Tài chính, chứng khoán, ngân hàng

Lời giải cho tăng trưởng tín dụng

Khánh Phương 29/06/2024 - 16:25

Theo văn bản số 4462/NHNN-CSTT của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mục tiêu phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II/2024 ở mức 5-6%. Như vậy, với thời gian còn lại rất ngắn, nếu không có những đột phá, ngành ngân hàng khó có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.

Khó đạt mục tiêu

Số liệu cập nhật đến ngày 14/6/2024 cho thấy tín dụng toàn nền kinh tế tăng 3,79% so với đầu năm nay, tương ứng với hơn 514.000 tỷ đồng đã được bơm vào nền kinh tế.

Hiện có không ít thách thức đặt ra cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Dù kinh tế trong nước vẫn đang trên đà hồi phục, nhưng hoạt động của các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 5 tháng qua, có 97.300 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo đó, cầu tín dụng chưa có sự phục hồi mạnh mẽ như giai đoạn trước. Đặc biệt, với tình trạng trầm lắng của thị trường bất động sản không chỉ ảnh hưởng lên nhu cầu vay vốn mua nhà, đất của nhóm khách hàng cá nhân, mà còn khiến tài sản đảm bảo của nhiều doanh nghiệp suy giảm giá trị, không đáp ứng được điều kiện vay thêm vốn ngân hàng.

Về phía ngân hàng, với nợ xấu vẫn tiếp tục tăng nên đã kiểm soát chặt hơn chính sách phát triển tín dụng. Đáng lưu ý là theo giới phân tích, việc Chính phủ liên tục chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp “sân sau”, phần nào tác động đến cho vay của các TCTD, do một lượng vốn không nhỏ đã được rót vào doanh nghiệp của các cổ đông ngân hàng trong những năm qua.

Điểm tích cực là mức tăng trưởng 3,79% nói trên vẫn cao hơn mức tăng 3,36% so với cùng kỳ đến giữa tháng 6 năm ngoái; tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng cải thiện dần qua các tháng, và doanh số tín dụng mà các TCTD đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm cao hơn hơn doanh số của cùng kỳ ba năm trước.

Nếu nhìn vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra ở mức 14-15% cho năm 2024, kết quả tăng trưởng khiêm tốn từ đầu năm đến nay tất yếu sẽ dồn gánh nặng sang nửa cuối năm, đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn đối với ngành ngân hàng. Cũng cần biết rằng, việc dồn tăng trưởng vào những tháng cuối năm sẽ không hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng kinh tế, cũng như chỉ có tác động hạn chế lên kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong năm.

985904905.jpg

Tìm lời giải

Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, NHNN có lẽ phải sớm tìm kiếm và triển khai các giải pháp hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ổn định và cân bằng qua các tháng. Một trong những giải pháp mà lãnh đạo NHNN đã nêu ra là ngân hàng nào không cho vay được thì điều chuyển hạn mức tín dụng sang ngân hàng khác. Vì khác với những năm trước, ngay từ đầu năm nay, NHNN đã giao hết hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại, do đó nhà băng nào chưa tăng trưởng được có thể bị rút lại hạn mức để điều chuyển.

Số liệu thống kê cho thấy tăng trưởng tín dụng đang có sự phân hóa khá lớn, trong đó tăng trưởng tín dụng còn thấp tại một số địa phương cũng như có những TCTD tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm.

Song song đó, thời gian qua, NHNN cho biết đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ hoàn thiện cơ chế, chính sách đến chỉ đạo điều hành hoạt động tín dụng, lãi suất, đẩy mạnh giải ngân các chương trình, chính sách tín dụng. Đặc biệt, nâng quy mô gói tín dụng lâm sản, thủy sản lên 30.000 tỷ đồng và đang đề xuất sửa đổi chương trình 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội theo hướng ưu đãi hơn.

Tuy nhiên, thực tế là thời gian qua, khi đã tái cơ cấu nợ cho khách hàng thì các nhà băng lại không dám cho những khách hàng này vay thêm vì e ngại phát sinh thêm nợ xấu. Đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng, vì giai đoạn trước các ngân hàng thường cho vay lại để trả nợ cũ và lãi vay phát sinh, nên khoản vay sau luôn lớn hơn khoản vay trước. Vì vậy, đây sẽ là một vấn đề cần phải giải quyết, nhằm giúp doanh nghiệp đã được tái cơ cấu nợ vẫn có thể tiếp cận tín dụng để phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Lãi suất cho vay thời gian qua cũng đã giảm nhiều so với giai đoạn trước, nhưng việc kéo giảm thêm lãi suất cho vay vẫn là mục tiêu chủ chốt để thúc đẩy tín dụng. Theo đó, ngành ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động bằng cách tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Một thách thức hiện nay là mặt bằng lãi suất đầu vào đang tăng trở lại, do đó cũng sẽ khiến nhiệm vụ giảm lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn.

NHNN cho rằng, với 95% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ nên cần có những giải pháp hỗ trợ tăng cường, ví dụ, bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng có thể sẽ thúc đẩy tín dụng tăng trưởng. Với tình trạng nhiều doanh nghiệp hiện nay không còn tài sản đảm bảo hoặc nếu có cũng bị suy giảm giá trị, cần thiết phải nhanh chóng cải cách các điều kiện tín dụng, hạn chế dần việc ngân hàng cho vay mà chỉ nhìn vào tài sản đảm bảo thay vì là phương án kinh doanh để quyết định.

Ngày 18/6/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP yêu cầu các cơ quan, ban ngành phải tập trung tháo gỡ ngay những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý cho sản xuất, kinh doanh theo thẩm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lời giải cho tăng trưởng tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO