Hiện nay, tại Hội An vẫn còn nhà thờ tổ nghề lồng đèn. Tổ nghề là ai? Câu hỏi không dễ dàng trả lời được ngay. Nhưng chắc chắn đó là những bậc tiền hiền đã có công đến khai phá xã Cẩm Phô, làng Minh Hương và để lại cho đời sau nghề làm lồng đèn. Cho dù mảnh đất này trải qua thăng trầm với sự hiện diện của người Nhật Bản, Trung Hoa, nhưng nét truyền thống của người Việt vẫn đậm đà. Cụ thể như qua tạo hình chiếc lồng đèn để góp phần làm nên diện mạo của một địa danh đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.
Trong những ngày lễ hội văn hóa truyền thống, cả Hội An tắt hết đèn điện để lấy ánh sáng từ những chiếc lồng đèn rực rỡ sắc màu. Lúc ấy, Hội An huyền ảo lạ lùng, như sống lẫn lộn giữa hiện tại và quá khứ. Dù đang trong thế kỷ XXI với biết bao tiện nghi hiện đại, nhưng lạ thay, trước mắt lại là những con người ăn mặc, trò chuyện, sinh hoạt như mới bước ra từ mấy trăm năm trước. Lúc ấy, ánh sáng từ chiếc lồng đèn quyện vào ánh trăng lung linh khiến hồn ta nhẹ nhõm lạ thường.
Điều hấp dẫn du khách từ phương xa đến Hội An khi những chiếc đèn lồng ấy đều được làm bằng bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ, chứ không qua bất cứ một phương tiện hiện đại nào. Mẫu mã thì vô cùng đa dạng và phong phú. Từ lồng đèn bánh ú truyền thống họ đã “biến hóa” thành lồng đèn mang hình trái bưởi, trái dưa, quả bí... Thậm chí còn có cả lồng đèn mang hình chùa Cầu nổi tiếng trong kiến trúc Hội An.
Các loại lồng đèn có thể nhỏ nhắn với đường kính 15 phân, nhưng cũng có thể lớn gấp nhiều lần với đường kính nửa mét hoặc lớn hơn nữa. Từ những nan tre thật dẻo, sau khi lên khuôn, người ta bọc bằng vải gấm hoặc bằng giấy với nhiều sắc màu khác nhau, nhưng những chiếc lồng đèn ấy không chỉ là lồng đèn đơn thuần mà nó còn cho ta biết những nhân vật từng đi vào tâm thức người Việt như Lã Vọng hay Bát Tiên trong thần thoại Trung Hoa, hoặc trên đó là chữ “Chúc phúc”, “Cát tường”... để tặng nhau, thay cho lời cầu chúc, một nỗi niềm được gửi gắm.
Không những thế, trong dịp Xuân về Tết đến, tâm trí của bất cứ người Việt nào cũng lưu giữ hình ảnh con tò he. Nó đã đi vào ca dao rất dí dỏm:
Tò he bà bán mấy đồng
Tôi mua một chiếc cho chồng tôi chơi
Chồng tôi lên chín, lên mười
Nó chê chút chít, nó đòi tò he
Đó là những con vật xinh xắn như chó, mèo, trâu, rồng... hoặc thằng bé cưỡi trâu, ngôi chùa cổ kính... dành cho trẻ con. Tất cả làm bằng đất sét và bên ngoài phết một lớp bột màu nâu. Chỉ thế thôi nhưng con vật ngộ nghĩnh ấy có sức sống lâu bền trong nhiều thế hệ - nhất là những ai từng sống ở nông thôn. Trong những phiên chợ Tết hoặc trong các dịp lễ hội, các bà mẹ đi chợ về chỉ cần mua làm quà cho con một vài con tò he là con sung sướng lắm. Bởi lẽ, ở con tò he bằng đất, nghệ nhân đã khéo léo “cấu trúc” một “cái còi” nhỏ. Đứa trẻ cầm con tò he và có thể thổi một hơi dài, phát ra âm thanh rộn rã đáng yêu vô cùng.
Năm tháng đi qua, tuổi đời chồng chất, nhưng chắc chắn âm thanh ấy không bao giờ phai trong ký ức nhiều người. Hiện nay, nhiều địa phương vẫn còn lưu giữ được nghề truyền thống này. Chẳng hạn, ở Bắc Bộ có làng Xuân La, huyện Phú Xuyên, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) là một thí dụ, nhưng lại khác ở Quảng Nam là nghệ nhân nặn tò he bằng bột từ gạo nếp trộn chung với gạo tẻ và nhuộm đủ màu.
Vui Tết, chơi Xuân bao giờ ta cũng nhớ đến:
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Nhiều làng nghề như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh Làng Sình... hiện nay vẫn còn “sống được”. Vì rằng, nói như PGS-TS. Trang Thanh Hiền, đấy còn là một nét đẹp của văn hóa: “Tranh Tết là một nét đẹp không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt vào mỗi dịp Xuân về... Mỗi bức tranh không chỉ là sự kết hợp hài hòa, sắc sảo của cách nhìn và quan niệm về thế giới, mà còn là biểu trưng của tinh hoa và kỹ thuật dân gian điêu luyện, còn là sự tinh tế trong thẩm mỹ, là thông điệp ước vọng nhân sinh”.
Đã ngày Tết thì trên bàn thờ tổ tiên, ông bà không bao giờ vắng nhang khói, trầm hương. Truyền thống làm hương của các làng nghề nay vẫn còn, như làng nghề Quán Hương ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đã tồn tại hàng trăm năm, nét độc đáo vẫn là nguyên liệu pha trộn với bột quế và bột vỏ cây bời lời để tạo nên mùi hương đặc trưng. Ở ngoài Bắc, nhiều làng làm hương lại sử dụng dược liệu như đại hoàng, xuyên khung, cam thảo, đinh hương...
Khó có thể liệt kê hết các làng nghề truyền thống của người Việt. Làng nghề chính là giá trị vật chất cụ thể đã phản ánh văn minh của cư dân từ Nam chí Bắc. Dù ý thức là vậy nhưng một số làng nghề khó lưu giữ mãi khi mà xã hội đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, ta có những làng nghề mà bằng mọi cách phải giữ lại cho dù sản xuất, kinh doanh không còn như trước nữa. Nói thế nghe khó lọt tai, vì ai cũng biết đã kinh doanh thì phải hiệu quả trong khi đó có những ngành nghề không còn ưu thế như trước, vậy giữ lại làm gì! Thì cứ cho là thế, nhưng sự xuất hiện làng nghề trong đời sống, nghĩ cho cùng, ngoài yếu tố về kinh tế, qua đó nó còn phản ánh đời sống tinh thần lẫn vật chất của người Việt.
Vậy nên, một khi giữ lại những làng nghề đã có thương hiệu bền vững theo thời gian như làng gốm Bát Tràng, Thổ Hà, Chu Đậu, làng lụa Hà Đông, làng thúng Phú Yên, làng khảm trai Chuôn Ngọ, làng nón Huế... chính là giữ gìn những “bảo tàng sống” cho đời sau và thu hút khách du lịch. Văn hóa trong kinh doanh chính là đây. Gìn giữ bản sắc văn hóa cũng chính là đây.
Với các làng nghề đang tồn tại và phát triển, tất nhiên các nghệ nhân phải “tự thân vận động”, nhưng vẫn chưa đủ. Ý nghĩa về sự phát triển lâu bền còn cần tuyên truyền nhiều hơn nữa ý thức “người Việt dùng hàng Việt”. Yêu nước cũng chính là từ hành động cụ thể này, chứ nào phải đâu xa...