Văn hóa nghệ thuật

Mơ Sài Gòn có thêm nhiều con hẻm dễ thương

Nguyễn Văn Mỹ (*) 12/08/2023 15:00

Tranh bích họa không chỉ làm đẹp những con hẻm vốn dĩ nhếch nhác, bị vẽ bậy, xả rác… mà còn là điểm để người dân và du khách “check-in”. Thời gian qua, một số con hẻm, tuyến đường ở TP.HCM đã được trang trí bằng tranh bích họa, trông rất dễ thương, tạo ấn tượng cho nhiều người khi đi ngang qua.

Sài Gòn - TP.HCM có hơn 3.600 con đường và mấy chục ngàn con hẻm. Hà Nội và Bắc bộ gọi đường là phố, hẻm là ngõ hoặc ngách. Hẻm ở Hà Nội thường dài mấy cũng cụt, bởi nếu thông thì đã gọi là đường. Nhiều hẻm có các hẻm phụ, Nam bộ gọi là “siệc”(/) theo tiếng Pháp “sur”, nghĩa là “trên”; Bắc bộ gọi “ngách”. Hẻm ở Nam bộ có thông, có cụt. Có hẻm tới 3 hoặc 4 “siệc”, chưa rõ Hà Nội gọi là gì? Còn ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam thì gọi hẻm chính là “kiệt”, “kiệt” nhỏ (ngách của Bắc bộ) là hẻm…

Thường hẻm ngắn và hẹp hơn đường nhưng cũng có nhiều đường ngắn và hẹp hơn hẻm. Có hẻm, bề ngang chỉ hơn 1m nhưng có hẻm rộng gần hai chục mét. Đường phố TP.HCM vùng ven gần như ma trận. Dân chạy xe ôm công nghệ và cả người giao hàng (shipper) thường phải sử dụng Google Maps để hướng dẫn đường đi thì mới tìm ra địa chỉ cần đến.

Mặt tiền đường thường dùng để kinh doanh, hẻm nhỏ thì không thể. Không ít hẻm nhếch nhác, có hẻm dày đặc các loại dây (dây điện, cáp Internet, cáp truyền hình…), chỗ thì được bó lại, chỗ thì giăng ngang giăng dọc. Chuyện đường phố, ngõ hẻm vẫn còn nhiều bất cập, từ tên đường đến số nhà; có không ít nhà trong hẻm rất khó tìm do cách đánh số nhà, Google Maps cũng thua, phải hỏi người dân nơi đó thì mới tìm ra.

Nhà mặt tiền oai hơn nhà trong hẻm, nhưng trừ mấy bảng hiệu và cây xanh thì nhà mặt tiền khó trang trí và thường có bảng hiệu quảng cáo giống nhau. Hẻm khá đa dạng, từ giàu nghèo, an ninh trật tự đến không gian và trang trí. Không hẻm nào giống hẻm nào. Có những hẻm cực kỳ dễ thương như hẻm 353 Phạm Ngũ Lão quận 1; hay hẻm 115 Trần Quốc Thảo quận 3.

Ngay trong khu phố Tây, gần phố đi bộ Bùi Viện (quận 1), hẻm 353 Bùi Viện có nhiều banner khổ lớn giới thiệu các di sản phi vật thể Việt Nam trên những bức tường trống. Từng di sản có hình minh họa và chú thích, tóm tắt đầy đủ. Phía đối diện là cây kiểng và khẩu hiệu chào mừng các sự kiện. Hẻm đẹp, không ai dám xả rác hoặc viết vẽ bậy.

Hẻm 115 đường Trần Quốc Thảo quận 3 càng ấn tượng hơn. Tôi giao hàng ở hẻm 232 Võ Thị Sáu, sau đó lên Tân Bình. Tôi nhờ ứng dụng Google Maps chỉ đường thì nghe thông báo “chạy thẳng là Trần Quốc Thảo”. Thì ra, hai hẻm nối liền nhau, đầu này là 232 Võ Thị Sáu, đầu kia là 115 Trần Quốc Thảo. Gần cuối hẻm, tôi giật mình, tưởng hẻm cụt vì phía trước là đồng sen sống động, thấp thoáng đồi bát ngát xanh. Cứ tưởng lạc vào biệt phủ!

sen.jpg
Tranh bích họa cánh đồng sen

Tới nơi, hóa ra tranh bích họa trên tường hẻm như 3D. Phía bên kia là biển cả với thuyền, hải đăng và anh lính hải quân gác biển. Tôi dừng lại, selfie, ghép hình đưa lên “Phây” (Facebook) hoặc “Da” (Zalo) với dòng trạng thái (status): “Ở đâu? Còn lâu mới nói!”. Hơi tiếc là ngay giữa đồng sen, có tấm pano nội quy hẻm, nên phải chụp nghiêng để làm mờ nó.

hai-quan.jpg
Tranh bích họa về biển

Từ ngày có tranh bích họa, hẻm sang, sạch và thân thiện hẳn ra. Khách đi ngang ai cũng ngạc nhiên, dùng điện thoại chụp vài tấm ảnh lạ. TP.HCM cần có thêm nhiều hẻm độc lạ như vậy để vừa chống viết vẽ bậy, vừa có thêm sản phẩm du lịch cho khách “check-in”. Ngành văn hóa và du lịch có thể phối hợp tổ chức cuộc thi “Hẻm chất và đỉnh TP.HCM” từng năm.

Việc dùng tranh bích họa làm đẹp cộng đồng là chuyện rất xưa của thế giới, từ châu Âu qua châu Á. Thường là cả làng, cả vùng nhỏ đô thị (Việt Nam gọi là khu phố) và trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn liền văn hóa bản địa; được du khách tìm đến trải nghiệm. Mỗi bức tranh là một câu chuyện, tranh nào cũng sáng tạo và có hồn.

Tranh bích họa cộng đồng Việt Nam mới xuất hiện từ năm 2016 với hơn 100 ngôi nhà bích họa ở làng Tam Thanh (Quảng Nam) do Đại sứ quán Hàn Quốc tài trợ. Những bức tranh cuộc sống, sống động hơn thật, giúp du lịch Tam Thanh vang danh khắp nước. Tuy nhiên, do không có kế hoạch quản lý và bảo trì, làng bích họa mai một, xuống cấp. Đầu năm 2023, được thay mới theo trường phái khác, gây nhiều tranh cãi. Chủ quan, tôi cảm nhận, hồn tranh kém hơn xưa.

noi-quy.jpg
Tranh bích họa sẽ làm mới những con hẻm

Sau Tam Thanh, nhiều địa phương có tranh bích họa cộng đồng. Gần nhất là bức tường bích họa 747m ở ven biển Ninh Thuận. Nếu “vào nhà biết chủ” thì “ngắm tranh biết người vẽ”. Ai cũng có thể vẽ nhưng chưa chắc đã là họa sĩ? Tôi mê làng bích họa Tam Thanh xưa (2016) và cũng mê các tranh bích họa Dốc nhà làng trong dự án “Phố bên đồi” (2020) ở phường 1, thành phố Đà Lạt.

Tranh bích họa có hồn, tạo cảm giác luôn dành chỗ cho du khách “check-in”. Ai và bất cứ lúc nào cũng có thể là một phần của bức tranh 3D hoàn hảo. Tôi rất dị ứng với tư duy phong trào, ganh đua vùng miền, chạy theo các kỷ lục về lượng, không quan tâm đến chất. Những bức tranh nghiệp dư của các tình nguyện viên thật lòng, có sức hút hơn tranh của những “thợ vẽ”.

Từ làng bích họa Tam Thanh 2016 và Dốc nhà làng Đà Lạt 2021, tôi mơ về những làng bích họa, phố bích họa, nhất là những con hẻm bích họa của đất và người Sài Gòn hào nghĩa. Cần thiết, có thể “kiểm kê gia tài” để biết quỹ tường trống có thể vẽ bích họa. Làm thí điểm, xã hội hóa kinh phí và chất xám thực hiện. Khuyến khích sáng tạo, ưu tiên bản sắc văn hóa tại chỗ.

TP.HCM có đủ cả tiềm năng lẫn tiềm lực thực hiện. Vấn đề là chính sách ưu đãi, minh bạch và thủ tục dễ dàng.

Muốn bớt cỏ dại, phải trồng thêm nhiều hoa.

(*) Chủ tịch Lửa Việt Tours

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mơ Sài Gòn có thêm nhiều con hẻm dễ thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO