“Mua ngay - Trả tiền sau”: Người trẻ có mắc cùng một “bẫy” chi tiêu như cha mẹ chúng?

Thùy Chi| 24/08/2021 07:00

Mới đây, việc Square thâu tóm nền tảng thanh toán trực tuyến Afterpay với giá 29 tỷ USD không những đã lập kỷ lục về giá trị một thương vụ M&A trong lịch sử doanh nghiệp Úc, mà còn khiến nhiều người phải nhìn lại sự bùng nổ của xu hướng “mua ngay - trả tiền sau”, khi số lượng và giá trị các DN trong lĩnh vực này ngày một lớn trên toàn thế giới.

“Mua ngay - Trả tiền sau”: Người trẻ có mắc cùng một “bẫy” chi tiêu như cha mẹ chúng?

Bản chất không quá mới, nhưng ngày càng tiện lợi

Afterpay của Úc, Klarna của Thụy Điển, Affirm của Mỹ, hay mới ra mắt ở Việt Nam gần đây như Fundiin, và nhiều nền tảng khác… cung cấp một giải pháp thanh toán gọi là “mua ngay - trả tiền sau” (buy now, pay later). Với giải pháp này, các nền tảng như Afterpay liên kết với nhà bán lẻ, các thương hiệu… để hỗ trợ người tiêu dùng trong khâu thanh toán. Theo đó, chỉ với những thủ tục rất đơn giản thực hiện ngay khi thanh toán mua hàng, không phải chịu phụ phí, không xét lịch sử tín dụng, người tiêu dùng có thể mua những món đồ họ muốn với mức giá ban đầu rất thấp, và trả góp nhiều lần sau đó với lãi suất bằng không.

Về bản chất, “mua ngay - trả tiền sau” không phải là điều gì quá mới mẻ. Từ thập niên 1950, cùng với sự ra đời của thẻ tín dụng, người tiêu dùng ở nhiều nước đã có thể thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ họ sử dụng ngay lập tức, dù trong túi họ chưa có tiền. Điều đó đồng nghĩa với việc họ được sử dụng hàng hóa, dịch vụ trước, và khoản thanh toán sẽ bị trừ sau vào thu nhập của họ trong tương lai.

Tuy nhiên, để sử dụng thẻ tín dụng, người tiêu dùng phải đăng ký với ngân hàng thông qua các thủ tục và giấy tờ xác thực nhất định. Hạn mức tín dụng được tính căn cứ trên khả năng tài chính của chủ thẻ. Việc thanh toán bằng thẻ tín dụng cũng tạo ra một số loại phụ phí mà người tiêu dùng rất có thể không được biết trước nếu không tìm hiểu kỹ.

Tương tự, việc mua hàng trả góp không phải là hành vi tiêu dùng xa lạ. Mua trả góp ngày nay có thể diễn ra trên mọi lĩnh vực, từ mua sắm những đồ dùng gia đình như ti vi, tủ lạnh… cho đến những tài sản giá trị lớn như bất động sản. Thường thì việc mua trả góp giúp người mua kéo dài thời gian thanh toán, nhưng sẽ phải chịu một mức lãi suất nhất định. Đôi khi, để kích cầu, tăng doanh số, người bán cũng có thể đưa ra phương án trả góp lãi suất 0% cho người mua.

Điều mà Afterpay và các nền tảng thanh toán trực tuyến tương tự làm được để kích thích người tiêu dùng sử dụng dịch vụ của các nền tảng này thay vì dùng thẻ tín dụng hay thanh toán trả góp truyền thống, đó là đem đến sự thuận tiện và những lợi ích nhất định về tiền bạc, có thể không lớn nhưng lại tạo tâm lý dễ chịu cho khách hàng.

Đầu tiên là việc tích hợp tất cả trong một: với phương án “mua ngay - trả tiền sau”, các nền tảng thanh toán trực tuyến này bảo đảm với người bán về khoản thanh toán, còn người mua được chia nhỏ khoản tiền thành nhiều lần trả trong tương lai, vì vậy áp lực tài chính của người mua có vẻ như sẽ được giảm nhẹ tại thời điểm mua hàng, quyết định mua vì thế sẽ dễ dàng được đưa ra hơn. Để lựa chọn cách thanh toán này, người mua chỉ cần đăng ký với những bước đơn giản, không tốn thời gian như đối với thẻ tín dụng và các hình thức trả góp thông thường, cũng không bị xét lịch sử tín dụng trước đó.

1-2021-1629716317.jpg

Afterpay là nền tảng “mua ngay - trả tiền sau” của Úc, hiện đã có mặt tại Úc, Anh, Canada và Mỹ

Bên cạnh sự thuận tiện,  người tiêu dùng cũng sẽ cảm thấy “được lợi” khi sử dụng các nền tảng thanh toán “mua ngay - trả tiền sau” so với việc thanh toán bằng thẻ tín dụng và phương án trả góp thông thường, vì các nền tảng thanh toán online này không thu phí của người mua, mà hưởng lợi từ người bán. Đó là lý do họ vẫn thường quảng cáo tới người tiêu dùng về việc “mua ngay - trả tiền sau, miễn phí thanh toán”.

Với sự hỗ trợ như vậy, việc thanh toán trở nên đơn giản hơn bao giờ hết, góp phần giúp khách hàng dễ ra quyết định mua hàng, người bán sẽ tăng được doanh số. Cùng với đó, trong thời gian căng thẳng như hiện tại, dịch bệnh lan rộng gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế chung, tình hình tài chính của nhiều người lâm vào cảnh không ổn định, phương án thanh toán này được cho là giúp giảm nhẹ gánh nặng cho người người tiêu dùng, khi mà họ vẫn có thể mua được những thứ họ muốn, nhưng không phải chi quá nhiều tiền ngay lập tức.

Từ những lợi điểm dễ thấy, không khó hiểu khi các công ty cung cấp giải pháp “mua ngay - trả tiền sau” ngày một phát triển. Theo số liệu của Adobe, các nền tảng “mua ngay - trả tiền sau” đã tăng trưởng 215% trong hai tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo Adobe, ngày càng nhiều hãng bán lẻ tham gia hệ thống, và lượng người mua ở các đơn vị bán lẻ có lựa chọn thanh toán “mua ngay - trả tiền sau” lớn hơn 18% so với các hãng còn lại. Ước tính, số lượng người dùng các nền tảng thanh toán này trong năm 2021 sẽ tăng 81,2% so với 2020. “Mua ngay - trả tiền sau” đang trở thành xu hướng.

Rủi ro tiềm ẩn

Những rủi ro có thể dễ dàng đoán định dựa trên cách vận hành của các nền tảng “mua ngay - trả tiền sau”: Hệ quả của thủ tục gọn nhẹ và mau chóng, là việc khó lòng kiểm soát thông tin người dùng. Nếu như hệ thống ngân hàng buộc người đăng ký thẻ tín dụng phải cung cấp cả các thông tin về thu nhập cố định, và dựa vào lịch sử thanh toán của họ để nâng hoặc hạ điểm tín dụng, thì các nền tảng “mua ngay - trả tiền sau” không đòi hỏi nhiều giấy tờ, chỉ với các thông tin cá nhân cơ bản người dùng đã có thể tiến hành mua sắm.

Afterpay ra đời và gặt hái thành công, nhiều công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực tài chính (fintech) và các start-up cũng để mắt và dành nguồn lực cho hướng đi này. Khi có quá nhiều công ty ra đời trong một thời gian ngắn, mà việc quản lý thông tin người dùng lại tương đối lỏng lẻo, nhiều vấn đề có thể xảy ra.

Đầu năm nay, Cơ quan Quản lý ngành Dịch vụ tài chính của Vương quốc Anh (FCA) đã có cảnh báo về việc đưa các công ty trong lĩnh vực này vào danh mục giám sát.

Tuy các giao dịch thực hiện thông qua nền tảng “mua ngay - trả tiền sau” hiện nay có giá trị nhỏ (vì chủ yếu chỉ là mua sắm tiêu dùng), nhưng việc lỏng lẻo thông tin đang là điều kiện thuận lợi để một người có thể sử dụng cùng lúc dịch vụ của nhiều bên khác nhau, khiến tổng số nợ tích lũy của một cá nhân có thể lên tới hơn 1,000 bảng Anh (khoảng 1.300 USD).

Trong nỗ lực mở rộng thị trường, các nền tảng “mua ngay - trả tiền sau” đang gia tăng liên kết với các hãng bán lẻ, trong đó có cả những thương hiệu cao cấp, điều này sẽ dẫn đến giá trị giao dịch ngày một lớn hơn. Không kiểm soát được thông tin tham chiếu dễ gây ra rủi ro cho tất cả các bên.

2-5868-1629716317.png

Các bước thanh toán thuận tiện của Afterpay khi mua sắm trực tuyến và mua sắm tại cửa hàng

Số lượng công ty hoạt động trong lĩnh vực này tăng cao trong thời gian ngắn còn gây nhiễu loạn thông tin đối với người dùng. Trong khi ấn tượng chung về giải pháp thanh toán “mua ngay - trả tiền sau” là nhanh gọn, tiện lợi, không phát sinh chi phí và lãi suất, thì thực tế mỗi công ty lại có những quy định riêng, và không phải người cung cấp dịch vụ nào cũng đảm bảo tất cả các tiêu chí này trong sản phẩm của họ. Vì vậy, nếu người tiêu dùng không xem xét kỹ các điều khoản, rất có thể họ vẫn phải trả các khoản phí và lãi suất cho việc “mua ngay - trả tiền sau” mà không biết trước.

Cũng như thẻ tín dụng và mua sắm trả góp truyền thống, đối tượng khách hàng hướng đến chủ yếu của các nền tảng “mua ngay - trả tiền sau” là những người có thu nhập trung bình nhưng có thể có mong muốn sở hữu những hàng hóa xa xỉ, hoặc có giá trị cao hơn nhiều so với mức thanh toán tại một thời điểm nhất định của họ.

Với đặc điểm là nền tảng thanh toán trực tuyến, người dùng chủ yếu của Afterpay và các công ty cung cấp giải pháp tương tự là thế hệ trẻ, những người được gọi là gen Y (còn gọi là thế hệ Millennials, là những người sinh từ năm 1980 đến 1994) và gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến 2015).

Những người trẻ này có thể sẽ gặp phải “bẫy” chi tiêu như cha mẹ, ông bà, các thế hệ đi trước của họ đã từng gặp với việc chi mua sắm, tiêu dùng… bằng thẻ tín dụng. Việc giảm gánh nặng tài chính tại thời điểm mua sắm giúp người mua dễ dàng ra quyết định mua hơn, đồng nghĩa với việc họ đang tạo ra nhiều nợ cho tương lai hơn nữa. Đây đã từng và vẫn đang là cái “bẫy” luẩn quẩn khó thoát đối với những người có thu nhập trung bình: càng mua sắm ở thời điểm hiện tại, khoản tiền phải trả trong tương lai càng lớn.

Nếu không thể gia tăng thu nhập, việc mua trước trả sau này sẽ giống như một gánh nặng mà người ta không muốn gánh ngay hôm nay, nên đẩy sang hôm sau, và càng đẩy ra sau, gánh nặng sẽ càng lớn. Tuổi trẻ với phương châm sống YOLO (you only live once - bạn chỉ sống có một lần), quan tâm nhiều hơn đến tận hưởng hiện tại thay vì lo nghĩ quá xa về tương lai, là đối tượng dễ mắc phải sai lầm này nhất, nếu không tỉnh táo để cân đối giữa thu nhập và chi tiêu.

Với sự dễ dàng, tiện lợi, lỏng lẻo hiện tại của các nền tảng “mua ngay - trả tiền sau”, họ càng nhanh chân tiến về phía cái bẫy hơn so với những người sử dụng các phương pháp thanh toán truyền thống.

Kết

Dù còn nhiều bất cập, nhưng không thể phủ nhận “mua ngay - trả tiền sau” đang và vẫn sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Theo ước tính của công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey, khoảng 10 tỷ USD doanh thu hàng năm trong lĩnh vực này đang chuyển từ hệ thống ngân hàng sang các nền tảng “mua ngay - trả tiền sau”.

Một giải pháp đơn giản, thuận tiện cho cuộc sống thì chắc chắn sẽ còn được phát triển. Vấn đề đặt ra là làm sao để quản lý hoạt động này bằng những quy định rõ ràng, minh bạch, để hạn chế rủi ro cho cả DN và người dùng. Và hơn cả, người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo, trang bị cho bản thân những kiến thức nhất định và tài chính để tránh các vấn đề đáng tiếc xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Mua ngay - Trả tiền sau”: Người trẻ có mắc cùng một “bẫy” chi tiêu như cha mẹ chúng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO