khách hàng qua thẻ, bảo hiểm, thanh toán trực tuyến, thanh toán tự động. Cụ thể, mục tiêu của SCB là tăng doanh số bảo hiểm 70% so với năm 2019, tiếp cận 30.000 khách hàng trên nền tảng số, đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng quốc tế lên 50.000 thẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những thách thức dần lộ diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO