Caroline Guiela Nguyen |
Vở Sài Gòn kể lại cuộc đời của những người Pháp, người Việt Nam bị đẩy đưa theo dòng lịch sử trải dài suốt 40 năm (1956-1996). Nơi diễn ra câu chuyện vượt thời gian và không gian là nhà hàng của bà Marie-Antoinette vừa ở Paris vừa ở Sài Gòn, vừa ở quá khứ vừa ở hiện tại, với khách đến ăn là người Pháp, người Việt: là Hào và Mai, là Cécile và Antoine... Các diễn viên người Pháp, người Việt đã hóa thân vào 11 nhân vật của vở kịch, ở đó cuộc sống và số phận của họ được đan lồng vào bao cảm xúc của một thời kỳ đầy biến động. Tác giả vở diễn để những nhân vật tự kể câu chuyện riêng tư, thầm kín của đời họ, những câu chuyện diễn ra trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của Việt Nam và Pháp... Đó là chuyện của một cậu con trai với mẹ mình, chuyện những người yêu nhau buộc phải chia ly, chuyện một anh lính Pháp phải lòng một cô gái Việt Nam và đưa cô ấy sang Pháp... Đó là tiếng lòng của những cuộc đời tha hương.
Caroline Guiela Nguyen sinh năm 1981, có mẹ là người Việt, cô từng được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn chương (Légion d’honneur), từng nhận được ba đề cử Giải Molières (giải thưởng cao nhất về sân khấu kịch tại Pháp) các năm 2015 và 2018. Trong khuôn khổ chương trình nghệ sĩ lưu trú Villa Sài Gòn của Viện Pháp tại Việt Nam, Caroline Guiela Nguyen đã đến TP.HCM năm 2015 và 2016, để hòa nhập thực tế, tìm hiểu và thu thập chất liệu sáng tác vở Sài Gòn. Sau tiếng vang lớn tại Liên hoan sân khấu quốc tế Avignon lần thứ 71, vở Sài Gòn liên tục công diễn tại các nhà hát danh giá nhất trên thế giới. Viện Pháp tại TP.HCM đã mời Caroline Guiela Nguyen và đoàn kịch Les Hommes Approximatifs của cô biểu diễn hai đêm (21 và 22/9/2018) tại Nhà hát Bến Thành.
Còn vở diễn mới là câu chuyện tưởng tượng về một thảm họa khủng khiếp như đại hồng thủy đã bất ngờ xóa sổ một phần nhân loại, không để lại chút dấu vết nào của họ. Để lấp đầy khoảng trống này, một loại trung tâm xã hội mới được hình thành, với tên gọi “Trung tâm chăm sóc và an ủi” (Centre de soin et de consolation) - cũng là độc cảnh của vở kịch - nơi đón nhận mọi người, bất kể từ đâu đến, là gốc dân gì, ở tuổi nào, nói tiếng gì (trong đối thoại vở kịch có tiếng Pháp, Việt Nam, nhiều ngôn ngữ châu Phi, Ả Rập...). Ở đó có một cái máy biết xóa vĩnh viễn những kỷ niệm sâu đậm nhất như tẩy sạch những dữ liệu trong máy tính, dù không biết những vết thương trong ký ức có lành hay không.
Cảnh duy nhất của vở diễn |
Những số phận bi kịch của những người sống sót sau thảm họa được tác giả chuyển thành một câu chuyện kể hư ảo về tương lai, về lòng nhân ái. Để có được kịch bản độc đáo này, Caroline Guiela Nguyen đã mất trong hơn hai năm tìm kiếm và xây dựng nhân vật, để rồi trên sân khấu là các diễn viên đa sắc tộc, nói nhiều ngôn ngữ, tuổi từ 16-79, tự giới thiệu bản thân với khán giả nhằm khám phá sức mạnh huyền ảo và đầy chất thơ của thực tại cuộc sống, hướng tới những dự cảm về tương lai nhân loại.
Lịch diễn vở Fraternité, conte fantastique đã kín từ nay đến cuối năm 2021: ngày 16-17/10 tại Nhà hát châu Âu Odéon (Paris); từ ngày 28-31/10 tại Nhà hát kịch Quốc gia Madrid (Tây Ban Nha); ngày 8-9/11 tại sân khấu Le Parvis ở Ibos (tỉnh Hautes-Pyrénées, Pháp); ngày 1-2/12 tại Nhà hát Union ở Limoges (Pháp)... Các báo, tạp chí lớn ở Pháp như Le Monde, Paris Match, La Croix, Culture, Marianne... đều có bài nhận định với sự khen ngợi dành cho vở diễn và tác giả Caroline Guiela Nguyen xinh đẹp và tài năng.