Lợi thế xuất khẩu hàng Việt Nam sang Trung Quốc

Trọng Nhân| 25/10/2022 06:00

Việt Nam có nhiều lợi thế xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc. Song, để tận dụng tốt cơ hội đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ những quy định về tiêu chuẩn chất lượng hàng nhập khẩu vào nước này. Trong đó, đáng chú ý là yêu cầu về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên hàng đông lạnh và hàng tươi sống.

Lợi thế xuất khẩu hàng Việt Nam sang Trung Quốc

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ), chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu.Trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 35,63 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc rất đa dạng. Trong đó, điện thoại, linh kiện, máy vi tính và sản phẩm điện tử là những nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản Việt Nam cũng được tiêu thụ nhiều tại Trung Quốc như thủy hải sản, rau quả, hạt điều, cà phê, chè, gạo, sắn, cao su...

Ngoài ra, theo ông Nông Đức Lai - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, các mặt hàng cá tra, cá basa, cá mực, quả thanh long, quả vải, hạt điều của Việt Nam đều chiếm thị phần gần như tuyệt đối về khối lượng cũng như kim ngạch nhập khẩu tại Trung Quốc.

Điều đó cho thấy Việt Nam có lợi thế về các nhóm mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Để tận dụng thế mạnh này, hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc để mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, qua đó tạo điều kiện cho hàng hóa, nhất là hàng nông thủy sản của Việt Nam thâm nhập thị trường hơn 1,4 tỷ dân.

Ông Lai phân tích thêm, ngoài thế mạnh về các nhóm mặt hàng, Việt Nam có thể phát huy lợi thế về phương thức vận tải đa dạng từ đường bộ, đường biển, đường sắt đến đường hàng không. Theo đó, Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới trải dài. Sự gần gũi về mặt địa lý sẽ giúp giảm thiểu chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa giữa 2 nước.

Đến nay, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc có 76 cửa khẩu, lối mở, gồm: 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 21 cửa khẩu phụ và 42 lối mở, điểm thông quan. Hệ thống này mang lại lợi thế lớn về logistics cho hoạt động thương mại Việt Nam - Trung Quốc

Mặt khác, thời gian tới Trung Quốc có thể nới lỏng chính sách "Zero Covid", cùng với đó là sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường tiêu dùng nội địa trong giai đoạn cuối năm. Đây chính là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.

Tuy vậy, ông Lai cũng lưu ý, Trung Quốc đang ngày càng nâng cao tiêu chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là nông sản và thực phẩm. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 trên hàng hóa đông lạnh, hàng tươi sống sẽ tiếp tục được duy trì.

Cuộc cạnh tranh giữa các nước tham gia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Do đó, để gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ những quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu và không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì hàng hóa... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lợi thế xuất khẩu hàng Việt Nam sang Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO