Doanh nghiệp lo ngại với tình trạng trục lợi bảo hiểm ngày càng tinh vi. Ảnh: X.Th |
Hàng trăm tỷ đồng bị trục lợi
Trục lợi bảo hiểm đang là lo ngại không chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ mà cả cơ quan quản lý. Theo Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), từ năm 2008 - 2017, có trên 78.000 vụ trục lợi bảo hiểm với số tiền khoảng 1.100 tỷ đồng, trung bình tổn thất 110 tỷ đồng/năm. Thị trường bảo hiểm nhân thọ có từ 6 - 28% số vụ yêu cầu bồi thường bảo hiểm là trục lợi.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tình trạng trục lợi bảo hiểm có xu hướng gia tăng và ngày càng tinh vi. Ông Bùi Gia Anh - Tổng thư ký IAV cho biết, cả nước hiện có 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ với gần 400 sản phẩm. Mỗi năm ngành này chi trả hơn 10.000 tỷ đồng, riêng năm 2017 đã chi trả bảo hiểm gần 14.000 tỷ đồng. Trong số đó có những trường hợp trục lợi mà doanh nghiệp bảo hiểm không phát hiện được.
Trục lợi bảo hiểm sức khỏe chiếm đến 80 - 90% tổng số vụ trục lợi toàn thị trường bảo hiểm. Theo các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, đáng lo ngại và khó kiểm soát nhất vẫn là tình trạng các bệnh viện, cơ sở y tế tiếp tay cho hành vi trục lợi của khách hàng. Nhiều trường hợp công ty bảo hiểm nghi ngờ nhưng không làm sáng tỏ được vì không có sự hỗ trợ của cơ sở y tế. Bên cạnh đó còn có tình trạng thông đồng của đại lý, nhân viên bán bảo hiểm với người mua bảo hiểm để trục lợi.
Năm 2017, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có tốc độ tăng trưởng 30%, tổng doanh thu đạt gần 66.000 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2018, ngành bảo hiểm nhân thọ đã đầu tư trở lại nền kinh tế trên 215.000 tỷ đồng.
Đến nay, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã cung cấp hơn 7,5 triệu hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng, chi trả quyền lợi bảo hiểm khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho khoảng 10.000 người trong ngành bảo hiểm và hơn 600.000 đại lý bảo hiểm.
Các đại lý cố tình ghi sai ngày tham gia bảo hiểm trên giấy chứng nhận bảo hiểm (đẩy lùi ngày tham gia bảo hiểm thành ngày trước khi sự kiện bảo hiểm xảy ra), thông đồng với khách hàng để ngụy tạo hồ sơ, đánh giá cao mức độ tổn thất hoặc lợi dụng các kẽ hở về giấy tờ, về thủ tục giám định, bồi thường nhằm trục lợi. Thậm chí, có không ít đại lý bảo hiểm vì muốn nhận hoa hồng cao đã xúi khách hàng hủy hợp đồng trước hạn.
Hình sự hóa trục lợi bảo hiểm
Theo lý giải của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, sở dĩ tình trạng trục lợi bảo hiểm còn nhiều vì lợi nhuận của người mua bảo hiểm quá cao. Nếu một vụ trục lợi bảo hiểm trót lọt, người mua bảo hiểm chỉ bỏ ra một đồng nhưng hưởng lợi gấp hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần. Giá trị siêu lợi nhuận mà bảo hiểm mang lại khiến nhiều người nảy sinh lòng tham.
Vì hình thức trục lợi bảo hiểm ngày càng tinh vi nên làm sao để "tìm đúng người, đúng vi phạm" là điều mà các doanh nghiệp rất cân nhắc. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phụ trách truyền thông Hanwha Life cho rằng, giải quyết các trường hợp trục lợi bảo hiểm phải dựa trên lý, tuy nhiên có những trường hợp suy xét đến tình.
Khi có khiếu nại của khách hàng về giải quyết quyền lợi bảo hiểm, công ty xem xét tất cả vấn đề, xem xử lý như vậy đã đúng chưa, có oan cho khách hàng hay không. Làm sao để công ty không bị thiệt hại và khách hàng cũng được bảo vệ quyền lợi chính đáng nếu không vi phạm.
Ông Ngô Trung Dũng - Phó tổng thư ký IAV khẳng định, đã xác định là trục lợi bảo hiểm thì phải xử lý theo pháp luật. Điều 213 Bộ Luật Hình sự mới về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, cá nhân người phạm tội có thể bị phạt tiền tới 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 3 năm, pháp nhân phạm tội có thể bị phạt tiền tới 7 tỷ đồng, có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn. Từ khi hình sự hóa vấn đề trục lợi bảo hiểm đã có hiệu ứng tích cực, giảm ý định của người muốn trục lợi.
Để giảm thiểu tình trạng trục lợi bảo hiểm, IAV và các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đưa ra quy định khá gắt gao: Tư vấn viên nếu vi phạm các vấn đề trên sẽ bị doanh nghiệp đưa vào danh sách vi phạm. Và khi đã bị đưa vào danh sách này thì tư vấn viên, đại lý bảo hiểm sẽ bị cấm hành nghề tư vấn bảo hiểm trong 3 năm, và không thể xin việc ở bất cứ đâu. Năm 2017, có đến hơn 1.100 đại lý vi phạm đã bị xử lý.
Ngoài xử lý đại lý, IAV cũng khuyến cáo hội viên tăng cường phục vụ khách hàng tốt hơn. Theo quy định, hợp đồng bảo hiểm hoàn thành trong vòng 15 ngày nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp chỉ cần vài giờ đã hoàn tất. Ông Bùi Gia Anh cho biết, IAV luôn tìm cách bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua bảo hiểm, đồng thời khuyến cáo doanh nghiệp bảo hiểm phải thật thận trọng trong quá trình xử lý khi nghi ngờ có trục lợi bảo hiểm.