Lãi suất sẽ còn duy trì ở mức thấp bao lâu?

Anh Khoa| 14/07/2020 01:00

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có hai lần điều chỉnh các loại lãi suất điều hành, giúp kéo mặt bằng lãi suất về mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Và ngay từ đầu tháng 7, một loạt ngân hàng tiếp tục giảm mạnh lãi suất tiền gửi.

bai-2-1500-0-4307-1594623508.jpg

Thanh khoản dồi dào hỗ trợ lãi suất

Tín dụng trì trệ tiếp diễn khiến các ngân hàng (NH) không có nhiều động lực huy động vốn, trong khi dòng tiền tìm đến những kênh đầu tư an toàn như NH càng khiến các nhà băng rơi vào tình trạng thừa vốn.

Theo số liệu cập nhật mới nhất, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế so với đầu năm chỉ đạt 2,45%, chưa đến 0,4 lần tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2019 là 6,22%. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất kỳ 6 tháng trong 5 năm qua, cho thấy việc vay vốn suy yếu đến mức nào. Trước đó con số tăng trưởng đến cuối tháng 5 công bố ở mức 1,96%, như vậy trong vòng 19 ngày đầu tháng 6, tín dụng chỉ tăng thêm chưa đến 0,5%, xấp xỉ hơn 40.000 tỷ đồng, trong khi mọi năm, tháng 6 luôn là giai đoạn các NH tăng tốc cho vay để hoàn thành kế hoạch bán niên.

Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn trong cùng giai đoạn đạt 4,35%, cũng thấp hơn mức tăng cùng kỳ là 6,09%, nhưng tiếp tục duy trì xu hướng cao hơn tốc độ tăng dư nợ. Tương tự, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,59% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng 6,05% của cùng kỳ năm 2019 nhưng cũng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng. Diễn biến này làm cho hệ thống NH vẫn trong trạng thái dư thừa thanh khoản.

Đáng lưu ý là nếu vào cuối quý I, tăng trưởng huy động vốn vẫn thấp hơn tín dụng là 0,17%, thì chênh lệch này đã có dấu hiệu đảo ngược từ đầu quý II, và theo số liệu kể trên thì tăng trưởng huy động vốn đang cao hơn tăng trưởng tín dụng đến 1,9%, bất chấp việc các NH thương mại đã giảm mạnh lãi suất tiền gửi và cam kết giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng vay vốn.

Diễn biến trên thị trường liên NH càng ủng hộ cho việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay. Cập nhật đến ngày 30/6/2020, lãi suất vay mượn qua đêm giữa các tổ chức tín dụng chỉ còn 0,15%, một tuần và hai tuần tương ứng ở 0,43% và 0,36%, trong khi kỳ hạn dài hơn là một tháng cũng nằm dưới mốc 1% tại 0,66%, thấp nhất trong nhiều năm qua.

bai-2-interest-rate-2-6589-1594623508.jp

Hỗ trợ nền kinh tế vẫn là mục tiêu quan trọng

Không chỉ các NH muốn duy trì mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay để tránh gây áp lực lên lợi nhuận cũng như hạn chế tăng nguy cơ nợ xấu, mà NHNN cũng muốn sự ổn định này kéo dài để hỗ trợ nền kinh tế vốn đang ở trong thế rất khó khăn.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II dù không ở mức âm như nhiều quốc gia khác, nhưng cũng chỉ tăng vỏn vẹn 0,36% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020, do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Lũy kế 6 tháng đầu năm, GDP chỉ tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020.

Ảnh hưởng của đại dịch thể hiện trên mọi mặt của đời sống kinh tế và xã hội. Đơn cử như trong sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 2,71% so với cùng kỳ 2019, trong đó riêng quý II chỉ tăng 0,74%. Rõ ràng với sản xuất, kinh doanh suy yếu như vậy, nhu cầu vay vốn của cộng đồng doanh nghiệp không thể nào tăng mạnh được.

65897-5007-1594623751.jpg

Ở phía cầu nền kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng chỉ đạt 2,38 triệu tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm đến 5,3%, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%. Với sức tiêu dùng bị ảnh hưởng và suy yếu đến vậy, dư nợ cho vay tiêu dùng của các NH cũng khó lòng tăng trưởng. Cũng theo một báo cáo cập nhật gần đây, tăng trưởng dư nợ cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ và cho vay tiêu dùng đều ở mức âm so với đầu năm.

Trong khi đó, chi tiêu của Chính phủ vẫn chưa đóng góp nhiều đến tăng trưởng, dù tốc độ tăng vốn đầu tư công tháng 6 và 6 tháng đầu năm đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020, nhưng vẫn rất thấp so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, vốn từ ngân sách nhà nước thực hiện 6 tháng ước tính đạt 154.000 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ tương ứng 33,1% kế hoạch năm, bất chấp quyết tâm của Chính phủ muốn mở rộng tài khóa và tăng cường đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng.

Có thể thấy khi các chính sách tài khóa mở rộng vẫn chưa thể phát huy hiệu quả như kỳ vọng, và những thách thức phía trước vẫn còn rất lớn thì chính sách tiền tệ càng phải góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó tiếp tục giữ lãi suất thấp là một trong những công cụ điều tiết cần thiết và quan trọng nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãi suất sẽ còn duy trì ở mức thấp bao lâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO