Luật "thông" nhưng doanh nghiệp vẫn phải chờ

MAI PHƯƠNG| 19/07/2017 06:20

Dù Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao (83,5%), nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng cần phải có những quy định cụ thể, rõ ràng mới có thể áp dụng vào thực tế.

Luật

Dù Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao (83,5%), nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn cho rằng cần phải có những quy định cụ thể, rõ ràng mới có thể áp dụng vào thực tế.  

Đọc E-paper

Vừa được Quốc hội thông qua vào trung tuần tháng 6, Luật Hỗ trợ DNNVV được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho trên 95% DN Việt Nam hiện tại, thể hiện rõ vai trò của Chính phủ kiến tạo khi thúc đẩy sự phát triển của khối DN tư nhân, hướng tới mục tiêu có 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020.

Trên tinh thần đó, tuần qua, trong chương trình Café Doanh nhân - lần 20 với chủ đề Luật Hỗ trợ DNNVV - cơ hội cho DN Việt do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức tại Khách sạn Rex (Q.1, TP.HCM), đại diện các DNNVV đã có những ý kiến đóng góp với kỳ vọng Luật sẽ sớm hoàn thiện thông qua các văn bản dưới luật.

TS. Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, Luật Hỗ trợ DNNVV gồm 4 chương, 36 điều, hướng trọng tâm hỗ trợ vào ba đối tượng DN gồm: DNNVV được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Ngoài ra, Luật còn đề cập trường hợp DN có một hoặc nhiều lãnh đạo nữ chiếm từ 51% vốn điều lệ trở lên cũng sẽ được xem xét tạo chính sách để hỗ trợ.

Những tiêu chí xác định DNNVV cũng được quy định trong Luật, gồm: các DN siêu nhỏ, DN có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề không quá 200 người. Đồng thời, DN phải đáp ứng được một trong hai tiêu chí là có tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, hoặc doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.

Liên quan đến nguồn vốn hỗ trợ DN, Luật cũng bổ sung một số quy định nhằm thu hút các nguồn lực của xã hội ngoài ngân sách như: khuyến khích thành lập các tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm DNNVV, hình thành các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, chuỗi phân phối sản phẩm, công nhận tính pháp lý của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân.

Tuy nhiên, Luật cũng quy định việc hỗ trợ DNNVV phải tôn trọng quy luật thị trường, không vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nhà nước hỗ trợ DNNVV có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực, đảm bảo công khai, minh bạch về nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục...

Dù Luật đã được thông qua, song tại chương trình Café Doanh nhân - lần 20, TS. Trần Hoàng Ngân cũng bày tỏ lo ngại hàng hóa ngoại nhập đang và sẽ gây ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các DN Việt Nam, cụ thể, 6 tháng đầu năm 2017, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được ghi nhận khá tích cực khi đạt 19,2 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ.

Xét về vĩ mô, đây là tín hiệu vui cho thấy môi trường đầu tư tại Việt Nam đang tạo sức hút đối với khối DN FDI. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, đây cũng là mối lo cho các DN Việt Nam, họ đang ngày càng đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ đến từ khối DN FDI.

Phân tích thêm vấn đề, TS. Trần Hoàng Ngân cho biết, một trong những điểm nóng của nghị trường Quốc hội vừa qua là vấn đề nợ công. Theo TS. Ngân, nợ công cuối năm 2015 chiếm 61,8% GDP, cuối năm 2016 chiếm 63,7% GDP. Dư địa cho nợ công của Việt Nam chỉ còn mức 3,2% GDP nên việc dùng vốn từ ngân sách để hỗ trợ DNNVV sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy, Chính phủ khuyến khích thu hút vốn từ dân và từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Trước viễn cảnh kinh tế hiện nay, quay lại vấn đề Luật hỗ trợ DNNVV, có rất nhiều quan điểm đối với Luật mới được thông qua này. Nhiều DN đặt câu hỏi, trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay, việc khuyến khích các DNNVV có phi lý hay không? Nhưng cũng có DN đồng tình với Luật, họ cho rằng phải chăm chút DN nhỏ thì sau đó mới có DN lớn. Hỗ trợ, chăm sóc DNNVV cũng chính là hỗ trợ các DN lớn sẽ hình thành trong tương lai.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, có 61.276 DN mới thành lập, số DN hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngừng đạt 15.379 DN. Tuy nhiên, cả nước hiện có 43.350 DN đang tạm ngưng hoạt động, nên rất cần có những chính sách để hỗ trợ DN.

Thời gian qua, dù chưa có Luật hỗ trợ DNNVV nhưng lãnh đạo TP.HCM cũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN. Cụ thể, Thành phố đã bố trí khu đất hỗ trợ cơ sở hạ tầng, tiền thuê đất... cho DN. Ngoài gói hỗ trợ này, thông tin từ đại biểu Quốc hội TP.HCM còn cho biết, hiện nay Thành phố đang triển khai rất nhiều gói hỗ trợ DN, vấn đề là thông tin chưa được truyền tải đến DN. Do đó, thông qua các tổ chức hiệp hội, hy vọng sẽ tạo được đầu mối truyền tải thông tin đến DN có nhu cầu cần hỗ trợ.

Bà Nguyễn Minh Hương - CEO Golden Group:

Trong Luật hỗ trợ DNNVV, chúng tôi có thấy đề cập việc DNNVV được áp dụng mức thuế thu nhập DN thấp hơn so với mức quy định. Chúng tôi cần biết mức thuế đó là như thế nào?

Được biết, hiện nay Thành phố cũng đã có Quỹ Phát triển hỗ trợ DN, nhưng lại có rất ít DN tiếp cận được. Ở góc độ DN, chúng tôi quan tâm nhiều đến việc làm thế nào để DN có thể tiếp cận những nguồn quỹ hỗ trợ DN như vậy.

Ông Cù Huỳnh Sơn - Hội Doanh nghiệp quận Thủ Đức:

Hiện nay, ở góc độ DN, tôi có hai điều băn khoăn. Một là, quy định về DN nhỏ và DN vừa đang có sự chênh lệch quá lớn. Song, tiêu chí xếp loại DN còn quá sơ sài. Hai là, Luật Hỗ trợ DNNVV mang tính nhất thời nhiều hơn, trong khi Nghị định 35 của Chính phủ cũng đã quy định rất chi tiết về vấn đề tạo điều kiện hỗ trợ DN.

Tuy nhiên, khi nhìn tổng quan, tôi nhận thấy Chính phủ hiện nay có cái nhìn cởi mở hơn đối với DN, tạo điều kiện để DN tận dụng được các cơ hội tiếp cận chính sách.

Ông Lý Thành Sinh - Tổng giám đốc Công ty CP May Thêu Minh Long Hưng (TP.HCM):

DN nhỏ chúng tôi không cần vốn hỗ trợ từ Nhà nước, điều chúng tôi cần hiện nay là nguồn vốn vay ngân hàng để tăng khả năng cạnh tranh, tăng năng lực sản xuất, đầu tư máy móc hiện đại. Nhưng bản thân các DN nhỏ như chúng tôi lại không có nhiều tài sản để thế chấp. Vì vậy, chúng tôi cần được vay tín chấp. Thế nhưng, trong Luật hỗ trợ DNNVV lại không thấy đề cập điều này.

Do đó, thông qua đại biểu Quốc hội, tôi kiến nghị Nhà nước cần tạo chính sách để ngân hàng cho DN vay tín chấp. Còn những cơ chế để làm căn cứ đánh giá DN có đủ độ an toàn, đủ độ tín nhiệm để có thể tham gia vay tín chấp hay không thì Nhà nước cứ ban hành, DN sẽ tuân thủ. Tôi tin không thiếu DN làm ăn đàng hoàng nhưng yếu kém về tài chính. Do đó, chúng tôi rất mong được Nhà nước quan tâm hỗ trợ.

>>Phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chuẩn bị gì?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Luật "thông" nhưng doanh nghiệp vẫn phải chờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO