![]() |
Biên niên sử mang tên "The Irishman"
Dựa trên cuốn sách I Heard You Paint Houses (tạm dịch: Tôi nghe nói anh sơn nhà) của Charles Brandt, The Irishman xoay quanh nhân vật Frank Sheeran (Robert De Niro), từ lúc còn là người giao thịt ở thập niên 50 cho đến khi trở thành sát thủ, bảo kê cho ông chủ nghiệp đoàn Teamster - Jimmy Hoffa (Al Pacino). Thời thế thay đổi, mối quan hệ đó trở nên mâu thuẫn với mối quan hệ chủ - tớ của Frank và bố già Russell Bufalino (Joe Pesci).
Đây là cuốn phim điện ảnh thứ 25 của vị đạo diễn 77 tuổi đời, 52 năm tuổi nghề, kể từ bộ phim dài đầu tay Whos That Knock at My Door và là cuốn phim đánh dấu lần ông trở lại hợp tác với tài tử Robert De Niro, sau Mean Streets (1973) - cuốn phim đầu tiên kết nối hai ông, cùng tạo nên tiếng vang và cùng gắn bó ở nhiều bộ phim thành công khác.
Phải nhắc đến Mean Streets vì cuốn phim này định hình rất rõ phong cách của Scorsese ở thể loại hình sự, tội phạm. Ông không làm phim để giải trí, để giúp khán giả mua vui hoặc hù dọa họ bằng những cảnh bắn giết đẫm máu. Trong mỗi câu chuyện Scorsese kể, ông khéo léo lồng vào đó nhiều sự kiện trong một lớp vỏ, lột tả nhiều vấn đề khác nhau, bao hàm cả xã hội, lịch sử, chính trị, giới tội phạm và vén tấm màn bí mật bẩn thỉu.
Từ Mean Streets, Taxi Driver (thập niên 70, 80), Goodfellas (1990), sau này là Gangs of New York (2002, với sự tham gia của tài tử Leonardo DiCaprio) và hiện tại là The Irishman, Scorsese đều khai thác theo hướng đó.
Những câu chuyện chậm rãi, đan xen nhiều ẩn dụ, phác họa cả lịch sử một thành phố hay một đất nước, bên ngoài hào nhoáng, bên trong đầy rẫy móc nối giữa giới chính trị gia và bọn tội phạm. Lịch sử của một thành phố hay một đất nước, cụ thể là nước Mỹ luôn tồn tại trong bức tranh sáng tối nhập nhòe.
Trong The Irishman, khán giả có thể tìm thấy gần như tất cả sự kiện đình đám của thập niên 60-70. Vụ thanh trừng trùm xã hội đen khét tiếng Albert Anastasia, bàn tay điều khiển của thế giới ngầm nhúng vào cuộc bầu cử JFK, “Joe Điên” Joe Gallo xuất hiện, sự kiện vịnh con Lợn, vụ ám sát Tổng thống Nixon và scandal Watergate...
Bạo lực trong The Irishman là thứ công cụ để giữ mọi thứ trơn tru thông suốt, nói như Frank, mọi thứ phải thế. Trên cái nền đó, là câu chuyện đậm đặc nam tính về gia đình, về tình bạn, sự mang ơn, sự chở che, lòng bội phản, niềm hối hận và cả nỗi cô đơn thăm thẳm.
Cuộc hội ngộ của những huyền thoại
Thoạt đầu, hãng Paramount đồng ý thực hiện The Irishman nhưng chi phí đầu tư 140 triệu USD giữa thời đại phim anh hùng và các bom tấn lạm dụng kỹ xảo thống trị phòng vé, Paramount đành chùn tay thoái lui. Màn hợp tác giữa một đạo diễn huyền thoại như Martin Scorsese với Netflix lần này, vì thế được xem là cú bắt tay lịch sử trong khi Steven Spielberg - một trong ba người bạn thân của Scorsese phản đối ra mặt hãng này, vì cho rằng phim trực tuyến đang góp phần giết chết điện ảnh.
Scorsese bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến Neflix nhưng ông cũng ra sức “van nài” các khán giả yêu mến ông và bộ phim đừng xem The Irishman trên điện thoại. Thay vào đó, hãy đến một số rạp chiếu hạn chế (vì phim tranh giải Oscar) hoặc màn hình lớn để có được trải nghiệm điện ảnh tốt nhất!
The Irishman ghi dấu ấn bởi cuộc “hội ngộ” của ba huyền thoại điện ảnh ở dòng phim hình sự, tội phạm là Robert De Niro, Al Pacino và Joe Pesci. Scorsese tốn nhiều tiền cho công nghệ trẻ hóa diễn viên gần chục người, đưa họ từ các ông lão ngoài 70 về độ tuổi thanh niên.
Những cái tên lão luyện của làng kỹ xảo như công ty Industrial Light & Magic, giám sát Pablo Helman được vời ra, đảm bảo mang lại hiệu ứng tốt nhất. Nhưng đó là phần đầu tư xứng đáng bởi tài năng và đẳng cấp của bộ ba huyền thoại là không thể thay thế được.
Trong bộ ba, khiến Scorsese tốn sức nhất là Joe Pesci. Quyết tâm với kế hoạch nghỉ hưu, ông đã từ chối người bạn đạo diễn đến tận... 50 lần. Sự kiên trì của Scorsese hoàn toàn có lý. Sự già đời của Russ, cái khôn ngoan và lọc lõi của một kẻ “thọc tay vào miếng bánh của tất cả mọi người mà không ai biết”, quả tình chỉ có Joe Pesci đủ sức thể hiện.
Cùng với Francis Coppola, Martin Scorsese đã “nâng cấp”, đưa dòng phim gangster lên đỉnh cao. Sự tái xuất lần này của ông với The Irishman chính là để khép lại một cách tráng lệ thể loại phim đã thôi không còn đủ sức hút đại chúng đến rạp chiếu. The Irishman hiện là một trong những cái tên nặng ký trên đường đua Oscar 2020.