Đầu năm tới nay, cổ phiếu FPT được giới đầu tư đánh giá cao khi thị giá liên tục tăng.
Đến ngày 15/10, giá một cổ phiếu FPT là 45.000 đồng, tăng hơn 10.000 đồng so với phiên đầu năm (2/1). Một hiện tượng nữa được nhiều nhà đầu tư quan tâm, đó là tính từ đầu tháng 9 đến nay, cổ phiếu FPT liên tục xuất hiện những giao dịch thỏa thuận lớn khi Quỹ Orchid tái cơ cấu danh mục và rút vốn. Vài ngày sau, ông Trương Đình Anh tiếp tục đăng ký bán bớt cổ phiếu FPT trong danh mục...
Từ đây, Công ty Chứng khóan Rồng Việt đưa ra nhiều báo cáo phân tích đối với cổ phiếu này. Chẳng hạn, trên cơ sở những giả định và ước tính thận trọng, EPS năm 2013 của FPT được dự báo sẽ vào khoảng 5.691 đồng, tương đương mức forward P/E 8 lần.
Giá trị ước tính FPT vào khoảng 58.000 đồng/cổ phần, tương ứng với mức vốn hóa 15.971 tỷ đồng, cao hơn giá tham chiếu ngày 10/10 khoảng 28,7%. Do vậy, Rồng Việt không ngại đưa ra khuyến nghị nên mua cho mục tiêu đầu tư dài hạn cổ phiếu này.
Nhận định như thế vì dự phóng doanh thu trong năm 2013 của FPT là 27.455 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 2.522 tỷ đồng, chỉ vừa đủ hoàn thành kế hoạch năm.
Song nhà đầu tư vẫn ưa thích FPT bởi tiềm năng tăng trưởng tốt trong dài hạn với vị thế là doanh nghiệp công nghệ thông tin đầu ngành và năng động.
Đối với mảng viễn thông, việc đầu tư đường trục đường Bắc - Nam và tham gia vào lĩnh vực truyền hình trả tiền sẽ giúp FPT Telecom tiết giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường viễn thông, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ngoài ra, nếu hợp nhất FPT Telecom thành công sẽ giúp Tập đoàn cải thiện kết quả kinh doanh và các chỉ số tài chính vốn chưa thực sự tích cực. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, lợi thế "giá rẻ” của mảng gia công phần mềm đã phát huy tác dụng.
Trong 8 tháng đầu năm, tăng trưởng doanh thu của FPT Software tại thị trường Nhật đạt 69% (nếu tính yếu tố JPY mất giá thì đạt 26%) trong bối cảnh doanh thu lĩnh vực gia công phần mềm chung tại thị trường này sụt giảm là một minh chứng điển hình.
Riêng mảng phát triển phần mềm và tích hợp hệ thống, Tập đoàn đang mở rộng đối tượng khách hàng sang các doanh nghiệp vừa và nhỏ và thâm nhập các thị trường nước ngoài, như Lào và Campuchia, cũng sẽ giúp bù đắp cho thị trường truyền thống vốn đang trải qua giai đoạn khó khăn.
Cuối cùng, FPT mở 150 cửa hàng bán lẻ sản phẩm công nghệ FPT (FPTshop) đến cuối năm 2014. Với việc đẩy mạnh hoạt động thương mại bán lẻ, có vẻ FPT đang theo đuổi chiến lược kinh doanh khép kín, tận dụng tối đa những lợi thế hiện tại, để đón đầu sự phục hồi trở lại của thị trường sản phẩm công nghệ.
Tuy có nhiều lợi thế nhưng theo Rồng Việt, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng với một số rủi ro đi kèm. Đó là, nhân sự luôn là rủi ro lớn của FPT. Ngoài ra, FPT cũng phải đối diện với rủi ro tỷ giá do phải nhập khẩu sản phẩm và rủi ro tỷ giá ở các thị trường xuất khẩu phần mềm...