Ngân hàng "thúc" tín dụng cuối năm

Trâm Anh| 10/11/2021 02:00

Quý IV hằng năm vẫn được xem là thời gian bứt tốc của các ngân hàng. Giải ngân quý cuối năm có thể tương đương tổng ba quý trước. Do đó, các nhà băng đều kỳ vọng được cấp 'room' tín dụng cao trong đợt cuối.

Ngân hàng

Ngân hàng tung nhiều gói vay ưu đãi, kích cầu tín dụng. Ảnh: B.L.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 29/10, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 10 triệu tỷ đồng, tăng 8,7% so với cuối năm 2020 (cao hơn mức 6,5% của cùng kỳ).​ Ước tính của Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research, trong tháng 10, hơn 77.000 tỷ đồng đã được "bơm" ra nền kinh tế, gần gấp đôi tháng 9. 

Lĩnh vực thương mại và dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất, với 34.900 tỷ đồng được cấp vay mới trong tháng trước, nâng tổng dư nợ lên hơn 6,3 triệu tỷ đồng, chiếm 63,7% tổng tín dụng. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng theo sau được bổ sung 15.600 tỷ đồng, nâng lên 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm 28,24%. NHNN ước tính đến cuối tháng 10, tín dụng vào 2 nhóm trên sẽ tăng 8,9-9% so với đầu năm.

Theo đánh giá của SSI Research, tín dụng đang tăng tích cực hơn so với kỳ vọng và thể hiện sự hồi phục của nền kinh tế sau giãn cách. Trước đó, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Tín dụng Các ngành kinh tế từng đưa ra kịch bản tín dụng sẽ hồi phục mạnh từ tháng 10 và hai tháng cuối năm.

Link bài viết

Sau khi kết thúc đợt giãn cách, các ngân hàng đang đẩy mạnh thu hút khách hàng, cho vay nền kinh tế bằng nhiều chương trình giảm lãi suất, một mặt hưởng ứng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về giảm lãi vay, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất cho vay công bố thấp hơn 1-2% so với trước. 

Đơn cử, VPBank đang có chương trình cho vay mua bất động sản với lãi suất từ 5,9%/năm đến 31/12. Khách hàng có nhu cầu vay mua bất động sản có giấy chủ quyền sẽ được lựa chọn một trong các gói lãi suất 5,9%/năm cố định trong 3 tháng, 7,9%/năm trong 6 tháng, 8,3%/năm trong 12 tháng, 8,6%/năm trong 18 tháng hoặc 8,9%/năm trong 24 tháng. Ngân hàng chấp nhận nhiều nguồn thu khác nhau để chứng minh khả năng thanh toán như lương, thu nhập...

Tương tự, Sacombank cũng công bố dành 10.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh, mua - xây sửa bất động sản, mua xe ô tô với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, thời hạn ưu đãi lên đến 12 tháng. TPBank phối hợp với Ford Việt Nam ưu đãi độc quyền dành riêng cho khách hàng vay mua xe Ford Transit Luxury với lãi suất 0%/năm cố định trong 12 tháng.

Ngoài ra, ngân hàng có thêm những ưu đãi khác như ân hạn trả nợ gốc 6 tháng đầu, tỷ lệ cho vay tới 75% giá trị xe và thời gian vay lên tới 7 năm. Các ngân hàng nước ngoài có nhiều gói vay với lãi suất thấp hơn trước dịch khoảng 1%. 

Nga-n-ha-ng-22thu-c-22-ti-n-du-6277-9520

Chờ 'room' tín dụng

Bên cạnh thúc đẩy giải ngân, các nhà băng cũng đang đợi quyết định nâng hạn mức tín dụng năm nay của NHNN. Mới đây, lãnh đạo MSB cho biết, tín dụng tăng gần 16% sau 9 tháng, gần tiệm cận với hạn mức được cấp mới trong quý III.

CEO MSB, ông Nguyễn Hoàng Linh kỳ vọng tín dụng của ngân hàng có thể tăng 25% cho cả năm. MSB là ngân hàng có quản trị rủi ro tốt, tập trung giải ngân vào các ngành phát triển bền vững, tích cực tham gia các hoạt động và chính sách của NHNN. Trong kỳ nới hạn mức tín dụng cuối năm, MSB mong muốn sẽ được nâng "room" tín dụng, dựa trên cân đối và phân bổ của cơ quan điều hành.

VPBank cũng kỳ vọng được NHNN xem xét phê duyệt hạn mức tín dụng cao sau khi hoàn tất các kế hoạch tăng vốn. Ngân hàng này cho rằng quý IV sẽ là giai đoạn hồi phục tăng trưởng mạnh của ngân hàng trong điều kiện "bình thường mới" của nền kinh tế. 

Link bài viết

Theo ước tính của SSI Research, với số liệu đến cuối tháng 10, hầu hết các ngân hàng đều đạt hạn mức tín dụng năm 2021 và SSI Research kỳ vọng NHNN sẽ sớm nới hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn tốt.

Lãnh đạo NHNN từng chia sẻ cơ quan này không kìm hãm giải ngân và có thể nới "room" tín dụng với các ngân hàng đủ tiêu chuẩn để hỗ trợ vốn cho nền kinh tế. Hiện nay, theo đánh giá của các ngân hàng, có 4 yếu tố để NHNN nâng hạn mức tín dụng.

Thứ nhất là chỉ số tài chính, quản trị rủi ro của mỗi ngân hàng gồm hệ số an toàn vốn (CAR), nợ quá hạn, nợ xấu... Thứ hai là mức độ phân tán về các lĩnh vực cho vay trong cơ cấu dư nợ. Thứ ba là các ngân hàng phải tham gia các chương trình hỗ trợ nền kinh tế như giảm lãi vay, cơ cấu nợ... Cuối cùng là ngân hàng có tham gia vào những chương trình hỗ trợ khác như cứu trợ ngành hàng không. 

Quý IV hàng năm vẫn được xem là thời gian bứt tốc của các ngân hàng. Năm 2020, trong 3 tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng đã nâng từ 6% lên trên 12%. Giải ngân quý cuối năm có thể tương đương tổng ba quý trước. Do đó, các nhà băng đều kỳ vọng được cấp 'room' tín dụng cao trong đợt cuối. 

Nhiều công ty chứng khoán có nhận định tích cực về tăng trưởng tín dụng năm nay trong kịch bản lạc quan. Chứng khoán Bảo Việt, Mirae Asset kỳ vọng tín dụng có thể tăng 13%, trong khi VNDirect ước tính khoảng 12%.

Bản thân các ngân hàng dự báo dư nợ tín dụng sẽ tăng thêm 4 điểm phần trăm trong quý IV và tăng 12,3% trong năm 2021, dù thấp hơn mức kỳ vọng 13,1% tại kỳ khảo sát quý III. TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế nhận định, khi dịch bệnh được kiểm soát, dòng vốn sẽ tiếp tục tập trung chảy vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, qua đó hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đặc biệt, khi nền kinh tế đang bước vào quý cuối cùng của năm, nhu cầu về tín dụng thông thường cũng sẽ cao hơn.

(Theo Người Đồng Hành)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng "thúc" tín dụng cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO