Thỏa thuận này được đánh giá là thuận lợi cho cả đôi đàng. Vingroup sẽ có nguồn để tập trung vào những mảng kinh doanh chiến lược. Masan được tiếp nhận mảng ghép quan trọng để xây dựng hệ thống hàng tiêu dùng - bán lẻ.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán MB (MBS), quy mô toàn thị trường bán lẻ của Việt Nam ước tính khoảng 142 tỷ USD, tương đương 59% GDP; trong đó riêng bán lẻ hàng hóa chiếm hơn 40%, với quy mô 60 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân năm của ngành khoảng 13%, cao gấp rưỡi tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính của Vingroup những năm gần đây đều ghi nhận bán lẻ là một trong những mảng lỗ cao nhất. Khoản lỗ được đẩy lên cao cùng giai đoạn mở rộng của hệ thống Vinmart và Vinmart+. Từ năm 2014-2018, doanh thu của hệ thống này đạt hơn 21.200 tỷ đồng, trở thành mảng kinh doanh có doanh thu chỉ sau lĩnh vực bất động sản, nhưng báo lỗ hơn 5.100 tỷ đồng. Nhưng dù chịu lỗ, Vingroup đã nắm quyền chi phối thị trường với mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart+ tại 50 tỉnh thành.
Nhiều năm đánh đổi lợi nhuận lấy quy mô, ở giai đoạn mà Vinmart đang dần chiếm lĩnh được thị trường thì Vingroup rút lui. Vì sao? Vì mảng bán lẻ là mảnh ghép lớn trong cơ cấu của hệ thống Vingroup, nhưng lợi nhuận từ mảnh ghép này không có. Mặt khác, ngoài hệ thống VinEco, Vingroup không tham gia quá sâu vào lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng. Trong khi đó, Masan với nền tảng là hàng tiêu dùng nhanh sẽ khai thác và tận dụng tốt hơn mảnh ghép bán lẻ mà Vingroup đã dày công xây dựng. Chuyển Vincommerce và VinEco cho Tập đoàn Masan cũng là lý do để Vingroup có thể tập trung nguồn lực cho những mảng kinh doanh chiến lược khác.
Khác với Vingroup, các hoạt động chính của Masan đều xoay quanh việc bán lẻ. Trong báo cáo thường niên 2018, ban lãnh đạo Masan nhấn mạnh, chiến lược cơ bản của Masan là kết nối lĩnh vực kinh doanh với nhu cầu hằng ngày của người tiêu dùng. Định hướng của chiến lược này là triển khai cửa hàng một điểm đến (a one-stop shop) - nơi giải quyết tất cả vấn đề của khách hàng; từ tài chính, thực phẩm, đồ uống đến chăm sóc sức khỏe. Với quy mô của Vinmart và Vinmart+, sự sáp nhập này có thể giúp chiến lược của Masan được đẩy nhanh hơn. Sở hữu một hệ thống lớn như Vinmart và Vinmart+ sẽ giúp Masan chủ động được kênh phân phối, giảm chi phí trung gian tới tay người tiêu dùng.
Tham gia cuộc chơi bán lẻ với một quy mô lớn cùng Vinmart và Vinmart+ sẽ là thách thức không nhỏ với Masan trong ngắn hạn, đặc biệt là vấn đề lợi nhuận.
Năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Masan Consumer đạt hơn 3.800 tỷ đồng, trong khi đó, hệ thống VinCommerce cũng lỗ tới hàng nghìn tỷ đồng. Dù Masan sẽ hưởng lợi khi làm chủ hệ thống phân phối, giảm thiểu chi phí trung gian, song để duy trì cuộc chơi trên thị trường này, việc “chia đều thiệt thòi lợi nhuận” là điều không tránh khỏi. Nhiều khả năng câu chuyện đánh đổi lợi nhuận lấy thị phần của Masan với Vinmart và Vinmart+ như Vingroup những năm qua sẽ phải tiếp diễn!
Điều lo lắng này trong thực tế đã được chứng minh, ngay trong ngày đầu tiên tuyên bố sáp nhập giữa Vingroup và Masan Consumer, chốt phiên giao dịch chứng khoán, cổ phiếu MSN (Masan) đã tuột sàn: mất gần 7% thị giá. Ngay lập tức, vốn hóa Masan bốc hơi hơn 5.600 tỷ đồng!