Lãi vay trước cơ hội giảm trở lại

Anh Khoa| 14/03/2023 01:00

Với lãi suất tiền gửi giảm đồng loạt trong đợt điều chỉnh vừa qua sau lần đồng thuận hồi cuối năm 2022 không đẩy lãi suất huy động quá 9,5%/năm, sẽ tạo điều kiện giúp lãi suất cho vay hạ nhiệt, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vốn tăng với tốc độ rất chậm trong hai tháng đầu năm.

Lãi vay trước cơ hội giảm trở lại

Tiết giảm chi phí vốn

Trong ngày 6/3/2023, hàng loạt ngân hàng quyết định giảm lãi suất huy động vốn. Dù xu hướng lãi suất tiền gửi giảm đã bắt đầu xuất hiện từ đầu năm, đặc biệt là từ sau Tết Nguyên đán, nhưng một đợt giảm đồng loạt mới được ghi nhận trong lần giảm này với sự tham gia của các ngân hàng lớn, gồm cả các ngân hàng thương mại quốc doanh, là rất đáng quan tâm.

Đơn cử như Vietcombank giảm 0,2% ở các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng và các kỳ hạn dài trên 12 tháng, xuống tương ứng còn 5,8% và 7,2%, tiếp tục nằm trong nhóm có lãi suất huy động thấp nhất hệ thống. Tương tự, VietinBank và BIDV cũng giảm 0,2% ở các kỳ hạn 6-11 tháng và từ 13 tháng trở lên. Trong khi đó, Agribank cũng giảm 0,3% ở các kỳ hạn 6-11 tháng và giảm 0,2% kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. 

Đáng lưu ý, đa số ngân hàng thương mại tư nhân giảm mạnh lãi suất cao hơn với mức giảm từ 0,3-0,5%/năm. Đáng chú ý, VPBank giảm tới 2% lãi suất kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng trên kênh online, xuống còn 7,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 6 tháng giảm 0,5 điểm % xuống lần lượt 8,8% và 8,4%/năm.

Đây là động thái tích cực và gần như được dự báo trước, khi đầu tuần trước, sau khi các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023, đã đạt được sự đồng thuận giảm lãi suất huy động tiền gửi 0,5%/năm, muộn nhất áp dụng từ ngày 6/3/2023.

Với thanh khoản hệ thống đang trong tình trạng dư thừa, thể hiện qua việc NHNN liên tục phát hành tín phiếu để hút tiền về, với cả các kỳ hạn dài 91 ngày, việc lãi suất huy động tiếp tục được điều chỉnh giảm là có thể thấy trước. Trong bối cảnh huy động vốn tăng trưởng mạnh trong hai tháng đầu năm, trong khi dư nợ cho vay tăng trưởng khá chậm, với số liệu công bố gần đây đạt 0,77%, thấp hơn nhiều so với mức cùng kỳ năm ngoái là 1,82%, các ngân hàng  buộc phải giảm lãi suất tiền gửi để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận.

Bên cạnh đó, việc NHNN đã mua vào khoảng 3,6 tỷ USD - theo dữ liệu được công bố gần đây, ước tính nhà điều hành đã bơm ròng hơn 84.400 tỷ đồng qua kênh mua ngoại tệ, càng giúp thanh khoản tiền đồng thêm dồi dào. Với mục tiêu khôi phục lượng dự trữ ngoại hối trong năm nay, sau khi đã sử dụng để can thiệp thị trường ngoại hối giúp ổn định tỷ giá trong nửa cuối năm 2022, NHNN có thể tiếp tục mua ngoại tệ trong thời gian tới.

-7367-1678701084.jpg

Với áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (DN) chưa mạnh trong những tháng đầu năm, trong khi Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế, càng giúp thanh khoản hệ thống dồi dào hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Việc thay đổi về cách tính tỷ lệ LDR (đo lường rủi ro thanh khoản tại các ngân hàng) cũng có lợi cho các ngân hàng quốc doanh, giảm bớt áp lực huy động ở nhóm này, tạo điều kiện giảm thêm lãi suất.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2023 tăng 0,45% so với tháng trước, nâng mức tăng so với đầu năm lên 0,97% và so cùng kỳ tăng 4,31%. Tuy nhiên, nếu so với mức tăng 1,2% của hai tháng cùng kỳ năm 2022, 1,58% của cùng kỳ năm 2021 và 1,6% của cùng kỳ năm 2020, mức tăng 0,97% của hai tháng đầu năm nay vẫn thấp hơn. Vì vậy, so sánh với khung lãi suất niêm yết khá cao của nhiều nhà băng, dòng tiền rót lớn vào hệ thống ngân hàng để tiết kiệm là có thể hiểu được.

Cho vay với lãi suất thấp hơn?

Với lãi suất tiền gửi giảm đồng loạt trong đợt điều chỉnh vừa qua, sau lần đồng thuận hồi cuối năm 2022 không đẩy lãi suất huy động quá 9,5%/năm, giới phân tích cho rằng sẽ tạo điều kiện giúp lãi suất cho vay hạ nhiệt, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vốn tăng với tốc độ rất chậm trong hai tháng đầu năm. 

Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh thừa tiền, không ít ngân hàng đã nỗ lực triển khai các chương trình cho vay lãi suất ưu đãi để thúc đẩy vốn đầu ra, nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong đợi. Có thể kể đến các ngân hàng như Sacombank, ACB, Vietcombank, Agribank, MBBank... với nhiều gói cho vay lãi suất dành cho khách hàng mới thấp hơn 1-3% so với biểu lãi suất thông thường.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, theo như định hướng và mục tiêu mà Chính phủ đặt ra trong năm nay. Thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm, với lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43 điểm %. Đến nay, 22 ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, nếu so sánh với tốc độ giảm lãi suất tiền gửi từ đầu năm đến nay, có vẻ lãi suất cho vay đang giảm chậm hơn. Điều này là có thể hiểu được, vì các ngân hàng từ cuối năm ngoái đến những tháng đầu năm nay đã huy động một lượng lớn tiền gửi với lãi suất khá cao, do đó chi phí vốn không thể giảm ngay lập tức mà chỉ có thể giảm từ từ khi các khoản tiền gửi với lãi suất cao này đáo hạn dần và gửi lại theo khung lãi suất mới thấp hơn.

Với những khó khăn và thách thức mà DN đang đối mặt, việc giảm lãi suất cho vay càng cấp thiết, vì nếu kéo dài với chi phí tài chính quá cao, không chỉ khiến DN đứng trước nguy cơ thu hẹp sản xuất, kinh doanh, rủi ro phá sản mà từ đó còn tác động trực tiếp lên tăng trưởng của nền kinh tế.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong hai tháng đầu năm 2023, cả nước có 37.900 DN đăng ký thành lập và quay trở lại hoạt động, giảm đến 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, số DN rút lui khỏi thị trường là 51.400, tăng 14,5%; bình quân một tháng có 25.700 DN rút khỏi thị trường, xu hướng này phản ánh những khó khăn và rủi ro mà DN đang gặp phải.

Một điểm tích cực là chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 51,2 điểm trong tháng 2, tăng so với mức mức 47,4 điểm trong tháng 1, cho thấy ngành sản xuất đã bắt đầu cải thiện sau thời kỳ suy giảm kéo dài ba tháng. Kinh doanh khôi phục sẽ là một trong những động lực quan trọng để DN vay vốn và mở rộng sản xuất, tuy nhiên nếu lãi vay vẫn duy trì ở mức cao thì sẽ làm giảm động lực vì lo ngại lợi nhuận có thể không kham nổi chi phí lãi vay. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãi vay trước cơ hội giảm trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO