Lo ngại bị trừng phạt, Trung Quốc tìm cách tự cường

Khả Hân| 11/05/2022 06:00

Trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine tăng nhiệt, mà mới đây nhất Hội đồng Bảo an đã lần đầu ra tuyên bố về Ukraine, giới quan sát cho rằng Bắc Kinh có thể đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt trong trường hợp gia tăng đối đầu với Washington.

Nguy cơ bị trừng phạt?

Bất chấp cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã kéo dài trong suốt 4 năm qua, chưa bao giờ Washington công khai khả năng trừng phạt Trung Quốc bằng các biện pháp nặng tay như trục xuất khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT hay đóng băng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, sau khi Nga trở thành mục tiêu trừng phạt của phương Tây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phải xem xét những nguy cơ tiềm tàng nếu muốn hỗ trợ Moscow.

So với Nga, Trung Quốc là nền kinh tế lớn gấp 10 lần và gắn bó chặt chẽ với hệ thống kinh tế toàn cầu, nên nếu bị trừng phạt sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn. Quốc gia này phụ thuộc chủ yếu vào ngoại thương cũng như sở hữu kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, trị giá khoảng 3.250 tỷ USD, được lưu trữ phần lớn ở Mỹ và châu Âu.

Dù vậy, là nền kinh tế lớn thứ hai và được xem là công xưởng của thế giới, Trung Quốc đã tạo dựng thành công một chỗ đứng vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trung Quốc hiện cung cấp 1/3 lượng hàng dệt may của thế giới, hơn 27% thiết bị điện tử và gần 20% máy móc các loại. Trung Quốc cũng gần như là nhà xuất khẩu đất hiếm duy nhất để sản xuất từ kính nhìn đêm cho đến pin xe điện.

Trung Quốc lo ngại bị trừng phạt giống Nga

Trung Quốc lo ngại bị trừng phạt giống Nga

Do đó, giới phân tích cho rằng sẽ cực kỳ khó khăn, thậm chí không thể, nếu hơn 120 quốc gia và khu vực, bao gồm cả Mỹ, cắt đứt hoàn toàn quan hệ với đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc. Nếu các biện pháp trừng phạt tương tự được áp dụng với Trung Quốc, hậu quả sẽ ảnh hưởng đến cục diện chung. Trung Quốc có lượng lớn tài sản ở Mỹ và châu Âu nhưng ngược lại cũng vậy. Do đó, các chuyên gia phân tích tin rằng sẽ khó có một sự leo thang mạnh mẽ và đột ngột. Nếu các động thái chống lại Nga được áp dụng với Trung Quốc, không ngoại trừ khả năng đồng minh của Mỹ sẽ từ chối làm theo.

Dù vậy, Bắc Kinh hiện vẫn phải làm mọi thứ trong khả năng để đảm bảo không bị loại khỏi SWIFT. Bên cạnh đó, theo giới phân tích, để đề phòng nguy cơ bị cô lập như những gì phương Tây đang làm với Nga, Trung Quốc đang nỗ lực củng cố khả năng tự cường cho nền kinh tế. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây thường xuyên sử dụng thuật ngữ "tự lực cánh sinh" thời Mao Trạch Đông để mô tả chiến lược phòng vệ cốt lõi của Trung Quốc.

Tìm cách tự cường

Tại phiên khai mạc kỳ họp thường niên Quốc hội Trung Quốc vào đầu tháng 3 vừa rồi, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết nước này hướng ưu tiên vào việc bảo đảm chuỗi công nghiệp và những bước tiến về công nghệ. Giới hoạch định chính sách Trung Quốc cũng nhấn mạnh yêu cầu về tự cường trong ưu tiên kinh tế của năm 2022.

Trung Quốc đã yêu cầu các bộ ngành  kiểm tra khả năng chịu đựng, trong đó cần chỉ ra hậu quả của một tình huống bị trừng phạt về kinh tế. Cuộc kiểm tra đã bắt đầu vào cuối tháng 2 vừa qua và một số cơ quan chính phủ chủ chốt được giao nhiệm vụ xây dựng phương án ứng phó với những hạn chế tiềm tàng của phương Tây.

Trung Quốc gần đây đã đầu tư hàng tỷ USD cho công nghệ sản xuất chất bán dẫn, tăng cường tích trữ ngũ cốc và dầu mỏ, cũng như thiết lập các mối liên kết quốc tế cho hệ thống tài chính của họ. Trung Quốc cũng sẽ tăng sản lượng đậu tương, dầu thực vật.

Trung Quốc đã yêu cầu các bộ ngành kiểm tra khả năng chịu đựng, trong đó cần chỉ ra hậu quả của một tình huống bị trừng phạt về kinh tế. Cuộc kiểm tra đã bắt đầu vào cuối tháng 2 vừa qua và một số cơ quan chính phủ chủ chốt được giao nhiệm vụ xây dựng phương án ứng phó với những hạn chế tiềm tàng của phương Tây.

Bắc Kinh đang tìm cách tăng kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trên lãnh thổ nhằm tránh rút vốn ồ ạt dưới sức ép của Mỹ. Nước này cũng tăng cường phòng thủ pháp lý trước áp lực kinh tế từ bên ngoài. Một trong số đó là Trung Quốc ra luật chống trừng phạt nước ngoài, nhằm cung cấp cơ sở pháp lý để trả đũa các cá nhân hoặc công ty làm tổn hại lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, công nghệ cao như chất bán dẫn là điểm yếu lớn nhất, khi Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào Mỹ, với 1/4 hàng công nghệ xuất khẩu của Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài. Dù Trung Quốc đủ khả năng tự sản xuất pin mặt trời hay pin xe điện, nhưng vẫn phụ thuộc vào nước ngoài trong các công nghệ tiên tiến như sản xuất động cơ phản lực cho máy bay hoặc các phần mềm vận hành thiết bị sản xuất chất bán dẫn.

Chính phủ Trung Quốc đầu năm nay thông báo sẽ khuyến khích các công ty hàng đầu thiết lập ổn định và an toàn các chuỗi công nghệ và cung ứng, hối thúc các hãng chế tạo chip nội địa mở rộng tiềm lực theo "một cách thức có trật tự".

Trung Quốc dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị chuyên đề với các công ty công nghệ lớn trong nước do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì. Kế hoạch này đã làm dấy lên hy vọng về việc Bắc Kinh sẽ dừng thắt chặt kiểm soát lĩnh vực công nghệ, cũng như thiết kế các biện pháp cụ thể để hỗ trợ ngành này và trao cho các nền tảng Internet vai trò lớn hơn trong nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lo ngại bị trừng phạt, Trung Quốc tìm cách tự cường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO