Chia sẻ tại một hội thảo du lịch mới đây do Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) và Chương trình Du lịch Bền vững của Thụy Sĩ (SSTP) tổ chức, chuyên gia du lịch người Tây Ban Nha Juan Carlos Belloso cho rằng, thương hiệu hiện tại của du lịch Việt Nam “không được xem là hấp dẫn, khác biệt và không đủ rõ ràng”, và đề xuất cần đổi mới thương hiệu, thông điệp du lịch giai đoạn hậu Covid-19.
“Ngành du lịch Việt Nam cần xây dựng một thông điệp rõ ràng hơn, có trọng tâm hơn. Cần tạo ra sự phù hợp giữa các xu hướng đang nổi lên với những thay đổi tiềm năng trong du lịch và hành vi của du khách do hậu quả của đại dịch”, ông Juan Carlos đề xuất.
Ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Du lịch Tân Hồng - Du ngoạn Việt (TP.HCM) cũng đề xuất, Việt Nam có thể nghiên cứu slogan mới cho ngành du lịch đánh thẳng vào nhu cầu của du khách như “Việt Nam - điểm đến hạnh phúc của gia đình”; “Du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam”... Đưa ra thông điệp cụ thể cũng là cách chúng ta giúp khách hàng xác định rõ nhu cầu.
Ông Phạm Hà - Chủ tịch Luxgroup cho rằng, du lịch Việt Nam đang thiếu một chiến lược phát triển chung trong phục hồi dẫn đến sự thiếu đồng bộ giữa các doanh nghiệp và thiếu một chiến lược phát triển phục hồi sau Covid-19. Từ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, thiếu đi một “nhạc trưởng” để chèo lái con tàu du lịch Việt Nam.
Do thiếu chiến lược cụ thể nên các doanh nghiệp đang phục hồi một cách khá mông lung, không có hệ thống, mạnh ai người nấy làm. Chưa phát huy được sức mạnh nội lực của ngành du lịch Việt Nam. Thiếu sự liên kết giữa các vùng, các doanh nghiệp du lịch với nhau, giữa hàng không với doanh nghiệp du lịch, hàng không với lữ hành, nhà hàng khách sạn.
Ông Hà kiến nghị, cần có một chiến lược ngắn hạn cho du lịch, cụ thể như hết năm 2022 sẽ làm gì, rồi 2-3 năm tới sẽ làm gì? Ngoài ra, thông điệp truyền thông (slogan) điểm đến của Việt Nam hiện tại không còn phù hợp khiến khách khó xác định mục đích, nhu cầu. Thông điệp du lịch mang tên “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” đã không còn phù hợp với thực tế hiện nay vì nó rất chung chung, cần phải thay đổi và lựa chọn slogan mới phù hợp với trào lưu chung.
Ông Hà kiến nghị thêm: “Phải hiểu du khách, biết họ đang phàn nàn về vấn đề gì, chưa hài lòng về vấn đề gì, từ đó đưa ra những chính sách khắc phục và xác định đâu là thị trường nguồn, mục tiêu của Việt Nam. Cần tư duy lại, định vị lại, tập trung vào “chất” hơn là “lượng”.
Từ góc độ cung du lịch, với nhu cầu rất lớn của thị trường Đông Bắc Á, ông Vũ Văn Tuyên - CEO Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam cho biết, trong ngắn hạn, ngành du lịch cần khai thác tốt các thị trường đã có kết nối lại hàng không, đã cho phép công dân đi du lịch nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương sau dịch Covid-19.
“Trong đó, tập trung thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Úc, các nước khối ASEAN; linh hoạt, chuyển hướng khai thác thị trường mới, có khả năng tăng trưởng như Ấn Độ, Mỹ, Trung Đông; thị trường nói tiếng Nga (khách từ Nga đi du lịch qua nước thứ ba), Uzbekistan, Azerbaijan, thị trường khối Liên minh châu Âu... khi mà mùa du lịch inbound vào Việt Nam thường tập trung từ tháng 10 đến tháng 4 hằng năm”, ông Tuyên nói rõ.
Về trung hạn, toàn ngành du lịch cần tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác phát triển các thị trường trọng điểm; xúc tiến các thị trường khách mới tiềm năng hoặc còn đang chiếm thị phần nhỏ nhưng có cơ hội mở rộng thị phần để đa dạng hóa, tạo thế cân bằng, ổn định các thị trường khách.
Mặt khác, du lịch Việt Nam cần tập trung khai các thị trường gần, truyền thống, có mức tăng trưởng cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Đông Nam Á. Bên cạnh đó, mở rộng thêm thị trường có nguồn khách lớn, mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày như Úc, Bắc Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu; thị trường mới, có tiềm năng tăng trưởng như Ấn Độ, Trung Đông, Đông Âu.
“Ngoài sản phẩm chủ đạo là nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch khám phá di sản, văn hóa, thiên nhiên, cần đẩy mạnh thu hút một số phân khúc khách theo các loại hình chuyên đề như du lịch golf, MICE, chăm sóc sức khỏe, mạo hiểm...”, ông Tuyên nói và cho biết thêm rằng cần tập trung, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ quảng bá, xúc tiến du lịch, phát huy vai trò của quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
“Việc quảng bá, xúc tiến cần tăng cường kết nối và hợp tác công tư, thu hút các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không triển khai đồng bộ các hoạt động; tạo thuận lợi cho khách du lịch về tiếp cận điểm đến, kết nối hàng không, thị thực, thủ tục xuất nhập cảnh...”, ông Tuyên nói rõ.
Ngành du lịch cũng nên tham khảo cách làm du lịch, hay nói cách khác là thay đổi nhận thức về “tư duy định hướng cách làm du lịch”.
“Chúng ta nên học cách làm du lịch của người Thái Lan. Người Thái xác định du lịch là ngành dịch vụ số một và họ tập trung mọi chính sách ưu tiên cho phát triển du lịch một cách đồng bộ từ chuỗi cung ứng đến chuỗi liên kết. Thêm nữa, nên tham khảo cách người Thái “móc hầu bao” của du khách. Thái Lan thường có chính sách du lịch 3G (Get them in - Đón khách vào, Get their money - làm cho khách du lịch tiêu tiền và Get them out - tiễn khách về nước) rất thành công dù du khách đến từ bất kể thị trường nào. Người Thái không e ngại để làm các tour du lịch giá rẻ - tour 0 đồng (kể cả với thị trường khách Trung Quốc). Họ rất giỏi trong việc làm cho du khách phải tự nguyện chi tiêu các sản phẩm và dịch vụ ngoài tour”, ông Tuyên dẫn chứng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch cần có chiến lược truyền thông và marketing bài bản, thường xuyên chăm sóc khách hàng cũ, tương tác với khách hàng trên đa kênh. Triển khai các kế hoạch marketing online, cải thiện chất lượng phục vụ khách hàng. Xây dựng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, tạo ra sự khác biệt về thương hiệu bằng cách phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ để cho ra chuỗi sản phẩm du lịch liên kết ấn tượng và kích thích giá tour.