Đã đến thời điểm bạn có thể tự tay “in” những đồ vật trang trí hay những vật dụng hằng ngày như thìa, nĩa... bằng những máy in 3D giá rẻ dành cho gia đình.
HP cho biết đã phát triển thành công một máy in 3D có tốc độ nhanh hơn hầu hết các máy in 3D hiện nay gấp 10 lần. Công nghệ in mới có thể tạo ra các sản phẩm với độ chi tiết cao, bề mặt mịn, đảm bảo đầy đủ các tính chất của vật liệu như độ ma sát, chịu lực, độ đàn hồi, các thuộc tính dẫn điện, dẫn nhiệt...
Chiếc máy in 3D đặc biệt này dự kiến sẽ được thử nghiệm, sản xuất vào đầu năm tới và thương mại hóa trong năm 2016. Mặc dù không tiết lộ giá dự kiến, HP cho biết nó sẽ rẻ hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Như để khẳng định ưu thế trong thị trường máy in 3D, HP cũng giới thiệu dòng máy tính Sprout tích hợp máy quét 3D. Bạn sẽ nhận được hình ảnh quét 3D của vật thể trên màn hình, sau đó tùy mục đích có thể thiết kế và tùy chỉnh cũng như chia sẻ với người khác.
Không chỉ có thể nhận diện thiết kế của vật thể, Sprout còn có thể nhận diện màu sắc một cách chính xác. Tính năng đặc biệt này được xem là công cụ hữu hiệu của các nhà thiết kế kỹ thuật số.
New Matter MOD-t |
Kể từ khi chiếc máy in 3D đầu tiên xuất hiện, thị trường in ấn 3D dự báo sẽ tạo nên một cuộc cách mạng kỹ thuật mới trong lĩnh vực sản xuất. Với máy in 3D, người ta có thể “in” ra những vật thể, nhỏ như đồ trang sức, vật dụng gia đình, lớn có thể là những chi tiết máy bay...
Từ những dòng máy in hàng triệu USD, máy in 3D đang có xu hướng “cá nhân hóa” với những phiên bản mini giá rẻ vài trăm USD. Người dùng gia đình có thể tự tin trang bị những máy in 3D để “in” các vật dụng hằng ngày theo trí tưởng tượng của mình.
Gartner vừa dự báo số máy in 3D được tiêu thụ tại thị trường Mỹ sẽ đạt khoảng 24 triệu máy. “Điều này giống như đã xảy ra với sự bùng nổ của máy tính vào năm 1982, mọi thứ mới chỉ bắt đầu”, Carl Bass, Giám đốc Điều hành của Autodesk, cho biết.
Bên cạnh MakerBot và 3D Systems, thị trường máy in 3D giá rẻ sẽ đón nhận thêm các sản phẩm của Autodesk. Autodesk đã tuyên bố sẽ ra mắt máy in 3D và một nền tảng phần mềm mã nguồn mở phục vụ cho in 3D có tên “Spark” với giá vào khoảng 5.000 USD trong năm nay.
Với máy in này, Autodesk đang muốn trở thành nhà cung cấp giải pháp kỹ thuật hoàn chỉnh cho những người đam mê in 3D và cả những doanh nghiệp đang muốn sử dụng công nghệ đột phá này cho quá trình sản xuất và thiết kế.
Nonand |
Theo Autodesk, sự kết hợp của máy in 3D Autodesk và phần mềm Spark “sẽ là các viên gạch mà các nhà thiết kế sản phẩm, các nhà sản xuất phần cứng, nhà phát triển phần mềm và các nhà khoa học vật liệu có thể sử dụng để tìm hiểu các giới hạn của công nghệ in 3D”.
Hiện tại, thị trường in 3D đang có giá 2,5 tỷ USD và được dự đoán sẽ tăng lên tới 16,2 tỷ USD trong năm 2018. Các đối thủ cạnh tranh của HP, Autodesk đang có một số sản phẩm giá rẻ như MakerBot Replicator 2X (2.500 USD) và Cube 3 (1.000 USD). Thậm chí, nhiều tên tuổi mới xuất hiện cũng đang tạo nên sự đột biến cho thị trường in ấn của tương lai này.
Hãng Nonand có trụ sở tại Đức giới thiệu dòng máy in 3D có thể in những vật thể 3D bằng hai loại vật liệu là nhựa ABS hoặc PLA. Phiên bản mini, có giá khoảng 800 USD, cho phép các nhà thiết kế, nhà tạo mẫu đặt máy ở nhà để làm việc thuận tiện hơn.
Phần mềm điều khiển thiết bị tương thích với cả Windows lẫn OS X, tích hợp phần mềm miễn phí như SketchUp để tạo mẫu. Trong khi đó, hãng IdeaLab vừa tung ra mẫu máy in 3D New Matter MOD-t có giá chỉ 199 USD. IdeaLab cung cấp dịch vụ đi kèm như thư viện các thiết kế 3D có sẵn.
Máy MOD-t có độ mỏng tối thiểu của các lớp in chỉ là 0,02mm, phù hợp với nhu cầu sử dụng trong gia đình. Trước đó, tại thị trường Mỹ đã từng xuất hiện dòng máy in Makibox -1 với giá khoảng 200 USD.
>Máy in 3D "made in Vietnam"
>Máy in 3D giá rẻ
>Máy in 3D: "Công nghệ của tạo hóa"