Dự án mới

Mô hình cụm liên kết ngành khu công nghiệp và logistics - Lời giải dài hạn cho Tây Nam Bộ

Nguyễn Tươi 18/07/2025 - 15:35

Tây Nam Bộ, vùng đất được mệnh danh là “vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây” của cả nước đang đứng trước ngã rẽ lớn trên hành trình phát triển. Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025, phiên đối thoại cụm Tây Nam Bộ tổ chức tại tỉnh An Giang ngày 9/7/2025, nhiều vấn đề then chốt đã được nêu ra thẳng thắn.

Trong đó, mô hình cụm liên kết ngành khu công nghiệp và logistics được kỳ vọng là lời giải chiến lược giúp khu vực bứt phá.

Vùng đất trù phú trước những nút thắt phát triển

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Huy Hiển - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Tháp nhận định: Một mặt, Tây Nam Bộ vẫn là trung tâm sản xuất và xuất khẩu nông - thủy sản hàng đầu cả nước với kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 10 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Mặt khác, khu vực này đang đối diện với nhiều trở lực mang tính hệ thống, đặc biệt là thiếu chính sách đặc thù và nền tảng logistics còn yếu.

Các doanh nhân chia sẻ tại Phiên đối thoại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2025 tại An Giang

Vấn đề đầu tiên là tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Bà Phạm Thị Bích Huệ - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 kể lại: “Cách đây ba năm, doanh nghiệp của tôi tham gia liên kết vùng tại Tây Nam Bộ. Một đối tác nước ngoài đã tiến hành nghiên cứu thị trường khu vực này. Kết quả cho thấy sau ba thập niên, biến đổi khí hậu và ngập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất đai, đời sống và tiềm năng phát triển của vùng.”

Thứ hai là hạ tầng logistics và giao thông chưa đồng bộ, khiến chi phí vận chuyển cao, thời gian tiếp cận thị trường chậm, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa. Chi phí logistics tại Việt Nam chiếm hơn 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong đó lĩnh vực nông - thủy sản có thể lên tới 40-60%. Các tuyến cao tốc còn hạn chế, sân bay quốc tế tại thành phố Cần Thơ chưa kết nối hiệu quả với các đường bay quốc tế. Phần lớn hàng hóa vẫn phải trung chuyển qua TP.HCM hoặc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thứ ba là nội lực doanh nghiệp địa phương còn yếu. Theo bà Huệ, tâm lý an toàn, ít dám thay đổi còn phổ biến. Tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo chưa được thúc đẩy mạnh mẽ, trong khi khả năng tiếp cận công nghệ, thị trường và kiến thức quản trị còn hạn chế so với các vùng kinh tế trọng điểm khác.

KCN Yên Phong II-A - dự án được quy hoạch theo mô hình LIC được triển khai tại tỉnh Bắc Ninh

Mô hình cụm liên kết ngành - Giải pháp đột phá

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia đề xuất phát triển mô hình cụm liên kết ngành. Cụ thể là cụm công nghiệp - logistics tích hợp (Logistics Industrial Cluster - LIC). Đây là mô hình đã được áp dụng tại nhiều quốc gia phát triển, nhằm giảm chi phí logistics, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng và tăng sức cạnh tranh vùng.

Mô hình LIC tích hợp đồng bộ các chức năng sản xuất, logistics và dịch vụ trong một không gian thống nhất. Thay vì các nhà máy, kho bãi và dịch vụ hậu cần vận hành riêng lẻ, mô hình này quy hoạch các khu chế biến, trung tâm logistics, kho lạnh, bãi container, dịch vụ hải quan và hệ thống giao thông theo cụm, giúp tối ưu hóa chi phí, rút ngắn thời gian luân chuyển và nâng cao hiệu quả cung ứng.

Đồng thời, LIC tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng các tiến bộ công nghệ trong dữ liệu, định tuyến, truy xuất nguồn gốc. Đây là yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.

KCN Yên Lư (Phần mở rộng) - dự án được quy hoạch theo mô hình LIC được triển khai tại tỉnh Bắc Ninh mới (trước là tỉnh Bắc Giang)

Hạ tầng giao thông - điều kiện tiên quyết

Mô hình LIC không phải là lý thuyết xa vời. Tại Việt Nam, một số dự án như Khu công nghiệp Yên Phong II-A hay Khu công nghiệp Yên Lư (phần mở rộng) tại tỉnh Bắc Ninh đã cho thấy tính hiệu quả của cách tiếp cận này. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để triển khai LIC thành công tại Tây Nam Bộ là hạ tầng giao thông phải được đầu tư đồng bộ, hiện đại và kết nối liên vùng.

Để làm được điều đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước thông qua các chính sách quy hoạch liên kết vùng, đầu tư hạ tầng trọng điểm và thúc đẩy logistics. Đồng thời, khu vực tư nhân cũng cần chủ động nâng cao năng lực nội tại, chuyển đổi mô hình sản xuất, đầu tư vào công nghệ và sẵn sàng hội nhập.

Chỉ khi hai yếu tố công - tư cùng hành động, mô hình LIC mới có thể phát huy tối đa hiệu quả, đưa Tây Nam Bộ vượt qua các rào cản hiện hữu và phát triển bền vững trong kỷ nguyên cạnh tranh mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mô hình cụm liên kết ngành khu công nghiệp và logistics - Lời giải dài hạn cho Tây Nam Bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO