Mục đích thật sự của Mỹ khi trừng phạt Iran
Thật ra lệnh trừng phạt vừa qua là giai đoạn 2 của một loạt lệnh trừng phạt mà Mỹ nhắm vào Iran, kể từ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận về hạt nhân với Iran vào ngày 9/5/2018. Trước đó, các biện pháp hạn chế ở các lĩnh vực sản xuất ô tô, mua bán vàng và một số kim loại của Iran đã được thực thi từ đầu tháng 8.
Còn lệnh trừng phạt lần này tác động lên các lĩnh vực vận tải biển, ngân hàng và đặc biệt là năng lượng, theo đó cấm vận xuất khẩu dầu mỏ của Iran bằng cách xử phạt những quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran, cũng như các công ty nước ngoài hợp tác với các thực thể Iran bị liệt vào danh sách đen, bao gồm ngân hàng trung ương nước này, một số công ty tài chính tư nhân và các công ty tàu biển nhà nước.
Lý do tái áp đặt các lệnh trừng phạt được Chính phủ Mỹ đưa ra là nhằm gây sức ép lên kinh tế Iran, vốn phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu dầu mỏ, từ đó không chỉ buộc Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa mà còn nhằm cắt đứt nguồn tài chính của Chính phủ Iran đã được sử dụng để hỗ trợ cho các lực lượng đối lập tại Yemen, Syria, Lebanon và các khu vực khác ở Trung Đông.
Tuy nhiên, các nước khác tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran, bao gồm cả các thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) thì lại cho rằng Iran đã tôn trọng những điều khoản đã được ký. Chính vì vậy, động cơ của việc Mỹ tái trừng phạt Iran có thể không như những gì mà các quan chức nước này tuyên bố.
Đầu tiên là kể từ khi Thỏa thuận về hạt nhân với Iran (JCPOA) có hiệu lực sau ngày 1/1/2016, sản lượng dầu ở Iran tăng lên 4 triệu thùng/ngày và xuất khẩu đạt 2,5 triệu thùng/ngày, trong số những quốc gia nhập khẩu dầu từ Iran nhiều nhất hiện nay thì Trung Quốc là nước đứng đầu, khi mà nền kinh tế nước này phụ thuộc rất lớn vào lượng dầu nhập khẩu.
Chính vì vậy, không loại trừ khả năng Mỹ cấm vận Iran chính là nhằm gây khó khăn lên việc nhập khẩu dầu của Trung Quốc, từ đó khiến kinh tế nước này suy yếu bên cạnh cuộc chiến thương mại vẫn đang tiếp tục triển khai suốt thời gian qua. Trung Quốc cũng lên tiếng thể hiện sự lo ngại về chính sách trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran, đồng thời khẳng định các hợp tác thương mại hợp pháp của nước này với Iran cần được tôn trọng.
Thứ hai là với sản lượng dầu đá phiến của Mỹ ngày càng tăng cao thì việc cắt đứt nguồn cung từ Iran không chỉ sẽ giúp giữ giá dầu ở mức cao để mang lại lợi nhuận cho các công ty sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, mà còn tạo cơ hội cho những công ty này giành thêm thị phần từ khoảng trống mà Iran bỏ lại.
Thử nghĩ đến tình huống một lúc nào đó Bắc Kinh buộc phải từ bỏ nguồn cung từ Iran và phải nhập khẩu dầu từ Mỹ hoặc các nước đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), thì rõ ràng kinh tế Trung Quốc gần như đã trở thành con tin bị kiểm soát, và Mỹ có thể dùng dầu mỏ như là một vũ khí dễ dàng gây sát thương lên kinh tế Trung Quốc bất cứ khi nào muốn.
Vì sao giá dầu vẫn không thể tăng?
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người khó hiểu là tại sao giá dầu vẫn không thể đi lên sau lệnh trừng phạt của Mỹ như đa số dự báo trước đó, thậm chí còn đi xuống, được đánh dấu bằng mức giảm 20% so với mức đỉnh đạt được ngày 3/10.
Để lý giải vấn đề này, có một số nguyên nhân sau.
Thứ nhất là các nước châu Âu vẫn giữ thỏa thuận hạt nhân và đã tìm cách bảo vệ các công ty của họ tiếp tục giao dịch với Iran như đã nói, thậm chí EU còn có kế hoạch thiết lập một cơ chế thanh toán - cơ chế đặc thù cho phép các công ty này tránh được hệ thống tài chính của Mỹ khi giao dịch.
Thứ hai là chính quyền Mỹ cũng đã đồng ý nhượng bộ đối với 8 quốc gia để họ tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran và bỏ qua lệnh trừng phạt, trong số đó có những đồng minh tại châu Á của Mỹ như Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc, thậm chí ngay cả Trung Quốc mỗi ngày vẫn còn mua tạm thời 360.000 thùng dầu của Iran, và giới phân tích dự báo Trung Quốc sẽ tìm cách tiếp tục gia tăng lượng dầu mua từ Iran.
Thứ ba là bất chấp áp lực từ phía Mỹ, Tổng thống Iran là Hassan Rouhani cho biết nước này sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu. Theo đó, Công ty Dầu khí quốc gia Iran đã bán dầu thô cho các công ty tư nhân mà sau đó sẽ bán cho những khách hàng giấu danh tính ở nước ngoài như là một cách để né lệnh cấm vận.
Chẳng những vậy, Iran có thể đã vận chuyển hàng triệu thùng dầu thô đến các kho chứa ngoại quan tại nước ngoài trước khi lệnh cấm có hiệu lực. Như trong đợt cấm vận mới đây nhất vào năm 2014, Iran đã lưu trữ dầu trong các kho ở Đại Liên (Trung Quốc), sau đó bán cho khách hàng ở Hàn Quốc và Ấn Độ.
Và cuối cùng là dù nguồn cung từ Iran bị ảnh hưởng, nhưng sản lượng dầu tại Mỹ và OPEC gần đây lại liên tiếp tăng. Thống kê mới nhất cho thấy sản lượng dầu của Mỹ đã vượt Nga (11,4 triệu thùng/ngày) và Ả rập Xê út (10,7 triệu thùng/ngày), khi trong tuần gần nhất vọt lên mức kỷ lục 11,6 triệu thùng/ngày, tăng 2 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, và theo dự báo sẽ tăng lên mức trung bình 12,1 triệu thùng/ngày vào năm tới. Trong khi đó, dữ liệu từ Baker Hughes cũng cho thấy số giàn khoan dầu tại Mỹ trong tuần qua tăng thêm 12 giàn, lên 886 giàn.
Đà tăng mạnh sản lượng dầu của Mỹ đã khiến các thành viên và đồng minh của OPEC trở nên sốt ruột và có thể phải sớm hành động. Theo đó, Ả-rập Xê-út - quốc gia có sức ảnh hưởng lớn nhất trong OPEC và Nga đã nhất trí nâng sản lượng để bù đắp cho số lượng dầu bị giảm từ Iran. Như vậy, trong khi nguồn cung từ Iran chưa có dấu hiệu sụt giảm mạnh sau lệnh trừng phạt, thì nguồn cung của Mỹ, OPEC và Nga đã sớm tăng vọt, do đó giá dầu không thể ngóc đầu lên cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên.