Một bệnh nhân hôn mê sau 80 ngày sống thực vật được hồi phục thần kinh
Bệnh nhân N. (41 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc) bị đột quỵ, hôn mê sâu, được đưa vào cấp cứu và đã hồi tỉnh sau 80 ngày sống ở trạng thái thực vật.
Bệnh nhân N. được đưa đến bệnh viện vào tháng 5/2024 trong tình trạng bất tỉnh, toàn bộ da nổi nhớt, bốc mùi vì khắp người dính bãi nôn và chất thải của chính mình. Người này được bảo vệ khu chung cư nơi ông cư trú phát hiện và đưa đi cấp cứu.
Kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy ông bị tụt huyết áp, xuất huyết não, hôn mê sâu, não bị phù nên một phần não bị đẩy lệch sang bên trái, viêm phổi nặng và kèm sốc nhiễm trùng. Theo ước tính của ê kíp cấp cứu, bệnh nhân đã bị đột quỵ hơn 48 giờ mới được phát hiện.
Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng khoa Ngoại thần kinh và can thiệp nội mach thần kinh Bệnh viện FV, điểm glasgow của bệnh nhân ở thang 3, theo chỉ dẫn y khoa sẽ không thực hiện ca mổ. Dẫu vậy, bác sĩ vẫn hy vọng có thể cứu được bệnh nhân này nên yêu cầu các bác sĩ ICU tiếp tục làm công tác hồi sức cho bệnh nhân.
Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 3 tiếng đã giải phóng khối máu tụ trong hộp sọ, tuy vậy bệnh nhân vẫn trong trạng thái hôn mê sâu, khả năng phục hồi rất khó tiên lượng, phụ thuộc rất nhiều vào quá trình chăm sóc hậu phẫu.
Trong tình trạng sống thực vật, sức khỏe bệnh nhân trải qua nhiều đợt trồi sụt, liên tục bị sốt do nhiều đợt nhiễm trùng nặng đe dọa tính mạng, thậm chí ông từng bị tràn khi màng phổi nghiêm trọng. Do vậy, việc điều trị phải kết hợp nhiều chuyên khoa - hồi sức cấp cứu, ngoại thần kinh, lồng ngực, dinh dưỡng, vật lý trị liệu phục chức năng, truyền nhiễm và đặc biệt là sự chăm sóc tích cực của đội ngũ điều dưỡng Bệnh viện.
Hiện, bệnh nhân đã vượt qua thời khắc sinh tử và có những chuyển biến tích cực: cai được máy thở, có thể hấp thu tốt qua đường tiêu hóa thay vì ăn qua ống thông. Và điều kỳ diệu đã xảy ra, sau 80 ngày nhập viện, ông N. tỉnh lại với những dấu hiệu hồi phục thần kinh đáng kể: có ý thức, hiểu được tiếng Anh và có thể giơ tay phải, nắm tay, dù các thao tác còn yếu ớt vì bị liệt nửa người bên trái do di chứng của tổn thương não.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, đột quỵ là một tình trạng nguy hiểm, có thể để lại di chứng thần kinh nặng nề, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Đột quỵ gồm 2 loại là đột quỵ xuất huyết não và đột quỵ nhồi máu não. So với đột quỵ nhồi máu não thì đột quỵ xuất huyết não ít gặp hơn và tỉ lệ tử vong cao hơn.
Thời gian từ khi xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ đến khi bắt đầu điều trị là cực kỳ quan trọng. Đây được gọi là “giờ vàng” quyết định sự sống của người bệnh cũng như hạn chế tối đa tổn thương não. Giờ vàng trong đột quỵ não là dưới 3 giờ.
Để kiểm soát đột quỵ hiệu quả và tối ưu chi phí điều trị, thời gian cấp cứu và xử trí đột quỵ trong “giờ vàng” là yếu tố tiên quyết. Do đó, khi người bệnh có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ đột quỵ nên đến ngay trung tâm đột quỵ chuyên sâu gần nhất để được chẩn đoán và xử trí nhanh nhất.