PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh |
* Tuần trước, Quốc hội đã kết thúc ba ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ông nhận định thế nào về nội dung này?
- Năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 làm tăng trưởng kinh tế chậm lại, điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng chung giai đoạn 2016-2020 không đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, nếu tách riêng năm 2020, thì giai đoạn 2016-2019 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Từ nền tảng đó, 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội mà Chính phủ trình Quốc hội trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 là tương đối phù hợp và khả thi, cho thấy sự cẩn trọng khi năm 2021 tăng trưởng có thể chỉ ở mức khoảng 6%/năm. Nhưng với khả năng phục hồi và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế như hiện nay, tăng trưởng của năm 2021 có thể cao hơn chỉ tiêu đề ra, quanh mức 6,8-7,2%.
Ngoài đặt mục tiêu cho năm 2021, Chính phủ cũng đưa ra 15 chỉ tiêu tham vọng cho nhiệm kỳ 2021-2025, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng từ 6,5-7% đến năm 2025, với GDP bình quân đầu người đạt từ 4.700 - 5.000 USD, có nghĩa là vượt qua mức trung bình thấp để đạt mức trung bình cao theo quy định của IMF và các tổ chức quốc tế. Trong khi đó, để đạt được mục tiêu này, cần phải có sự thay đổi cấu trúc nền kinh tế một cách quyết liệt, bởi trong giai đoạn 2016-2019, GDP chỉ tăng trưởng khoảng 6,8%. Hiện nay với quy mô ngày càng lớn của GDP, mức tăng trưởng từ 6,5-7% cần sự nỗ lực rất lớn.
Việt Nam đang đặt kỳ vọng rất lớn vào kinh tế số nhưng để kinh tế số đạt được tỷ trọng 20% GDP là bài toán tương đối khó khăn và cần nỗ lực cao từ Chính phủ đến các địa phương và toàn bộ các doanh nghiệp. Trong khi đó, việc đặt mục tiêu đóng góp của TFP cũng phải tăng trưởng 45% và năng suất lao động tăng bình quân cũng hơn 6,5%/năm, đây là những con số tương đối khó, bởi ngay cả các giai đoạn trước, việc tăng trưởng các chỉ tiêu này cũng có những khó khăn.
* Ông nhận xét thế nào về 10 giải pháp mà Chính phủ đưa ra để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025?
- Nếu thực hiện được tốt các giải pháp này, nước ta có thể tận dụng và phát huy được hết năng lực của các khu vực, vùng miền cũng như làm cho nền kinh tế phát triển cân đối, phù hợp. Chẳng hạn, giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển bền vững. Tất nhiên, kết quả này chỉ có được khi Chính phủ có thể phát triển cân đối và bền vững nền kinh tế trong giai đoạn mới, đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch. Thực tế, quy hoạch cơ cấu kinh tế thời gian qua còn yếu, do đó quy hoạch lại nền kinh tế từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch ngành, nghề sẽ giúp tái cấu trúc nền kinh tế hoặc mô hình tăng trưởng của chúng ta gắn chặt với thực tiễn, để từ đó tạo ra sức bật mới.
* Như ông nói, sức bật mới đó có đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân?
- Giai đoạn 2016-2019, kinh tế tư nhân đang có chiều hướng phát triển tốt, kể cả đầu tư tư nhân tăng trưởng rất cao. Xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa cũng tăng trưởng tốt, nguồn vốn cho sản xuất đã hợp lý hơn, bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.
Số liệu thống kê 9 tháng năm 2020 cho thấy, dù tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, các quốc gia thực hiện chính sách đóng cửa biên giới để phòng chống dịch, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tương đối tốt, tăng hơn 4,2%, nhập khẩu giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019 và đang có chiều hướng tích cực hơn. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa vẫn đạt hơn 20%, mặc dù tăng trưởng khu vực FDI có giảm sút. Điều đó cho thấy, Việt Nam có thể hy vọng về lâu dài, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu này sẽ vẫn có thể giữ được và năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa sẽ ngang bằng khối lượng xuất khẩu của khu vực FDI.
* Cảm ơn ông