Hội nghị trực tuyến giữa lãnh đạo hai cường quốc hàng đầu thế giới |
Cơ hội cải thiện mối quan hệ
Quan hệ Mỹ - Trung đã dần suy yếu dưới thời Tổng thống Donald Trump, người phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Hiện tại, hai cường quốc hàng đầu này đang có những bất đồng lớn từ thương mại, an ninh mạng, khí hậu, đến các vấn đề địa - chính trị tại một số khu vực. Cũng giống như thời tiền nhiệm, chính quyền Tổng thống Joe Biden xem Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược", theo đó tiếp tục duy trì chính sách cứng rắn với Bắc Kinh dù có lối tiếp cận khác biệt.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng ông Biden dễ đoán hơn ông Trump và tuân theo các nguyên tắc ngoại giao hơn, nên giúp Trung Quốc dễ đối phó hơn. Washington đang đầu tư nhiều hơn vào khả năng cạnh tranh của Mỹ, củng cố hệ thống liên minh và quan hệ đối tác mà thỏa thuận AUKUS gần đây là một ví dụ. Chính quyền ông Tập cũng hiểu ngoại giao chỉ là sự kéo dài của các biện pháp chính trị.
Dù vậy, cả hai bên đều hiểu rằng hội nghị thượng đỉnh lần này là dịp để cải thiện mối quan hệ vốn đang không mấy nồng ấm suốt những năm qua, cũng như là cách để nâng cao uy tín chính trị, xoa dịu những vấn đề và thách thức đang phải đối mặt trong nước.
Đối với ông Tập, thách thức hàng đầu là mối đe dọa về sự suy giảm kinh tế sau nhiều thập kỷ tăng trưởng kỷ lục, khi Trung Quốc đối mặt với dân số già hóa và thị trường toàn cầu ngày càng nhiều rào cản với các công ty nước này. Tuần trước, phiên họp toàn thể lần thứ sáu của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định ông Tập là người duy nhất có khả năng giải quyết những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt, điều sẽ giúp ông củng cố sự ủng hộ cho nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có trong cuộc bầu cử năm tới.
Ngược lại, nước Mỹ dưới thời ông Biden cũng đang trải qua giai đoạn phân cực sâu sắc, trong khi sự ủng hộ chính trị đối với đảng của ông suy yếu, trong bối cảnh chương trình nghị sự trong nước bị đình trệ trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới, mà có thể hạn chế khả năng ban hành chương trình nghị sự của ông trong suốt nhiệm kỳ còn lại. Khảo sát mới nhất của Gallup cho thấy, uy tín trong nước của ông Biden khá thấp khi tỷ lệ ủng hộ chỉ còn 42% sau 9 tháng nhậm chức. Bất kỳ sự nhượng bộ nào được xem là yếu đối với Trung Quốc chắc chắn sẽ là một điểm yếu cho ông vào kỳ bầu cử sắp tới.
Nhưng cuộc thương chiến sẽ chưa sớm chấm dứt
Liên quan đến vấn đề kinh tế, được biết trong cuộc họp Chủ tịch Tập đã yêu cầu Tổng thống Biden không thẳng tay đàn áp các công ty Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia, đồng thời nhấn mạnh rằng cả hai nước nên tập trung vào việc hợp tác để tạo ra "miếng bánh lớn" hơn. Ông Tập cũng đề nghị với ông Biden rằng phối hợp cùng nhau để ngăn chặn biến đổi khí hậu có thể trở thành một điểm nhấn mới của mối quan hệ, cũng như đề xuất cả hai quốc gia nên thiết lập một cơ chế hợp tác để giải quyết vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu và các bệnh truyền nhiễm.
Tuy nhiên, ở câu chuyện lớn hơn là chiến tranh thương mại giữa hai nước, vốn đã kéo dài hơn ba năm qua từ thời Tổng thống Donald Trump, dường như không đạt được bước tiến đáng kể trong việc giải quyết những tranh chấp giữa hai bên. Chính cuộc thương chiến này đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp và cá nhân trên toàn cầu, khiến mọi thứ càng trở nên trầm trọng hơn kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm ngoái đến nay.
Trong cuộc gặp, tuy ông Biden có đề cập về việc "các chính sách kinh tế và thương mại không công bằng" của Trung Quốc đã gây tổn hại cho người lao động Mỹ, nhưng nội dung chỉ mang tính ngắn gọn, khi các vấn đề kinh tế đã bị xếp sau các nội dung về địa - chính trị trong hội nghị trực tuyến lần này.
Trong khi đó, giới quan sát cho rằng Mỹ dường như đang thay đổi chiến lược "nước Mỹ trên hết" được thiết lập dưới thời của tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, thay vào đó nước Mỹ dưới thời ông Biden đang tìm kiếm những lĩnh vực có thể hỗ trợ tăng cường mức độ hợp tác vốn hạn chế với Trung Quốc, đồng thời củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác trên toàn cầu. Theo đó, cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc dù sẽ khó có thể leo thang thêm, nhưng cũng sẽ chưa sớm chấm dứt trong giai đoạn tới.
Hồi tháng 1/2020, ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình đã ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một, theo đó Trung Quốc phải cam kết tăng mua hàng hóa nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên tự nhiên và dịch vụ của Mỹ trong những năm tới. Tuy nhiên, trong năm qua, phía Trung Quốc mới chỉ mua khoảng 60% lượng hàng hóa cam kết theo thỏa thuận. Chính quyền Tổng thống Biden cho biết sẽ tiếp tục theo sát thỏa thuận này và hy vọng phía Bắc kinh duy trì các cam kết của mình.