Mỹ thuật Iraq tìm đường ra thế giới

ĐÔNG HÀ/DNSGCT| 15/07/2014 09:47

Đất nước Iraq đang chìm trong cảnh lửa đạn của cuộc nội chiến sắc tộc và tôn giáo. Dù vậy, nhiều nghệ sĩ tạo hình đã tìm cách để đưa tác phẩm, cũng là tiếng nói của họ trước bạo lực ra với thế giới.

Mỹ thuật Iraq tìm đường ra thế giới

Đất nước Iraq đang chìm trong cảnh lửa đạn của cuộc nội chiến sắc tộc và tôn giáo, trong tình hình như thế đời sống mỹ thuật ở xứ sở này không thể tránh khỏi những tai họa. Dù vậy, nhiều nghệ sĩ tạo hình đã tìm cách để đưa tác phẩm, cũng là tiếng nói của họ trước bạo lực và sự thống khổ mà người dân Iraq đang hứng chịu từng ngày ra với thế giới.

Đọc E-paper

Năm ngoái, tại Triển lãm lưỡng niên quốc tế Venice (Venice Biennale), một nhóm mười họa sĩ tên tuổi ít được biết đến ở phương Tây đã bất ngờ gây được sự chú ý đặc biệt qua gian trưng bày tác phẩm của họ, từ hội họa đến sắp đặt và video art. Mùa hè năm nay, một lần nữa, các họa sĩ Iraq lại từ xứ sở tang tóc và khổ đau của họ tìm đường đến với thế giới nghệ thuật rộng lớn qua một triển lãm tại Bảo tàng New ở New York.

Ánh mắt hy vọng – tranh sơn dầu của Bassim al-Shaker

Thoát khỏi Iraq

Bassim al-Shaker là cái tên được nhắc đến đầu tiên. Chiến tranh triền miên trên đất nước Iraq khiến chàng trai trẻ say mê hội họa Bassim al-Shaker phải kiếm sống bằng nghề hớt tóc dạo ở thủ đô Baghdad. T

hế nhưng tai ương đã đổ xuống đầu anh chỉ vì Bassim al-Shaker đã vẽ những hình ảnh phụ nữ khỏa thân, điều cấm kỵ với những kẻ Hồi giáo cực đoan là thành viên của đám dân quân Mahdi. Chúng đã đánh đập, bịt mắt và dẫn anh ra một khu chợ ngoại vi Baghdad, lấy chiếc kéo hành nghề của anh và cắt phăng mái tóc dài nghệ sĩ của anh. Chưa hết, những trận đòn dã man của chúng khiến Bassim al-Shaker phải vào bệnh viện cấp cứu trong hai tuần.

Tất cả những hành động tàn bạo ấy không làm thui chột đam mê nghệ thuật của Bassim al-Shaker. Bằng cách nào đó, anh đã có mặt tại Venice Biennale lần thứ 55 hồi tháng 6/2013 cùng với loạt tranh sơn dầu tuyệt đẹp của mình và nhận được sự tán thưởng của công chúng cũng như thu hút được các nhà sưu tập. Đến tháng 7/2013, Bassim al-Shaker đã có mặt tại Phoenix, bang Arizona (Mỹ) cùng với sáu nghệ sĩ nước ngoài khác – tất cả đều bị đày ải ở quê hương của họ – trong một chương trình nhằm chia sẻ tri thức và sự sáng tạo nghệ thuật.

Với al-Shaker, 28 tuổi, đây là cơ hội để anh có thể bày tỏ tất cả cảm xúc của mình bằng ngôn ngữ hội họa. Những ngày còn ở Baghdad, anh thường phải vẽ vào giữa khuya để không bị phân tâm bởi những tiếng còi báo động, tiếng đạn bom và những âm thanh ghê rợn khác của chiến tranh rền vang suốt ngày. Anh kinh hãi khi phải đi trên đường phố lúc nào cũng có thể diễn ra những vụ đánh bom liều chết của các phần tử Hồi giáo cực đoan. Anh lo sợ cho cuộc sống tương lai của mình, khi mà những kẻ đã hành hạ anh ra khỏi nhà tù vào năm 2014 và sẽ tìm anh để trả thù.

Một sáng sớm mùa xuân năm nay, Bassim al-Shaker rời nhà anh ở Baghdad, đi qua một con hẻm nhỏ rồi nhảy qua những mái nhà, leo qua những hàng rào để thoát khỏi sự truy đuổi của nhóm dân quân Mahdi, cuối cùng anh tìm thấy một nơi trú ẩn tương đối an toàn – một ngôi nhà được quân đội Iraq canh gác. Nhiều nghệ sĩ từ các nơi được giải cứu và đưa đến đây.

Từ ngôi nhà trú ẩn đó, Bassim al-Shaker được đưa đến Phoenix, nơi có cộng đồng người Iraq lớn nhất tại Mỹ nhưng anh không giống như nhiều người tỵ nạn khác từ Iraq đến đây – trạm chuyển tiếp để họ sẽ được đưa tới nhiều nơi khác có khí hậu sa mạc thích hợp với họ và điều kiện sống thích hợp: anh đến Mỹ với visa kinh doanh, chỉ mong muốn được tự do vẽ “những gì chất chứa trong trái tim tôi” như lời anh.

Từ một căn hộ chung cư gần với Bảo tàng Mỹ thuật Đại học Arizona ở ngoại vi TP. Tempe, nơi anh được lưu trú trong thời gian ở Mỹ, Bassim al-Shaker đã vẽ tất cả những gì anh đã trải nghiệm suốt những năm tháng chiến tranh: sự áp bức từ bên trong và sự cấm vận từ bên ngoài. Anh cũng vẽ những cảnh sống hằng ngày ở quê nhà: những người bán hàng rong, những người đàn ông trong trang phục bản địa với chiếc khăn kaffiyeh truyền thống quấn trên đầu…

Anh thường dùng màu trắng và đen trong tranh, bởi “cuộc sống ở Iraq là màu trắng và đen”, không có những sắc màu tươi sáng của niềm vui theo lời anh. Bassim al-Shaker hiện là họa sĩ Iraq duy nhất có tác phẩm được bán ở thị trường nước ngoài. Anh cũng đã trở về quê nhà Iraq để tiếp tục sáng tác bất chấp những mối hiểm nguy, những sự đe dọa.

Người bán hàng rong – tranh sơn dầu của Bassim al-Shaker

Nghệ thuật đương đại ở vùng đất của tử thần

Cũng có mặt tại Venice Biennale 2013 và nay tiếp tục cùng Bassim al-Shaker tham gia triển lãm có tên “Ở đây và nơi nào khác” (Here and elsewhere) được tổ chức trong tháng 7/2014 tại Bảo tàng nghệ thuật đương đại New ở New York là các nghệ sĩ Iraq khác như Jamal Penjweny và Furat al Jamil.

Ngoài ra còn có nhiều họa sĩ đến từ Trung Cận Đông, vùng Vịnh Ba Tư, châu Phi mà điểm chung của họ là bị cấm cản các hoạt động sáng tạo nghệ thuật ở quê nhà hoặc bởi một chính thể áp bức, hoặc bởi các hoạt động khủng bố của các nhóm cực đoan tôn giáo và sắc tộc.

Jamal Penjweny từng sống như một người chăn cừu ở quê nhà Kurdistan, khu vực của người Kurd ở Iraq nhưng nay anh là một nghệ sĩ nhiếp ảnh và video art. Sự thành công của anh chứng thực một điều: với các nghệ sĩ sống và sáng tác bên ngoài dòng chảy thị trường nghệ thuật quốc tế thì sự xuất hiện của họ tại một sự kiện nghệ thuật quốc tế quan trọng như Venice Biennale là một sự chứng thực rõ ràng về tài năng.

“Tôi đã làm nghệ thuật một thời gian dài nhưng chỉ Venice Biennale mới giúp tôi trở thành một bộ phận của thế giới nghệ thuật”, Jamal Penjweny nói. Loạt ảnh có tên “Saddam ở đây” của Penjweny đã gây ấn tượng mạnh ở Venice Biennale 2013, sau đó tiếp tục được triển lãm tại gallery South London ở thủ đô nước Anh và tại gallery Ikon ở Birmingham. Năng lực của Penjweny đã giúp anh trở thành phóng viên ảnh của hãng tin Reuters và con đường đến với nghệ thuật đương đại.

Một bức trong loạt ảnh “Saddam ở đây” được Jamal Penjweny thực hiện trên đường phố Baghdad

Là nữ nghệ sĩ điêu khắc đồng thời là nhà điện ảnh, Furat al Jamil sinh trưởng ở Đức nhưng chọn sống và làm việc ở Baghdad, quê cha đất tổ của cô. Năm nay xấp xỉ tuổi bốn mươi, Furat al Jamil đã có tác phẩm điêu khắc được triển lãm ở Venice và London. Dù có thể định cư ở nước ngoài dễ dàng, cho tới nay cô chưa có ý định rời bỏ “vùng đất của tử thần” cho dù đang trải nghiệm mỗi ngày “sự diệt chủng về mặt văn hóa”.

Cô cho biết: “Đất nước chúng tôi có lịch sử và văn hóa rộng lớn, lâu đời với biết bao huyền thoại và truyện tích, song đang có một sự hủy hoại mang tính quốc tế các truyền thống văn hóa. Điều đó khiến cho chúng tôi mất đi ký ức tập thể”. Chính trên những đổ nát, đau thương mà Furat al Jamil làm nên những tác phẩm để đời của cô.

Ngoài điêu khắc, Furat al Jamil đang làm phim. Tác phẩm điện ảnh của cô đã đến với công chúng ở Venice và sẽ được trình chiếu tại các liên hoan phim ở Dubai và Istanbul.

Nói như Jamal Penjweny: “Tôi muốn làm được thật nhiều tác phẩm ở Iraq trước khi họ tống cổ tôi đi”, Furat al Jamil và Bassim al-Shaker vẫn tiếp tục làm nghệ thuật ở quê hương mình và đưa tác phẩm đến với những chân trời xa…

>Phim về đời sống hoang dã Iraq đoạt giải thưởng lớn
>Nghệ thuật vẽ tranh xe độc đáo ở Pakistan
>
Nghệ thuật hồi sinh trên đống tro tàn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỹ thuật Iraq tìm đường ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO