Ngân hàng "tháo khó" cho ngành lúa gạo

YN| 26/08/2021 08:33

Dịch Covid-19 khiến Ngành lúa gạo Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo hoạt động cầm chừng vì chuỗi sản xuất - cung ứng bị đứt gãy, hàng hóa tồn kho với số lượng lớn, DN xuất khẩu giảm đơn hàng, giảm sản lượng, nhiều DN kinh doanh lĩnh vực thu mua và chế biến nông sản phải dừng hoạt động...

Ngân hàng

Nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ ngành lúa gạo 

Trước tình hình đó, Hội nghị trực tuyến Giải pháp của ngành Ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo khu vực ĐBSCL đã được Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú chủ trì vào sáng 26/8 tại Hà Nội. Phát biểu tại Hội nghị, đại diện NHNN cho biết, thời gian qua, NHNN đã có nhiều chính sách tín dụng ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn.

Đó là cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. NHNN cũng có quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, bao gồm ngành lúa gạo) thấp hơn so với lãi suất cho vay các lĩnh vực khác, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng (hiện nay là 4,5%/năm).

Để hỗ trợ DN xuất khẩu nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng trong việc giảm chi phí vay vốn, NHNN đã ban hành Thông tư 42/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN ngày 08/12/2015 quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay…Ngoài ra, các tổ chức tín dụng đã kịp thời thực hiện các giải pháp để hỗ trợ cho một số doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo gặp khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tăng hạn mức tín dụng, tăng cường cho vay không có tài sản bảo đảm, trên cơ sở đánh giá khả năng tài chính và tín nhiệm của khách hàng.

Hội nghị đánh giá các chính sách tín dụng mà Chính phủ, NHNN ban hành trong thời gian qua cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của ngành sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo.

Đến cuối tháng 7/2021, dư nợ ngành lúa gạo đạt 144.657 tỷ đồng, tăng 11,33% so với cuối năm 2020. Trong đó theo mục đích vay vốn: Dư nợ trồng, sản xuất lúa đạt 34.819 tỷ đồng, chiếm 24,07%; Dư nợ phục vụ thu mua, tiêu thụ lúa gạo đạt 97.402 tỷ đồng, chiếm 67,33%, tăng 15,77% so với 2020; Dư nợ chế biến, bảo quản lúa gạo đạt 12.435 tỷ đồng, chiếm 8,6%. 

Riêng tại ĐBSCL, đến cuối tháng 7/2021, dư nợ ngành lúa gạo tại ĐBSCL đạt 74.139 tỷ đồng, tăng 15,45%, chiếm 51,25% dư nợ lúa gạo toàn quốc. Từ đầu năm 2021 tới nay, các tổ chức tín dụng tại ĐBSCL đã cấp khoảng 56.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, thương nhân thu mua, tạm trữ lúa gạo, đã giải ngân với tổng doanh số lũy kế 93.000 tỷ đồng để thu mua gần 7,3 triệu tấn gạo. Dư nợ thu mua, tiêu thụ đến cuối tháng 8/2021 ước đạt 51.500 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2020, chiếm 92% hạn mức được cấp. 

DN ngành lúa gạo gặp nhiều khó khăn

Do nhiều tỉnh đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các DN ngành lúa gạo gặp khó khăn trong việc thu hoạch, lưu thông, sản xuất - chế biến và xuất khẩu gạo, cụ thể: Các thương nhân và phương tiện gặt đập liên hợp ngoài tỉnh bị hạn chế vào địa bàn, trong khi vụ lúa Hè thu đã và đang vào thu hoạch, người dân tạm dừng hoặc không mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, trồng trọt. Đặc biệt là việc lưu thông hàng hóa của khách hàng gặp rất nhiều khó khăn.

Đơn cử, các hộ nông dân thu hoạch lúa thì không tiêu thụ được do không tiếp xúc được với người mua; thiếu hụt nghiêm trọng tài xế xe tải, container, tài công ghe, sà lan vận chuyển gạo, lúa nên nông dân không vận chuyển được lúa từ ruộng về nhà máy. 

111-4787-1629969109.jpg

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú chủ trì hội nghị

Một thực tế nữa là tại các địa phương, việc áp dụng thời gian hiệu lực của xét nghiệm Covid khác nhau, gây khó khăn cho các phương tiện vận chuyển (ví dụ như 4 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ thì tình hình dịch gần như nhau, nhưng Đồng Tháp, Kiên Giang và Cần Thơ cho phép hiệu lực trong 72 giờ trong khi An Giang là 24 giờ).

Hiện, các DN đang tổ chức sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” nên năng suất bị giảm do thiếu hụt nguồn công nhân, làm chậm tiến độ giao hàng. Một số nhà máy phải tạm ngừng hoạt động do nằm trong vùng dịch.

Cũng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên tình hình xuất khẩu gạo rất khó khăn, các DN chỉ xuất khẩu cầm chừng vì không có nhiều đơn hàng. Chuỗi sản xuất - cung ứng của nhiều DN bị đứt gãy, hàng hóa tồn kho với số lượng lớn. DN khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng nên đơn hàng giảm, buộc phải giảm sản lượng hoặc trì hoãn, bên cạnh đó còn phát sinh thêm chi phí phòng chống dịch Covid-19. Nhiều DN nhỏ và vừa, DN kinh doanh lĩnh vực thu mua và chế biến nông sản dừng hoạt động. Giá lúa gạo nhìn chung đang thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng không chênh lệnh nhiều. 

Ngân hàng “tháo khó” cho ngành lúa gạo

NHNN đánh giá lúa gạo là ngành sản xuất chính trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng, do vậy, ngành ngân hàng luôn quan tâm đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực này. Theo đó, tốc độ tăng trưởng dư nợ 5 giai đoạn 2016-2020 ngành lúa gạo luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (bình quân/năm lúa gạo tăng 24%, nông nghiệp, nông thôn tăng 18,16%).

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, trong thời gian tới ngành ngân hàng sẽ triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo ĐBSCL. Các giải pháp đó là: Tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân kinh doanh, đầu tư, chế biến thóc, gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý; 

Mở rộng, tăng hạn mức tín dụng cho các DN để bảo đảm đủ nguồn vốn thu mua, tạm trữ thóc, gạo cho người nông dân trong vụ Hè Thu, tới đây là vụ Thu Đông, nhằm góp phần ổn định giá thóc gạo, bảo đảm lợi nhuận cho người trồng lúa;

Thực hiện nghiêm túc quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo; tiết giảm mọi chi phí hoạt động không cần thiết để dành nguồn lực giảm lãi suất vay;

Thực hiện cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay lên tới 1%/năm trong các tháng cuối năm như kế hoạch đã đăng ký với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, theo chỉ đạo của NHNN tại Công văn 5901, 5902/NHNN-TD ngày 16/8/2021;

333-6619-1629969109.jpg

Linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay, xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền; tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng;

Chủ động tiếp cận các DN, thương nhân lúa gạo và thỏa thuận các nội dung liên quan theo nguyên tắc tín dụng thương mại, phù hợp quy định pháp luật về cấp tín dụng.

Phối hợp với các cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương thực hiện các chương trình truyền thông mạnh mẽ, toàn diện để người dân, DN nắm bắt đầy đủ các chính sách, sản phẩm tín dụng ngân hàng và chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng "tháo khó" cho ngành lúa gạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO