Liệu Ngân hàng Nhà nước có đang quá thận trọng trong chính sách điều hành kinh tế? Câu trả lời có thể là đúng nếu nhìn vào diễn biến nền kinh tế trong vài tháng qua.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số công nghiệp trong 2 tháng đầu năm nay đã tăng tới 12% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình 7,6% năm trước. Do lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỉ trọng lớn thứ hai trong cơ cấu GDP sau lĩnh vực dịch vụ, nên sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực này sẽ tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế trong năm nay.
Tính chung 2 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,7% (giá trị thực), cũng cao hơn mức tăng 6,2% của cùng kỳ năm 2014.
Tất cả những điều này cho thấy nền kinh tế đã khởi sắc hơn trước khá nhiều. Và nếu các nhà điều hành chính sách hành động quyết liệt hơn, tốc độ tăng tốc của nền kinh tế sẽ còn rõ nét hơn nữa, thay vì chỉ hướng tới mục tiêu “khá khiêm tốn” 6,2% cho năm nay.
Nói khiêm tốn là vì điều kiện kinh tế năm nay đã khác nhiều so với các năm trước. Nền kinh tế đã ổn định hơn, hệ thống ngân hàng vững chắc hơn. Ngoài ra, việc giá dầu sụt giảm mạnh là thời cơ rất thuận lợi để Việt Nam có thể triển khai các công cụ hỗ trợ tăng trưởng, cũng như tiếp tục đường lối cải cách kinh tế mà không sợ lạm phát tăng mạnh trở lại.
Trên thực tế, nền kinh tế thế giới đang diễn biến khá phức tạp với sự tăng trưởng không đồng đều giữa các quốc gia. Trong khi kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục khả quan thì khu vực đồng euro, Nhật và Trung Quốc đều chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc. Đây là những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Và điều này đã được phản ánh phần nào qua con số xuất khẩu 2 tháng đầu năm đã chậm lại đáng kể khi chỉ tăng 8,6% so với mức tăng hai con số của năm ngoái. Do đó, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc giảm lãi suất hơn nữa có thể sẽ giúp họ giảm bớt gánh nặng chi phí, tăng khả năng cạnh tranh về giá trên thị trường thế giới.
Trong khi đó, một nỗi lo đang ngày càng lớn hơn là liệu Việt Nam sẽ rơi vào giảm phát. Lạm phát đã liên tục giảm từ mức 5,54% tháng 1 năm ngoái xuống chỉ còn 0,34% vào tháng 2 năm nay. Liệu con số quá thấp này là một dấu hiệu cảnh báo?
Theo đánh giá mới đây của Ngân hàng HSBC, lạm phát của Việt Nam nhiều khả năng sẽ chỉ dao động dưới 1% trong vòng 5 tháng tới. Với lãi suất trên thị trường mở (OMO) đang ở mức 5%, lãi suất thực (OMO - CPI) đang ở mức cao nhất kể từ năm 2009 đến nay. Và điều này thực sự mở ra cơ hội để Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện việc giảm lãi suất, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và đầu tư của nền kinh tế.
Lãi suất OMO và lạm phát các quý gần nhất |
Theo HSBC, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam vẫn đang khá yếu dù đã được cải thiện. Chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) tháng 2 cũng chỉ nhích lên một cách khiêm tốn. Điều này có nghĩa là nếu Ngân hàng Nhà nước cắt giảm mạnh lãi suất thì cũng không lo lạm phát sẽ quay trở lại vì nhu cầu vẫn đang yếu và sản lượng sản xuất vẫn dưới mức tiềm năng.
Hiện bên cạnh Việt Nam, một số quốc gia trong khu vực cũng đã cắt giảm lãi suất khá mạnh để kích thích tăng trưởng. Giữa tháng 2, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, xuống còn 7,5%, lần cắt giảm đầu tiên trong 3 năm qua. Nước này đồng thời cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 lên mức 5,45% từ mức kỳ vọng 5,3% trước đó.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mới đây cũng đã cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lần cắt giảm thứ hai liên tiếp chỉ trong vòng 3 tháng qua để hỗ trợ tăng trưởng. Một nền kinh tế lớn khác trong khu vực là Ấn Độ cũng có bước đi tương tự.
Hãy quay trở lại với trường hợp của Việt Nam. Có lẽ Ngân hàng Nhà nước cũng đang chăm chú theo dõi diễn biến để có bước đi phù hợp.
Bên cạnh lạm phát đang hỗ trợ tốt cho khả năng giảm lãi suất thì những rủi ro về việc tăng lãi suất của đồng USD trong thời gian tới cũng điều mà Ngân hàng Nhà nước đang cân nhắc.
Ngoài ra, việc Chính phủ dự định hút một lượng vốn lớn không qua kênh trái phiếu chính phủ trong năm nay cũng là yếu tố sẽ hạn chế bớt khả năng giảm lãi suất. Vì vậy, theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chính sách tiền tệ và tài khóa của Việt Nam nên được phối hợp nhịp nhàng hơn để có thể kéo lãi suất xuống, giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.
Trong phiên họp thường kỳ tháng 2, người đứng đầu chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh hạ lãi suất để đảm bảo lãi suất cho vay phù hợp, bên cạnh yêu cầu phải xử lý hiệu quả nợ xấu và sắp xếp lại các ngân hàng yếu kém. Xét các yếu tố trong và ngoài nước hiện nay, liệu đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước hành động mạnh tay.
>Hạ lãi suất, tín dụng có tăng?
>Hạ lãi suất, nhưng không kích cầu thì DN vẫn khó