Dùng công nghệ tái khám phá kiệt tác hội họa

Thùy Chi| 10/07/2021 01:00

Mới đây Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia (Hoa Kỳ) tại Washington đã xem xét lại hai bức tranh được cho là của hoạ sĩ nổi tiếng người Hà Lan, Johannes Vermeer. Trước đó, người ta đặt ra nghi vấn, liệu hai bức tranh này có thực sự là tác phẩm do Vermeer thực hiện?

1. Johannes Vermeer là hoạ sĩ người Hà Lan sống vào khoảng giữa TK XVII - giai đoạn rực rỡ của hội họa nước này với hàng loạt tên tuổi nổi tiếng. Các bức hoạ của Vermeer được vẽ rất tỉ mỉ, cầu kỳ, bằng những nguyên liệu màu đắt đỏ đến mức xa xỉ (đặc biệt xa xỉ nếu so với hoàn cảnh túng thiếu của ông).

Tranh Vermeer nổi tiếng vì xử lý hiệu ứng ánh sáng một cách tinh tế. Đến mức, nhà văn người Pháp Marcel Proust đã ca ngợi bức Quang cảnh thành Delft (View of Delft, 1661) của Vermeer là “bức tranh đẹp nhất thế giới”, và để cho nhân vật Bergotte trong tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất của ông chết khi đang ngắm nhìn bức tranh này.

Bức Quang cảnh thành Delft (View of Delft, 1661) của Vermeer được nhà văn Marcel Proust ca ngợi là “bức tranh đẹp nhất thế giới”. Nhân vật Bergotte trong tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất của Proust đã chết khi đang ngắm bức tranh này.

Bức "Quang cảnh thành Delft" (View of Delft, 1661) của Vermeer được nhà văn Marcel Proust ca ngợi là “bức tranh đẹp nhất thế giới”. Nhân vật Bergotte trong tiểu thuyết "Đi tìm thời gian đã mất" của Proust chết khi đang ngắm bức tranh này.

Có lẽ vì tỉ mỉ và cầu kỳ, nên số lượng tác phẩm Vermeer để lại không nhiều. Chỉ có khoảng 35 bức tranh được xác nhận là của Vermeer còn lại đến ngày nay. Trong đó phải kể đến họa phẩm Cô gái đeo hoa tai ngọc trai (Girl with pearl earring, 1665) - bức tranh được tôn vinh là “Mona Lisa của Bắc Âu”.

Hai bức tranh Cô gái đội mũ đỏ (Girl with the red hat, 1665-1666) và Cô gái với cây sáo (Girl with a flute, 1665-1670) nằm trong số tác phẩm trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia (Washington, Hoa Kỳ).

Cô gái đội mũ đỏ được cho là tác phẩm của Vermeer, nhưng Cô gái với cây sáo thì vẫn gây nhiều tranh cãi. Liệu thật sự đây là tác phẩm của Vermeer, hay do một người khác hoàn thành khi hai bức tranh có những đặc điểm chung, và khác với toàn bộ số tác phẩm được cho là của Vermeer.

Hai tác phẩm này được vẽ trên ván gỗ, thay vì vẽ trên canvas như 33 bức tranh kia, kích thước của cả hai bức cũng nhỏ hơn kích thước thông thường của tranh Vermeer khá nhiều. Vì thế, nếu xác định một bức không phải do Vermeer thực hiện, thì nghi vấn tương tự cũng có khả năng bị đặt ra với bức còn lại.

2 bức Cô gái đội mũ đỏ (Girl with the red hat, 1665-1666) và Cô gái với cây sáo (Girl with a flute, 1665-1670) của Vermeer

Hai bức "Cô gái đội mũ đỏ" (Girl with the red hat, 1665-1666) và "Cô gái với cây sáo" (Girl with a flute, 1665-1670) được cho là của Vermeer

Việc phải đóng cửa trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hoá ra lại là một cơ hội cho các chuyên gia và nhà khoa học tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Hoa Kỳ. Họ có thể tạm gỡ các bức tranh khỏi vị trí trưng bày để nghiên cứu chúng mà không gây khó chịu cho khách tham quan.

Nếu như trước đây, những người làm công tác bảo quản tác phẩm tại các viện bảo tàng chỉ có thể quan sát trên bề mặt tranh, đôi khi lấy đi những mảng màu rất nhỏ để nghiên cứu, thì ngày nay họ đã có thể sử dụng kỹ thuật tiên tiến để phân tích tác phẩm. Thậm chí là tìm hiểu về những kỹ thuật hội hoạ mà các hoạ sĩ sử dụng, bao gồm cả nguồn gốc nguyên liệu được sử dụng để sản xuất, thuốc màu, hay tỷ lệ pha màu… mà không gây hư hại đến tác phẩm.

Các chuyên gia đã sử dụng kỹ thuật huỳnh quang tia X, một kỹ thuật thường được áp dụng trong nghiên cứu địa chất, để quét bề mặt tác phẩm, từ đó cho ra kết quả phân tích phổ ánh sáng. Mỗi nguyên tố khi phát xạ sẽ có một phổ khác nhau, từ đó họ có thể định tính, định lượng nhanh chóng các chất được sử dụng, tỷ lệ của chúng.

Hiện hai bức tranh của Vermeer vẫn đang được các chuyên gia của Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ tiếp tục nghiên cứu và chưa đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào. Có thể kết quả sẽ được công bố trong một báo cáo vào năm sau.

2. Đây không phải lần đầu tiên một tác phẩm nổi tiếng được đưa ra phân tích bằng kỹ thuật hiện đại. Việc dùng công nghệ để xác định thành phần, tỷ lệ… trong chất liệu của một bức tranh đôi khi là rất cần thiết để tìm ra cách bảo quản tác phẩm tối ưu nhất.

Một ví dụ điển hình, bức Hoa diên vĩ của Van Gogh cũng từng được đưa đi phân tích trước đây. Như nhiều hoạ sĩ Ấn tượng, hậu Ấn tượng khác, Van Gogh vẽ trực tiếp trên toan mà không qua bước xử lý kỳ công như các bậc thầy cổ điển, thậm chí, để tiết kiệm, ông còn sử dụng nhiều loại màu rẻ tiền, dễ biến đổi, hư hỏng theo thời gian.

Những bông hoa trong bức Hoa diên vĩ ngày nay chúng ta nhìn thấy mang màu xanh. Nhưng trong một bức thư Van Gogh viết cho em trai Theo, ông có nhắc đến bức tranh và mô tả những bông hoa này màu tím. Vậy rõ ràng màu sắc đã bị biến đổi, và việc phân tích thành phần chất liệu sẽ giúp các chuyên gia tìm ra cách bảo quản tác phẩm tốt hơn.

Hoa diên vĩ, 1889

Hoa diên vĩ, 1889

Trong nhiều trường hợp các bức tranh được phân tích đã cho thấy quá trình làm việc của hoạ sĩ, thậm chí cung cấp thông tin về lịch sử của thời kỳ mà bức tranh được sáng tác.

Người ta vẫn biết rằng bức tranh Người đàn ông trong bộ quân phục (An old man in military costume, 1631) của Rembrandt được ông vẽ chồng lên một bức tranh khác, các kết quả nghiên cứu thêm một lần nữa khẳng định điều này, thậm chí còn cho thấy rõ ràng lớp vẽ sau cùng hoàn toàn lộn ngược so với bức tranh phía dưới.

Hoặc khi phân tích bức Mona Lisa của Leonardo da Vinci, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra được chính xác loại thuốc màu nào được dùng để vẽ mặt nàng Mona Lisa, tỷ lệ pha màu của da Vinci… theo đúng công thức được cho là sử dụng ở Ý thời đó.

Người đàn ông trong bộ quân phục, 1631. Các kết quả phân tích cho thấy bên dưới bề mặt tranh là một bức tranh… lộn ngược hoàn toàn

Bức "Người đàn ông trong bộ quân phục", 1631. Các kết quả phân tích cho thấy bên dưới bề mặt tranh là một bức tranh… lộn ngược hoàn toàn

Khoa học và nghệ thuật tưởng như là hai lĩnh vực không liên quan, thậm chí đôi khi có thể bị coi là đối lập nhau, hóa ra lại gắn bó mật thiết và cùng hỗ trợ cho con người trong công cuộc khám phá rất nhiều bí mật thú vị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dùng công nghệ tái khám phá kiệt tác hội họa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO