Một phần hồn của thành phố

Thanh Thủy| 31/07/2021 08:30

Chưa bao giờ Sài Gòn lâm vào tình cảnh như hiện nay. Giãn cách một tháng theo Chỉ thị 15 rồi giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Chính phủ trong nửa tháng (và không biết như vậy đã đủ an toàn chưa khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 hằng ngày vẫn ở mức cao). Người lớn khổ vì không được giao tiếp đã đành, bọn trẻ còn khổ hơn vì không được đến trường và không được vui chơi như trước.

Một phần hồn của thành phố

Người Sài Gòn lặng lẽ trao quà tặng người nghèo ngủ bên lề đường tối 8/7/2021

Trên đường hoặc trong các ngõ hẻm vào buổi chiều, tôi thường gặp nhiều nhóm trẻ chạy xe đạp, đánh vũ cầu hoặc vờn trái banh. Bọn trẻ hiếu động nên kiểu vận động nào cũng tốt nhưng giờ đứa nào ra ngoài chơi cũng phải bịt kín khẩu trang. Con virus chết tiệt mang tên 

SARS-CoV-2 đang làm đảo lộn mọi mặt của đời sống, mà bị tổn thương nhất là lũ trẻ. 

Một lần, tôi nghe nhóm trẻ nhà hàng xóm chừng 8-10 tuổi rổn rảng chuyện trò suốt buổi trưa, rồi tiếng một con bé hát: “Hôm qua em đốt nhà/ mẹ đánh em gần chết/ Hôm nay mẹ lên nương/ một mình em đốt tiếp” - bài hát Đi học (Bùi Đình Thảo phổ thơ Minh Chính) quen thuộc bị biến đổi lời có vẻ gây hấn, nghe giật cả mình. Tội nghiệp, những đứa trẻ bình thường ở nhà lâu quá vì giãn cách xã hội có thể bị trầm cảm.

Không offline được thì online, đã thành phổ biến. Mỗi ngày, tôi nhìn thấy bạn trẻ này trồng hoa, bạn kia trồng rau, bạn nọ làm giá sạch, yogurt, nước trái cây... Không ra ngoài được nên giờ ai cũng quay lại “cái tổ” của mình, xem cần dọn dẹp những gì, phải làm gì cho hữu ích. Bây giờ nhà ai có chút vườn trên sân thượng, chút vườn quanh nhà mới thật là giàu có, vì được thư giãn, vì không phải quay quắt tìm chỗ mua rau hay kiếm cọng hành, trái ớt.

Trước kia lên mạng khoe hình đi ăn tiệm, khoe hình du lịch, giờ thì khoe nhau cái sự khéo tay, cái sự đảm đang. Không đi ăn tiệm được và thậm chí khi quán bán đồ ăn thức uống mang về cũng bị cấm, thì nhiều người buộc phải lăn vào bếp, kể ra cũng tốt, nhất là giúp tuổi teen dần quen với bếp núc và sáng tạo trong nấu nướng.

Một điều hay nữa là việc giãn cách khiến người ta có thời gian nhìn thấy những cảnh đẹp quanh mình. Tôi có những người bạn bình thường bận rộn, lúc giãn cách bỗng đưa lên mạng xã hội nhiều hình ảnh đẹp về cây cối trong sân nhà hoặc xung quanh. Buổi chiều nọ, đi qua cầu Hoàng Hoa Thám thấy mặt trời lặn, tôi dừng lại chụp ảnh và thấy không ít người qua cầu dừng lại ngắm cảnh hoàng hôn. Rõ là khi không còn vội vã với công việc, con người có thời gian để nhìn ngắm thiên nhiên và nhìn lại cách sống của chính mình. 

Đáng trân trọng nhất là trong thời gian giãn cách, có nhiều nhóm bạn trẻ hẹn hò làm thiện nguyện, nấu cơm và đem quà đến cho người bán vé số, người mua ve chai, người chạy xe ôm. Khi giãn cách 15 ngày cấm tụ tập quá hai người, một số nhóm bạn trẻ ở Sài Gòn tiếp tục liên lạc với những nhóm thiện nguyện ở các tỉnh để vận chuyển gạo, rau củ, trái cây, cá tôm... tặng các khu dân cư nghèo đang bị phong tỏa, hoặc tặng quà và tiền cho Hội Người mù một số quận. Có nhóm thiện nguyện nấu cơm mang đi phát, có nhóm lại chất quà lên xe vận tải nhỏ đến khu vực định trước để chia cho tình nguyện viên đi xe gắn máy luồn vào hẻm phát cho người nghèo. Đêm 8/7/2021, trước khi lệnh phong tỏa toàn thành phố có hiệu lực, trên đường về nhà, tôi chứng kiến nhiều bạn trẻ đi xe gắn máy trao tặng quà cho những người già sống ở lề đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Trãi... Để giúp những bệnh nhân đang bị bệnh nền hoặc tới lịch tái khám mà không thể đến bệnh viện, một bác sĩ ở Sài Gòn đã kêu gọi đồng nghiệp ở nhiều bệnh viện lập group “Giúp nhau trong dịch” để tư vấn cho bệnh nhân tại nhà khi cần. 

Người Sài Gòn làm ăn giỏi, đóng góp cao nhất vào ngân sách quốc gia và người Sài Gòn vẫn âm thầm tìm cách bao bọc, giúp đỡ nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Tính nhân văn tạo nên một phần hồn cho thành phố của tôi. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một phần hồn của thành phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO