Cần bổ sung chi phí nhà ở vào lương

23/01/2011 00:02

Bộ Xây dựng vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 để trình Chính phủ. Ông Nguyễn Đăng Sơn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, nói:

Cần bổ sung chi phí nhà ở vào lương

Nhà ở là vấn đề lớn của xã hội, đặt ra mục tiêu để phát triển nhà ở về lâu dài là rất cần thiết, từng bước nâng cao chất lượng nhà ở cho người dân.

Hiện nhu cầu nhà ở đô thị rất lớn và phần lớn trong số này là người thu nhập thấp, cán bộ công nhân viên chức. Theo dự báo, đến năm 2025 dân số đô thị khoảng 52 triệu người, chiếm khoảng 50% số dân trong cả nước. Khi đó sức ép về nhà ở đô thị sẽ vô cùng lớn. Chiến lược nhà ở cần quan tâm nhiều hơn đến những người thu nhập thấp này và các giải pháp để triển khai trong thực tiễn.

* Theo chiến lược phát triển nhà ở, cần có giải pháp điều chỉnh cơ cấu tiền lương và thu nhập theo hướng bổ sung chi phí nhà ở để cán bộ, công nhân viên chức (CBCNVC) có thể tự giải quyết chỗ ở của mình. Lâu nay trong tiền lương, chi phí nhà ở được tính ra sao và cơ quan chức năng cần có những giải pháp gì trong vấn đề này?

- Theo tôi được biết, từ năm 1992 Chính phủ đã đưa chi phí nhà ở vào tiền lương và bãi bỏ chế độ phân phối nhà ở trước đó. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê thì chi phí nhà ở chỉ bằng 8-10% mức tiền lương. Điều này chưa hợp lý khi giá cả ngày càng tăng cao và thực tế CBCNVC phải chi gấp nhiều lần mức hỗ trợ trên mới có được chỗ ở tương đối cho bản thân và gia đình.

Ông Nguyễn Đăng Sơn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng

Ví dụ mức lương bình quân của CBCNVC hiện nay là 4 triệu đồng/tháng. Nếu lấy từ 8-10% số tiền lương trên thì chi phí cho nhà ở hằng tháng là 320.000-400.000 đồng/người. Số tiền này chỉ có thể thuê nhà ở tại khu vực ngoại thành, muốn thuê nhà ở các quận ven thì phải chi ít nhất gấp đôi số tiền trên, chưa nói đến việc thuê nhà tại khu trung tâm TP. Lương chỉ có chừng ấy, nếu chi phí thuê nhà càng cao thì các khoản chi tiêu khác của CBCNVC như ăn uống, sinh hoạt, học hành của con cái... sẽ thu hẹp. Điều này khiến cuộc sống của CBCNVC càng thêm khó khăn.

* Vậy theo ông, nên bổ sung chi phí nhà ở như thế nào là hợp lý?

- Như đã đề cập ở trên, để đảm bảo chỗ ở tương đối cho CBCNVC thì chi phí nhà ở ít nhất phải gấp đôi mức hiện nay, như vậy phải bổ sung chi phí nhà ở vào lương. Trong điều kiện hiện nay ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, cần nhiều khoản chi, chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu về nhà ở thì nên chia mốc thời gian thực hiện. Nếu đặt ra mục tiêu đến năm 2020 chi phí nhà ở tối thiểu bằng 20% của lương thì làm sao đến năm 2015 chi phí này phải bằng khoảng 15% của lương, sau đó nâng dần theo từng năm.

* Chiến lược phát triển nhà ở có đề cập quỹ tiết kiệm nhà ở. Ông có nghĩ đây là hình thức khả thi cho người dân muốn sở hữu nhà ở không?

Năm 2020, diện tích nhà bình quân đạt 25m2 sàn/người

Dự thảo chiến lược phát triển nhà ở đưa ra các mục tiêu: đến năm 2020 diện tích nhà ở bình quân đạt 25m2 sàn/người (năm 2009 là 16,7m2 sàn/người). Hiện cả nước có khoảng 1,35 triệu hộ có thu nhập thấp và nhà ở chật hẹp (dưới 10m2 sàn/người), trong đó khoảng 675.000 hộ (chiếm khoảng 50%) thật sự rất khó khăn trong việc cải thiện chỗ ở.

Từ nay đến năm 2020 tại khu vực đô thị cả nước cần phát triển thêm 6,74 triệu căn nhà ở, trong đó cần xây dựng khoảng 500.000 căn nhà ở đáp ứng cho người thu nhập thấp.

Như vậy tổng nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp cần cải thiện chỗ ở đến năm 2020 là khoảng 1.175.000 căn.

- Với mức thu nhập của CBCNVC hiện tại, tôi nghĩ khó có khả năng để sở hữu nhà ở trong một khoản thời gian ngắn. Vấn đề là phải thay đổi thói quen và tính đến chuyện ở nhà thuê, khi đã có tích lũy nhiều mới tính đến việc sở hữu nhà. Nhưng thực tế nhà cho thuê hiện quá ít, chưa có nhiều đơn vị quan tâm và cần tập trung vào thị trường này. Trách nhiệm chính trong chuyện này thuộc về Nhà nước.

Nhà nước cần xây nhiều nhà cho thuê với giá hợp lý, thậm chí có chính sách trợ giá nhà thuê. Bên cạnh đó có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia qua việc thu tiền sử dụng đất, thuế, thủ tục hành chính...

Mảng này đang còn trống trong khi thị trường căn hộ cao cấp dường như quá dư thừa. Điều tiết giữa các thị trường này là việc cần phải làm qua các chính sách về nhà ở.

Trong dự thảo chiến lược phát triển nhà ở, Bộ Xây dựng có dẫn ra tỉ lệ góp vốn của người lao động hằng tháng ở các nước thấp nhất 3-5% và cao nhất 10-15% cho quỹ tiết kiệm nhà ở. Quỹ tiết kiệm này dùng để đầu tư nhà ở xã hội và cho CBCNVC vay ưu đãi để thuê hoặc mua nhà ở.

Người gửi tiền sau 10-15 năm sẽ được mua nhà ở xã hội bằng tiền tiết kiệm. Mô hình này cần nghiên cứu thêm nhằm đa dạng hóa loại hình phát triển nhà ở. Nhưng theo tôi, việc góp lương vào quỹ nên tự nguyện, không bắt buộc tất cả CBCNVC đều phải tham gia.

Vấn đề tôi băn khoăn ở chỗ: thứ nhất với mức lương hiện nay nếu áp dụng tỉ lệ 3-5%, đến khi về hưu người góp chưa chắc đã có đủ tiền để mua nhà. Nếu góp với tỉ lệ cao hơn, từ 10-15% mức lương hằng tháng thì chắc chắn ảnh hưởng đến cuộc sống của CBCNVC. Do vậy trong chuyện này nên có sự hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội để CBCNVC có thể vay thêm tiền mua nhà với lãi suất và thời gian vay hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần bổ sung chi phí nhà ở vào lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO