Duy trì mức lãi cao
Nhìn chung, số NH có lợi nhuận tăng cao vẫn chiếm đa số, chỉ có 7 nhà băng giảm, nhưng mức giảm chỉ tương đối thấp. Tính chung 27 NH này đã tạo ra lợi nhuận hơn 39.000 tỷ đồng riêng trong quý III, trong đó 5 NH lãi lớn nhất đã chiếm đến gần 21.000 tỷ đồng, tương ứng 54%. Có 13 NH đạt lợi nhuận từ 1.000 tỷ đồng trở lên chỉ tính riêng trong một quý.
Quán quân lợi nhuận vẫn là Vietcombank với mức lãi trước thuế tuyệt đối riêng quý III đạt hơn 5.700 tỷ đồng, tăng 15%. Bám sát là Techcombank lãi gần 5.600 tỷ đồng, tăng 40%. Ba NH có số lợi nhuận trong top 5 dẫn đầu lần lượt là MBBank lãi gần 3.900 tỷ đồng, Vietinbank lãi hơn 3.000 tỷ đồng và VPBank lãi gần 2.700 tỷ đồng.
Xét theo mức tăng trưởng, dẫn đầu là các NH có quy mô nhỏ, do lợi nhuận đạt được trong cùng kỳ năm ngoái là khá thấp. Cụ thể, xếp đầu là NH Quốc Dân chỉ lãi gần 80 tỷ đồng, nhưng vẫn tăng hơn 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2020. Việt Á lãi trước thuế hơn 126 tỷ đồng, tăng 586%, PGBank lãi gần 97 tỷ đồng, tăng 358%, SeABank lãi 974 tỷ đồng, tăng mạnh 111% và SHB lãi 1.869 tỷ đồng, tăng 97%.
Kết quả trên được đánh giá là tích cực, trong bối cảnh hầu hết ngành nghề đều bị thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19 kéo dài suốt từ quý II đến quý III. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 10 tháng qua đã lên đến 48.500, tăng 16%; 5.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,7%; 13.600 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,8%.
Lãi lớn nhờ đâu?
Ngành NH cũng chịu tác động không nhỏ bởi đại dịch, do kinh doanh chậm lại khi nhu cầu vốn sụt giảm nghiêm trọng, việc giãn cách xã hội khiến việc thẩm định, giải ngân cho vay không thực hiện được. Các NH cũng phải tái cơ cấu nợ cho khách hàng, đồng thời phải giảm lãi suất cho vay theo định hướng kể từ giữa tháng 7 đến nay.
Cụ thể, theo Ngân hàng Nhà nước, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ ngày 15/7-30/9/2021 của 16 NH là khoảng 12.236 tỷ đồng, đạt 59,36% so với cam kết. Trong đó riêng 4 NH thương mại nhà nước đã giảm số tiền lãi là gần 10.200 tỷ đồng, chiếm 83%. Nhóm NH thương mại cổ phần có MBBank giảm 602 tỷ đồng, SHB giảm 244 tỷ đồng, Techcombank giảm 243 tỷ đồng, VPBank giảm 224 tỷ đồng, ACB giảm 203 tỷ đồng...
Tuy nhiên, các NH cũng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để tránh khả năng sinh lãi bị ảnh hưởng quá lớn. Một trong số đó là giảm lãi suất tiền gửi đầu vào để hạn chế mức thu hẹp của biên lãi ròng. Cụ thể, sau đợt tăng đột ngột vào tháng 5 và tháng 6, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh trở lại từ tháng 7, giúp các nhà băng giảm được chi phí vốn đầu vào.
Đại dịch và giãn cách xã hội cũng giúp nguồn tiền gửi thanh toán không kỳ hạn tại các NH tăng mạnh, do khách hàng giảm nhu cầu chi tiêu và kinh doanh. Có thể thấy tỷ lệ nguồn vốn rẻ này, với lãi suất chỉ từ 0-2%/năm đã tăng rất mạnh tại nhiều NH. Đơn cử như Techcombank có tỷ lệ CASA lên đến 49% vào cuối quý III, là một trong những động lực giúp NH này tăng mạnh lợi nhuận.
Nguồn thu phí dịch vụ của các NH cũng duy trì được xu hướng tăng trưởng, đóng góp lớn vào lợi nhuận. Như SeABank có lãi thuần từ dịch vụ riêng quý III lên đến 343 tỷ đồng, tăng 111%, KienLong Bank dù lãi thuần ở hoạt động này chỉ 48 tỷ đồng, nhưng vẫn tăng đến 148%, Nam Á lãi 48,5 tỷ đồng, tăng 86%, MSB lãi 251 tỷ đồng, tăng 46%. Những dịch vụ như Bancassurance (phân phối bảo hiểm qua kênh NH), NH điện tử và giao dịch trực tuyến được đẩy mạnh trong giai đoạn dịch bệnh.
Việc đầu tư cũng giúp nhiều NH lãi lớn, như MSB lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư là gần 191 tỷ đồng, tăng hơn 39 lần, Bắc Á lãi 94 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, Sacombank lãi hơn 96 tỷ đồng, đặc biệt TPBank lãi đột biến hơn 913 tỷ đồng, đều tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm trước. Với nhu cầu vay vốn thấp trong khi nguồn vốn dồi dào, các NH đã mạnh tay đầu tư vào thị trường trái phiếu, do đó giúp lãi từ hoạt động này tăng mạnh.