Ngân hàng duy trì lợi thế tăng trưởng trong bối cảnh bất thường

Thuỷ Nguyễn| 04/09/2020 06:00

Nửa đầu 2020, nhiều nhà băng đã ghi nhận rõ tác động của Covid-19, thể hiện qua lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng lên, nguồn vốn cạnh tranh suy yếu… Techcombank thì ngược lại, khi bên cạnh lợi nhuận tiếp tục tăng cao, hàng loạt các chỉ tiêu kinh doanh đều tiếp tục chuyển biến tích cực.

Phát triển bền vững dù “ngược gió”

Khi nền kinh tế có yếu tố bất thường, gây ảnh hưởng tiêu cực rộng lớn do đại dịch Covid-19, nhiều nhà băng đã ghi nhận rõ tác động trong 6 tháng đầu năm 2020, thể hiện qua lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng lên, nguồn vốn cạnh tranh suy yếu… Trước khó khăn này, đa số các ngân hàng đưa ra mục tiêu lợi nhuận năm 2020 giảm so với mức đạt được năm 2019, và nhiều nhà băng khác bỏ ngỏ không thể dự báo con số cuối năm. Trong bối cảnh chung, thành viên dẫn đầu lợi nhuận khối Ngân hàng Thương mại Cổ phần tư nhân Việt Nam là Techcombank cũng rất thận trọng với yếu tố này, khi xây dựng kế hoạch lợi nhuận năm nay chỉ nhích nhẹ 1% so với năm 2019.

Điều đáng nói là dù cẩn trọng trong kế hoạch lợi nhuận, song Techcombank vẫn duy trì các lợi thế của mình hướng đến phát triển bền vững ngay cả trong bối cảnh bất lợi của covid-19. 

Nợ xấu của Techcombank đã giảm mạnh trong nửa đầu năm nay, từ khoảng 3,1 nghìn tỷ đồng trong năm 2019 xuống chỉ còn 2,1 nghìn tỷ đồng, ứng với tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,9%. Cùng đó, tỷ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu đã tăng từ 94,8% trong 2019 lên 108,6% cuối quý II/2020.

Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) cũng tiếp tục cải thiện khi giảm từ 35% cuối quý 2 năm ngoái xuống còn 32,5% tại thời điểm kết thúc quý II/2020. Đây cũng là tỷ lệ ở nhóm thấp nhất trong ngành, góp phần giải thích cho hiệu quả hoạt động của Techcombank với ROA và ROE đứng hàng đầu các NHTM trong khu vực châu Á.

Một điểm được chú ý trong kỳ báo cáo vừa qua là xu hướng sụt giảm của tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại hầu hết các NHTM Việt Nam. Đặc biệt, sau khi điều chuyển tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước về Ngân hàng Nhà nước, CASA tại các NHTM khối quốc doanh bị ảnh hưởng rõ rệt. CASA tại nhiều NHTMCP khác cũng giảm mạnh, mà một trong những tác động nổi bật là Covid-19… 

Nhưng tại Techcombank, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn lại đi ngược xu hướng, tăng mạnh từ 30,4% tại thời điểm 30/6/2019 lên tới 34,4% cuối quý II/2020 – thuộc nhóm cao nhất trong số các thành viên đã công bố kết quả kinh doanh trong kỳ. Tại hội nghị trực tuyến với giới phân tích và nhà đầu tư vừa qua, đại diện Techcombank cho biết, chính cơ cấu CASA tăng lên đã tạo điều kiện cho ngân hàng có chi phí huy động thấp, qua đó hỗ trợ tốt cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và giữ ổn định được hệ số lãi biên (NIM). Đây là những lý do quan trọng, giúp lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 6.738 tỷ đồng và tiếp tục dẫn đầu khối Ngân hàng Thương mại cổ phần tư nhân Việt Nam.

20200709-100723-8967-1599209385.jpg

Covid-19: “Lửa thử vàng”

Trước khi đại dịch này xảy ra, hệ số an toàn vốn (CAR) của Techcombank từng gây “khó hiểu” cho nhiều người khi giữ ở mức rất cao. Bởi CAR quá cao thì dễ đặt ra câu hỏi về hiệu quả sử dụng vốn bị hạn chế. Thế nhưng tại đây, lực đẩy hiệu quả và lợi nhuận nhiều năm qua đã giảm thiểu dần sự lệ thuộc vào tín dụng.

Cuối quý II/2020, CAR của Techcombank đạt mức 16,9% - dẫn đầu hệ thống và gấp hơn 2 lần so với mức tối thiểu theo chuẩn Basel II. Như tên gọi “an toàn vốn”, tỷ lệ rất cao này tạo “tấm đệm vốn” dày cho ngân hàng trước rủi ro. Và chính trong “cơn địa chấn lớn nhất là Covid-19”, “tấm đệm vốn” đã giúp Techcombank phát triển “ngược gió”. 

Theo đại diện lãnh đạo Techcombank tại hội thảo gặp gỡ nhà phân tích trực tuyến về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm gần đây, mô hình kinh doanh “Rủi ro thấp - Lợi nhuận cao” đã mang lại sức mạnh tài chính và sự vững vàng để vượt qua đại dịch. Trước hết, ngân hàng đã và đang dạng hóa doanh thu, và quản lý chặt chẽ chi phí hoạt động với CIR ở nhóm thấp nhất toàn ngành. Nếu như đại dịch đánh mạnh vào dư nợ, thì cơ cấu thu nhập của Techcombank đã dịch chuyển nhanh từ nhiều năm trước, để đến nay càng chứng tỏ hướng đi đúng đắn và bền vững của mình. 

Kỳ báo cáo nửa đầu 2020 cũng thể hiện rõ, trong khi thu nhập từ lãi tăng trưởng 22.9% so với cùng kỳ, thì thu nhập ngoài lãi tăng trưởng tới 48.2%. Tốc độ tăng trưởng ấn tượng này là điều dễ hiểu với thành viên đã củng cố vị thế hàng đầu tại hầu hết các phân khúc bán lẻ những năm qua, như phân phối bảo hiểm, tư vấn phát hành trái phiếu, thẻ tín dụng…

Khác biệt từ chất lượng tài sản lành mạnh 

Ngay cả trong tín dụng, cấu trúc khách hàng của Techcombank cũng đã có sự phân tán rõ rệt, trong đó tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân chiếm 44.5% tổng dư nợ cho vay. 

Chiến lược dịch chuyển mạnh sang cho vay bán lẻ đã giúp Techcombank phân tán rủi ro theo chuỗi, sang nhiều lĩnh vực và ngành nghề cũng như phân tán đến người mua trực tiếp. Thông tin phân tích đưa ra tại hội nghị cho biết, 94% các khoản cho vay của Techcombank đều có tài sản đảm bảo. Trong cho vay bán lẻ khách hàng cá nhân, trọng tâm là cho vay mua nhà ở. Trong mảng cho vay mua nhà này, khách hàng có thu nhập cao chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 70-80% trong danh mục; còn lại khoảng 12.6% là khách hàng thu nhập khá.Việc lựa chọn phân khúc khách hàng như trên một mặt có được nền tảng năng lực trả nợ tốt, mặt khác góp phần thúc đẩy doanh thu các dịch vụ bán chéo, cũng như tạo thế mạnh nổi bật về CASA cho ngân hàng.

Lãnh đạo Techcombank cho biết, với mô hình “Rủi ro thấp - Lợi nhuận cao”, chất lượng tài sản lành mạnh và cải thiện thêm ngay cả trước phép thử đủ mạnh từ đại dịch như 6 tháng đầu năm, ngân hàng tự tin hướng đến mục tiêu vượt kế hoạch kinh doanh năm nay. “Với khả năng thanh khoản cao cùng vị thế vốn mạnh mẽ, chúng tôi có vị thế vững vàng để hỗ trợ khách hàng tốt hơn nữa trong dịch Covid-19” – đại diện Techcombank chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến với các nhà phân tích

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng duy trì lợi thế tăng trưởng trong bối cảnh bất thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO