“Minari”: Giấc mơ Mỹ nhọc nhằn

Văn Khoa| 28/02/2021 09:29

Minari vượt khỏi phạm vi một phim Hàn Quốc, đề cập đến vấn đề lớn hơn của dân nhập cư và nước Mỹ.

MINARI-01590-5458-1614314066.jpg

Một cảnh trong phim Minari 

Jacob mua một mảnh đất lớn để trồng rau với hy vọng đổi đời. Anh đưa vợ con chuyển từ vùng đô thị ở California về vùng Arkansas, Mỹ hẻo lánh để trồng minari (cây cần nước) - loại rau thường xuyên xuất hiện trong các món ăn của người Hàn. Vợ của Jacob - Monica không thích cuộc sống buồn tẻ, thiếu tiện nghi nơi tỉnh lẻ. Lý do lớn hơn để cô muốn trụ lại thành phố dù cuộc sống chật vật là vì David - đứa con trai nhỏ của họ mắc bệnh tim nhưng nơi ở của gia đình tại Arkansas quá tạm bợ và xa bệnh viện. Để hỗ trợ chăm sóc hai đứa trẻ, vợ chồng Jacob đón mẹ từ Hàn Quốc sang. Những mâu thuẫn nho nhỏ từ đời sống thường ngày khiến cuộc sống của gia đình Jacob ngày càng trở nên ngột ngạt.

Một phần câu chuyện của phim dựa trên cuộc sống của đạo diễn Lee Isaac Chung ở Arkansas, bối cảnh thập niên 1980, do đó phim đều được phủ bằng một thứ màu hoài niệm đẹp đẽ, dù cuộc sống khó nhọc và đầy thử thách. Khác với Parasite của đạo diễn Bong Joon Ho - bộ phim Hàn từng gây ấn tượng mạnh với thế giới, Minari không có sự châm biếm nào, cũng không đề cập đến sự phân chia giai cấp hay kỳ thị chủng tộc - vấn đề thường được các bộ phim khai thác về người nhập cư. Minari mô tả cuộc sống bình dị, vừa lãng mạn với ước mơ vừa đầy thử thách với gia đình. Tình thân bị đe dọa bởi sự túng thiếu, sự khác biệt văn hóa, cách giao tiếp, hy vọng bị đè nén bởi nỗi sợ hãi. Nhưng cũng chính tình thân đã trở thành phép màu, xoa dịu tất cả như hình ảnh đám rau cần ở một cảnh phim, bắt đầu mọc lên xanh um, tươi tốt.

Đạo diễn Lee chia sẻ: “Cây cần nước là loài thực vật có sức sống mãnh liệt, có thể đâm chồi từ những mảnh đất khô cằn nhất. Tôi xem sức sống của loại rau đại diện cho tính kiên cường của người nhập cư vào Mỹ. Diễn viên đều nói tiếng Hàn trong một gia đình giữ văn hóa Hàn Quốc nhưng tôi nghĩ Minari nói lên rất nhiều điều về nước Mỹ. Nó gồm nhiều người làm nhiều việc khác nhau, nhiều tầng lớp xã hội khác nhau”.

Qua chuyện của một gia đình Á Đông điển hình, Minari đã dần mở rộng xúc cảm để chạm đến những vấn đề của dân nhập cư, chỉ ra những mâu thuẫn chung nhất mà bất kỳ ai cũng phải đối mặt nếu rơi vào hoàn cảnh ấy, đồng thời hàn gắn chúng theo một cách nào đó. Diễn viên người Mỹ gốc Hàn - Steven Yeun (được biết đến với vai diễn trong phim truyền hình The Walking Dead), đóng vai Jacob, bộc bạch: “Thật đáng sợ khi tiếp cận thế hệ cha tôi để cố gắng hòa nhập vào thế hệ của họ. Phim giúp tôi mở rộng tầm mắt về những suy nghĩ mà tôi có thể đã hiểu sai về cha mình và cả thế hệ đó nữa”.

Minari từng thắng giải Ban giám khảo lẫn bình chọn của khán giả tại Liên hoan Phim Sundance - liên hoan phim  độc lập lớn nhất thế giới năm 2020. Bộ phim này cũng mới được đề cử giải Quả cầu vàng, ba đề cử SAG Awards của Mỹ. Với cách kể nhẹ nhàng mà thấm thía, câu chuyện có tính phổ quát cao và chạm đến nhiều vấn đề của không chỉ nước Mỹ mà trên toàn thế giới, giới chuyên gia dự đoán Minari có thể nối tiếp Parasite lập nên kỳ tích tại Oscar 2021. Theo dự đoán, Minari vươn lên thứ 3 đề cử giải thưởng “Phim hay nhất”, thứ 5 giải thưởng “Đạo diễn xuất sắc nhất”, thứ 2 hạng mục “Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất” và thứ 3 trong hạng mục “Kịch bản hay nhất”. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra và người Hàn thêm một lần nữa, có thể tự hào về điện ảnh nước họ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Minari”: Giấc mơ Mỹ nhọc nhằn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO