Có thể nói rằng, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long được thiên nhiên ban tặng loại trái cây được xem là “của hiếm” mà không địa phương nào trên cả nước may mắn có được với diện tích trên 100ha. Đó là cây thanh trà, vốn có xuất xứ từ Malaysia, có nguồn gốc họ xoài và được du nhập về đây hơn 70 năm qua. Thanh trà được trồng nhiều nhất ở xã Đông Thành với trên 60ha, phần diện tích còn lại thuộc các xã Đông Bình, Đông Thạnh.
Nhiều nông dân tại đây khẳng định, dù một số địa phương có trồng loại cây này, nhưng rất hiếm hoi vì không phù hợp thổ nhưỡng và thời tiết như ở Bình Minh, từ đó trái chua, vỏ kém bóng, năng suất rất kém. Trong khi trái thanh trà ở Bình Minh thường có vỏ bóng màu vàng cam tươi, mùi thơm như xoài, vị ngọt, bảo quản lâu, có thể chế biến nhiều loại trái cây, mứt và chế biến một số thức ăn cao cấp khác.
Điều khá lý thú là năm nay thanh trà xuất hiện sớm hơn cùng kỳ những năm trước khoảng 20 ngày. Cụ thể, người trồng đã thu hoạch thanh trà đầu vụ ngay sau khi Tết Nguyên đán vừa đi qua. Những ngày này, dọc theo quốc lộ 1A (đoạn dưới chân cầu Cần Thơ thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long) và trên quốc lộ 54 (đoạn qua xã Đông Bình, Đông Thành thuộc thị xã Bình Minh) đã có trên 100 điểm bán thanh trà rất bắt mắt, nhộn nhịp.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, ngụ TP.HCM cho biết: “Năm nào về quê đón Tết trở về Sài Gòn, tôi cũng ghé đây mua thanh trà về làm quà cho người thân. Điều rất lạ là cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long không có nơi nào trồng thanh trà ngon, thơm như ở đây. Ở Sài Gòn càng hiếm hoi để mua được thanh trà tươi ngon như vầy”.
Thanh trà tuy là loại trái cây dân dã nhưng có sức quyến rũ vì hương vị thơm ngon, lại có nhiều chất dinh dưỡng làm mát cơ thể, nhất là vào mùa nắng nóng. Thanh trà có hai loại chủ yếu là ngọt và chua, giá bán chênh lệch khá cao.
Bà Nguyễn Thị Ngọt, ngụ xã Đông Bình, thị xã Bình Minh cho biết: “Tôi bán thanh trà theo quốc lộ 1 hàng chục năm rồi, nhưng chưa thấy năm nào thanh trà trúng mùa như năm nay do thời tiết thuận lợi, từ đó giá bán tăng rất cao. Giá thanh trà hiện nay là 140.000 đồng/kg (loại ngọt), 120.000 đồng/ký (loại chua), cao nhất từ trước đến nay. Người mua muốn phân biệt trái ngọt hay chua rất khó, chủ yếu chỉ trông cậy vào uy tín người bán mà thôi…”.
Ông Lê Văn Tới, ngụ xã Đông Bình, thị xã Bình Minh chia sẻ: "Hồi xưa chỉ có một loại thanh trà chua, thời @ rồi, nông dân đã biết sáng tạo để cho ra đời thanh trà ngọt để bán giá cao, trái đẹp, bóng sáng, thơm ngon, nặng ký, từ đó lợi nhuận mang về rất cao…”.
Ngoài việc ăn tươi hay làm nước giải khát, trái thanh trà xanh còn có thể dùng để nấu canh chua, trộn gỏi, hoặc đem kho chung với cá tạo những món ăn dân dã rất hấp dẫn, lạ miệng. Cạnh đó, nhiều người còn dùng thanh trà để làm mứt, có mùi vị ngọt đậm đà, màu sắc rất bắt mắt.
Nhiều nông dân trồng thanh trà kỳ cựu ở thị xã Bình Minh kể rằng, năm 1950, ông Huỳnh Văn Sung ngụ ấp Đông Hưng 2, xã Đông Thành là người phát hiện đầu tiên cây thanh trà trong một dịp tình cờ. Từ đó, ông được xem là “thủy tổ” của loại trái cây này. Đến nay, con ông là ông Huỳnh Văn Vẹn còn trồng 7 cây “tổ” để mọi người tham quan.
Bình thường, thanh trà cho trái ba đợt. Đợt đầu từ rằm tháng Giêng âm lịch, kế đến cho thu hoạch liên tiếp hai đợt tiếp theo. Thanh trà có thể trồng hạt nhưng phải mất 10 năm thì cây mới cho trái, còn nếu trồng bằng cách chiết cành thì sau 3-5 năm, cây bắt đầu cho trái và muốn có trái nhiều, cây phải có tuổi thọ từ 20-50 năm. Cây càng già, trái càng nhiều. Một cây thanh trà 60 năm tuổi, mỗi năm cho trái khoảng 700-900kg.
Hiện nay, nhiều người dân các tỉnh tìm mua cây thanh trà về trồng và giá mỗi nhánh chiết khoảng 50.000 đồng/nhánh. Nhiều nông dân ước tính, bình quân mỗi công thanh trà sau khi trừ hết chi phí, nếu trúng mùa, trúng giá sẽ có lãi xấp xỉ 40-45 triệu đồng/công; nếu thất mùa, rớt giá chỉ lãi từ 10-15 triệu đồng/công.
Tuy nhiên, theo nhiều người trồng thanh trà lâu năm khuyến cáo, đừng vì lợi nhuận mà cho thanh trà ra trái nghịch mùa bằng cách giữ nước, xịt đọt dẫn đến chất lượng trái không ngon, cây bị “suy”, rất khó hồi phục.