6 tháng đầu năm: Nợ xấu chuyển biến bất ngờ

N. Phương| 29/07/2019 00:27

Hiện là mùa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các ngân hàng. Đến thời điểm này đã có trên chục nhà băng công bố báo cáo tài chính quý II với nhiều điểm nhấn đáng chú ý. Trong đó, các ngân hàng lớn ăn nên làm ra còn các ngân hàng nhỏ thì không hẳn như vậy.

6 tháng đầu năm: Nợ xấu chuyển biến bất ngờ

Điểm nhấn quan trọng trong các báo cáo tài chính của các ngân hàng đã công bố là về nợ xấu.

Bên cạnh việc nhiều ngân hàng vẫn giữ được nợ xấu dưới 1%, một số nỗ lực kiểm soát chất lượng song song đẩy tăng tín dụng, thì cũng có không ít các nhà băng có nợ xấu tăng đáng kể so với quý 1 và đầu năm, bao gồm cả cái tên không thể ngờ tới là Vietcombank.

Cụ thể, báo cáo cho thấy, trong nhóm ngân hàng lớn thì ACB giữ được mức nợ xấu nội bảng cuối quý II chỉ 0,67% - còn thấp hơn cả đầu năm cho dù tín dụng 6 tháng qua tăng trưởng cao gần 9%. Tiếp đến là HDBank, ngân hàng mẹ duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 1% không chỉ quý II mà quanh mức này từ 2015 tới nay. Là một trong các ngân hàng đang tái cơ cấu song SCB cũng cho biết tỷ lệ nợ xấu nội bảng cũng chỉ dưới 1%. Ở nhóm ngân hàng nhỏ, BacABank là đại diện duy nhất với tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp dưới 1% - chỉ 0,72%.

Một số ngân hàng khác, dù tỷ lệ nợ xấu cao hơn song cũng ghi nhận nỗ lực kiểm soát chất lượng tín dụng ngay cả khi tăng trưởng cho vay rất mạnh, nhờ đó mà nợ xấu đến cuối quý II đã giảm đáng kể so với cuối quý 1 và đầu năm, có thể kể đến như VIB giảm từ hơn 2% xuống 1,8% hay ABBank từ gần 2% xuống 1,44%.

Nhưng ở một số ngân hàng tình hình nợ xấu lại thay đổi theo chiều hướng "giật lùi", chẳng hạn TPBank từ 1,12% lên 1,5% hay Kienlongbank từ 0,94% lên 1,15%...

Trường hợp đáng lưu ý nhất là TPBank khi thời điểm cuối quý II vừa qua ghi nhận nợ nhóm 3 tăng hơn 60%; nợ nhóm 4 tăng gần gấp đôi và nợ nhóm 5 cũng tăng gần 20% khiến tổng nợ xấu tăng tới 55%.

Vietcombank cũng gây bất ngờ khi nợ nhóm 3 - nhóm dưới chuẩn - đến hết quý II năm nay bất ngờ tăng gấp gần 6 lần so với cuối năm trước. Cho dù nợ nhóm 4 và nhóm 5 có giảm nhẹ song tổng nợ xấu vẫn tăng thêm trên 900 tỷ đồng và qua đó đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng từ dưới 1% lên trên 1%.

Còn lại các nhà băng khác ghi nhận các nhóm nợ có sự biến động đáng kể, chẳng hạn như nợ nhóm 3 ở MB tăng tới 73%, ở LienVietPostBank nợ nhóm 4 tăng gấp 2,7 lần, Kienlongbank cũng có nợ nhóm 4 tăng 2,8 lần.

Trong hệ thống ngân hàng hiện nay còn có nhóm nhà băng đang "cõng" công ty tài chính - là công ty hoạt động với hệ số rủi ro cao hơn - thì nợ xấu của ngân hàng hợp nhất cũng cao hơn. Đó là các ngân hàng HDBank, MB, SHB, VPBank, song hiện nay các nhà băng này vẫn chưa công bố báo cáo đầy đủ nên chưa có số liệu chính xác về nợ xấu. Trong số các ngân hàng có trường hợp của HDBank đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu luôn duy trì ở mức thấp quanh 1% đối với ngân hàng riêng lẻ suốt từ năm 2015 tới nay, còn nếu cộng thêm cả công ty tài chính tiêu cũng chỉ chiếm 1,4% trên tổng dư nợ - là mức rất thấp.

Ngoài ra, các ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, Agribank, Techcombank, VPBank và trên 20 ngân hàng còn lại cũng là những ẩn số đang được thị trường ngóng đợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
6 tháng đầu năm: Nợ xấu chuyển biến bất ngờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO