Nền kinh tế Ấn Độ dưới thời ông Narendra Modi khỏe cỡ nào?
Nền kinh tế Ấn Độ gần đây không bùng nổ cũng không sụt giảm, nhưng nhiều khả năng sẽ cất cánh trong năm nay.
Cách đây 2 tuần, Hội nghị thượng đỉnh Toàn cầu Vibrant Gujarat - một trong các hội nghị của Ấn Độ thu hút nhiều nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp (DN) quốc tế, đã diễn ra tại tiểu bang quê nhà của Thủ tướng Narendra Modi.
Vào thời điểm thế giới bị bao vây bởi nhiều bất ổn, Ấn Độ đã nổi lên như một tia hy vọng mới.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu nhân sự kiện
Nhận định này không phải vô căn cứ, khi nền kinh tế Ấn Độ đang tiến lên đều đặn, bất chấp dự báo tăng trưởng toàn cầu chậm lại trong năm nay, xuống 2,4% từ mức 2,6% năm 2023. Trong 12 tháng (tính đến quý III/2023), Ấn Độ đã tăng trưởng 7,6%, vượt hầu hết dự báo và phần lớn chuyên gia kinh tế tin rằng mức tăng trưởng hằng năm của nước này sẽ đạt từ 6% trở lên trong thời gian còn lại của thập niên.
Đây là các tín hiệu hết sức khả quan cho ông Modi, khi vào tháng 4 tới, khoảng 900 triệu người Ấn Độ sẽ đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lớn nhất hành tinh. Một lý do khiến ông Modi có thể sẽ giành được nhiệm kỳ thứ ba là nhiều người Ấn Độ cho rằng ông là nhà quản lý có năng lực hơn bất kỳ ứng viên nào khác với nền kinh tế.
Bối cảnh dưới thời ông Modi
Để đánh giá sức mạnh của nền kinh tế Ấn Độ dưới thời ông Modi, cần phân tích hiệu quả kinh tế và sự thành công của các cải cách lớn nhất từ vị thủ tướng.
Ở nhiều khía cạnh, bức tranh còn mù mờ do dữ liệu chính thức ít và được lưu trữ kém. Dù tốc độ tăng trưởng vượt xa hầu hết nền kinh tế mới nổi, thị trường lao động Ấn Độ vẫn yếu và đầu tư của khu vực tư nhân còn gây thất vọng. Ngoài ra, các số liệu tăng trưởng toàn phần cũng không mấy ngạc nhiên.
GDP bình quân đầu người của Ấn Độ (sau điều chỉnh theo sức mua) tăng trưởng bình quân 4,3%/năm trong 10 năm ông Modi nắm quyền. Con số này thấp hơn mức 6,2% dưới thời người tiền nhiệm Manmohan Singh - vị thủ tướng cũng giữ vị trí trong 10 năm. Tuy nhiên, sự chậm lại này không hoàn toàn do ông Modi mà phần lớn là hệ lụy từ những gì được tiếp quản.
Vào những năm 2010, sự bùng nổ về cơ sở hạ tầng đã trở nên tồi tệ khi Ấn Độ đối mặt với "cuộc khủng hoảng kép" về bảng cân đối kế toán, xảy ra ở cả ngân hàng lẫn các DN cơ sở hạ tầng. Do phải gánh các khoản nợ khó đòi, hoạt động đầu tư bị hạn chế nhiều năm sau.
Ông Modi cũng nhậm chức trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại do khủng hoảng tài chính 2007-09 và sau đó là đại dịch Covid-19. Nhìn chung, tăng trưởng trung bình của 20 nền kinh tế lớn có thu nhập thấp và trung bình khác đã giảm từ 3,2% trong nhiệm kỳ của ông Singh xuống còn 1,6% dưới thời ông Modi. So với nhóm này, Ấn Độ tiếp tục có thành tích vượt trội.
Trong bối cảnh như trên, tốt hơn nên đánh giá thành tích của ông Modi bằng cách xem xét các mục tiêu kinh tế mà vị thủ tướng đã nêu: chính thức hóa nền kinh tế, cải thiện sự thuận tiện trong kinh doanh và thúc đẩy sản xuất. Hai mục tiêu đầu đã đạt tiến bộ; còn với hạng mục thứ ba, kết quả khá kém.
Chính thức hóa nền kinh tế
Theo The Economist, dù chi phí cao, nền kinh tế Ấn Độ đã trở nên chính thức hơn dưới thời ông Modi. Ý tưởng của mục tiêu này là đưa hoạt động ra khỏi nền kinh tế phi chính thức, vốn bị chi phối bởi các DN nhỏ, kém hiệu quả, không nộp thuế và đưa hoạt động vào phạm vi chính thức của các DN lớn, năng suất cao. Trên "mặt trận" này, chính sách gây tranh cãi nhất của ông Modi là phi tiền tệ hóa.
Năm 2016, chính phủ cấm sử dụng 2 loại tiền giấy có mệnh giá lớn là 500 và 1.000, chiếm 86% lượng Rupee đang lưu hành, khiến nhiều người cả trong chính phủ cũng ngạc nhiên. Mục đích của việc này là vô hiệu hóa lợi ích bất chính của những kẻ tham nhũng. Song, gần như tất cả tiền mặt đã chảy vào hệ thống ngân hàng cho thấy kẻ gian đã không dùng tiền mặt hoặc rửa tiền.
Thay vào đó, nền kinh tế phi chính thức đã bị nghiền nát khi đầu tư hộ gia đình cùng tín dụng sụt giảm, và tăng trưởng dường như cũng bị ảnh hưởng. Về mặt cá nhân, cả những người ủng hộ ông Modi trong giới kinh doanh cũng không ngần ngại mà nói "đây là thảm họa".
Tuy nhiên, kế hoạch phi tiền tệ hóa có thể đã đẩy nhanh con đường số hóa. Hiện, cơ sở hạ tầng công cộng số của Ấn Độ gồm hệ thống nhận dạng, hệ thống thanh toán quốc gia và hệ thống quản lý dữ liệu cá nhân. Nó được chính phủ của ông Singh định hình, nhưng phần lớn được xây dựng dưới thời ông Modi. Hầu hết thanh toán bán lẻ ở các thành phố đã được số hóa và các khoản chuyển giao phúc lợi cũng diễn ra suôn sẻ, do ông Modi đã cấp tài khoản ngân hàng cho phần lớn hộ gia đình.
Hơn nữa, các cải cách này đã giúp ông Modi cải thiện tình trạng nghèo đói do tỷ lệ tạo việc làm thấp. Lo ngại tình trạng việc làm thấp kéo dài sẽ cản trở việc cải thiện mức sống của những người nghèo nhất, chính phủ hiện chi trả phúc lợi ở mức 3% GDP/năm. Và, hàng trăm chương trình của chính phủ cũng gửi tiền trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của người nghèo.
Trên thực tế, đây là một bước tiến lớn so với hệ thống cũ, trong đó hầu hết phúc lợi được phân phối bằng hiện vật, và do tham nhũng nên thường không đến được tay người nhận như mong muốn. Tỷ lệ nghèo (tỷ lệ người dân sống với thu nhập dưới 2,15 USD/ngày) đã giảm từ 19% năm 2015 xuống 12% năm 2021.
Số hóa cũng thu hút nhiều hoạt động kinh tế hơn vào khu vực chính thức. Một chính sách kinh tế đặc trưng khác của ông Modi là thuế hàng hóa và dịch vụ quốc gia (GST) thông qua năm 2017 cũng hướng tới mục tiêu này. Qua đó, các khoản thuế nhà nước được liên kết với nhau và sự kết hợp giữa thanh toán đồng nhất cùng hệ thống thuế đã giúp Ấn Độ đến gần với một thị trường quốc gia thống nhất hơn bao giờ hết.
Ông B. Santhanam - giám đốc khu vực của Saint-Gobain, cho biết GST là "yếu tố đã thay đổi cuộc chơi". Chính phủ cũng đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng vật chất, như đường sá và cầu. Đầu tư công tăng từ 3,5% GDP năm 2019 lên gần 4,5% vào năm 2022 và 2023. Tính theo tỷ trọng trong GDP, doanh thu ròng năm 2023 từ hệ thống thuế mới sẽ vượt quá tỷ lệ của hệ thống thuế cũ. Điều này xảy ra ngay cả khi thuế suất với nhiều mặt hàng đã giảm. Lượng tiền đổ vào nhiều hơn dù lãi suất thấp hơn cho thấy nền kinh tế thực sự đang chính thức hóa.
Khuyến khích sản xuất
Về mục tiêu công nghiệp hóa, chính phủ năm 2020 đưa ra chương trình trợ cấp trị giá 26 tỷ USD (1% GDP) cho các sản phẩm sản xuất tại Ấn Độ. Một năm sau, chính phủ tiếp tục cam kết 10 tỷ USD để các công ty bán dẫn xây dựng nhà máy trong nước. The Economist dẫn lời một chủ DN nói đích thân ông Modi đã thuyết phục các giám đốc điều hành đầu tư, thường là vào các ngành mà họ ít gặp phải sự cạnh tranh.
Các chương trình của chính phủ cũng giúp các ông chủ nước ngoài thấy rằng Ấn Độ luôn mở cửa với kinh doanh. Tháng 9 năm qua, Foxconn - nhà cung cấp chính của Apple, cho biết sẽ tăng gấp đôi đầu tư vào Ấn Độ trong năm tới. Hiện, họ sản xuất khoảng 10% số iPhone ở đó. Cũng trong năm 2023, Micron - một nhà sản xuất chip, đã bắt đầu xây dựng nhà máy trị giá 2,75 tỷ USD ở Gujarat, dự kiến tạo ra 5.000 việc làm trực tiếp và 15.000 việc làm gián tiếp.
Tuy nhiên, đến nay các kế hoạch này còn quá nhỏ để có ý nghĩa kinh tế. Giá trị của hàng công nghiệp xuất khẩu tính theo tỷ trọng trong GDP trì trệ ở mức 5% trong thập niên qua, và tỷ trọng của ngành công nghiệp chế tạo trong nền kinh tế giảm từ khoảng 18% dưới thời chính phủ trước còn 16%.
Hơn nữa, chính sách công nghiệp cũng tốn kém. Cụ thể, chính phủ sẽ chịu 70% chi phí của nhà máy Micron, đồng nghĩa phải trả gần 100.000 USD cho mỗi công việc. Nhìn chung, thuế quan đang tăng, làm tăng chi phí đầu vào từ nước ngoài.
Bên cạnh tăng trưởng kinh tế, cần xem xét đầu tư của khu vực tư nhân. Nó đã chậm lại trong thời gian ông Modi nắm quyền, nhưng một sự bùng nổ có thể đang đến. Một báo cáo gần đây của Axis Bank - một trong các ngân hàng cho vay lớn nhất Ấn Độ, cho rằng chu kỳ đầu tư tư nhân có thể sẽ thay đổi nhờ bảng cân đối kế toán DN và ngân hàng lành mạnh.
Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ, các công bố về các dự án đầu tư mới của các tập đoàn tư nhân đã vượt quá 200 tỷ USD vào năm 2023. Đó là mức cao nhất trong 10 năm và gần gấp đôi mức của năm 2019 theo giá trị thực. Dù lãi suất cao hơn đã làm giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm qua, ý định đầu tư vào Ấn Độ của các doanh nghiệp vẫn mạnh mẽ khi tìm cách "giảm rủi ro" từ việc tiếp xúc với Trung Quốc. Khi đó, có khả năng những cải cách của ông Modi sẽ thúc đẩy tăng trưởng.
Sẽ mất nhiều năm để có thể thấy rõ lợi và hại từ các chính sách của ông Modi. Giống như sự bùng nổ đầu tư có thể minh chứng cho cách tiếp cận của ông, chiến lược sử dụng các khoản thanh toán phúc lợi thay thế cho việc tạo việc làm có thể tỏ ra không bền vững. Việc không xây dựng được năng lực cho chính quyền địa phương trong việc cung cấp các dịch vụ công cơ bản, như giáo dục, cũng có thể cản trở sự tăng trưởng. Cựu thư ký tài chính dưới thời ông Modi là Subhash Chandra Garg lo rằng chính phủ quá quan tâm đến "trợ cấp", "miễn phí" và "cam kết cải cách thực sự không còn mạnh mẽ nữa".