Tại DN, họ củng cố sản xuất, cố gắng chăm lo đời sống cho người lao động theo phương thức mới với muôn trùng khó khăn. Ngoài xã hội, rất nhiều doanh nhân không chỉ đóng góp tài lực, trang thiết bị y tế, sản phẩm... mà còn tạm gác niềm riêng, trực tiếp xông pha vào các hoạt động thiện nguyện. Câu chuyện kể về ba doanh nhân dưới đây cho chúng ta một góc nhìn thật đẹp về con người, khi họ không quản công sức giúp đỡ cộng đồng theo cách riêng của mình.
Bà Trần Thị Mỹ Dung - Giám đốc Công ty Tân Việt Mỹ: Tự mang bình oxy cấp cứu F0
Đại diện Công ty Tân Việt Mỹ tặng Mặt trận Tổ quốc, Sở Y tế TP.HCM trang thiết bị phòng, chống dịch |
“Có hôm mang bình oxy đến cho F0, nhà nằm trong hẻm nhỏ, bình oxy lại nặng, vừa bê vừa thở hổn hển, tôi thoáng nghĩ tại sao mình phải làm việc này nhưng rồi nghĩ đến người bệnh, tôi như được tiếp thêm động lực”, bà Trần Thị Mỹ Dung - Giám đốc Công ty Tân Việt Mỹ bộc bạch.
Là doanh nghiệp kinh doanh trang thiết bị y tế, Tân Việt Mỹ được phép hoạt động trong suốt mùa dịch Covid-19. Tuy nhiên, từ lúc Thành phố siết chặt giãn cách, chỉ 1/3 nhân sự của công ty được phép làm việc trực tiếp, số còn lại chuyển sang hình thức làm việc từ xa, áp lực đè nặng lên vai người lãnh đạo. Bà Dung kể, công ty nhận thi công, lắp đặt máy thở, máy lọc máu cho các bệnh viện (BV) dã chiến, tình hình căng thẳng, thời gian gấp rút song công nhân rất ít, vật liệu thi công khó mua và quá trình vận chuyển cũng không dễ dàng.
“DN trong bối cảnh dịch Covid-19 như con thuyền ra khơi gặp giông bão. Cách duy nhất chúng tôi có thể làm là đồng lòng để vượt qua. Dù khó khăn nhưng Tân Việt Mỹ vẫn bảo đảm hoàn thành các đơn hàng tại BV dã chiến, sẵn sàng đồng hành cùng Nhà nước chống dịch theo năng lực của mình”.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt trong đợt dịch lần thứ tư, bà Dung đã luôn đồng hành cùng Sở Y tế, Mặt trận Tổ quốc TP.HCM và UBND Q.8 bằng việc tặng trang thiết bị y tế, túi an sinh và thực phẩm với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng. Đặc biệt, khi có F0 kêu cứu cần bình oxy, bà Dung không quản xa xôi, không màng vị trí là chủ một công ty, cũng chẳng cần biết người cần oxy có khả năng chi trả hay không, lái xe mang đến.
Vì với bà, khi đối diện với sinh tử thì chẳng có gì quý hơn tính mạng. Còn người là còn hy vọng. Còn hy vọng là còn tất cả. Một số trường hợp bệnh nhân cần thuốc, người nhà không thể ra đường cũng chẳng biết nhờ ai giúp đỡ, bà Dung cũng chẳng nề hà dang tay giúp họ.
Những công việc khác từ mua vật liệu, in ấn giấy tờ đến đi giao hàng, chuẩn bị từng túi thuốc an sinh - thường ngày ở vị trí chủ DN không bao giờ phải làm, vậy mà, trong mùa dịch do sự giãn cách, bà Dung phải tự làm hết tất cả rồi cũng xong.
“Nhiều hôm tiếp xúc với F0, tôi đành ngủ lại công ty vì sợ lỡ có gì ảnh hưởng đến gia đình. Tôi thấy mình thật khổ sở, không hiểu sao lại phải làm như thế. Ý nghĩ bỏ cuộc nhen nhóm không dưới một lần. Vừa mệt mỏi về thể xác vừa đấu tranh tâm lý nhưng rồi tôi vẫn cứ miệt mài đi tới. Cứu doanh nghiệp, cứu những nhân viên gắn bó với mình đã đành mà còn vì cứu người nữa. Tôi có cơ hội thì tại sao lại khước từ?”, bà Dung chia sẻ.
TP.HCM đang bước vào giai đoạn nỗ lực phục hồi kinh tế, từng bước mở cửa, Công ty Tân Việt Mỹ cũng bắt đầu trở lại trạng thái hoạt động bình thường. Vấn đề bà Dung quan tâm nhất hiện nay là an toàn sản xuất, bảo đảm tinh thần, sức khỏe cho nhân viên.
Dù phía trước vẫn còn nhiều việc phải lo toan cho DN, thế nhưng bà Dung vẫn trong tư thế sẵn sàng chia sẻ, bà nói: “Tôi biết, Thành phố đang trải qua một cơn bạo bệnh. Người dân vẫn còn nhiều lo toan về cái ăn, cái mặc, việc làm, cho nên trong khả năng có thể, tôi và công ty sẽ thực hiện thêm nhiều hoạt động thiện nguyện, chỉ hy vọng sẻ chia phần nào nỗi ưu phiền đó. Với tôi, DN và Nhà nước luôn song hành cùng phát triển. Khi đất nước yên bình, doanh nhân làm kinh tế, khi đất nước cần doanh nhân sẽ hỗ trợ. Được làm những việc có ích cho cộng đồng, tôi luôn thấy tim mình ấm áp và hạnh phúc”.
Bà Ngô Thị Ngọc Vân - CEO Công ty TNHH Y tế Đại Phước: Góp phần tăng tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân
BS. Ngô Thị Ngọc Vân - Giám đốc điều hành Phòng khám Đa khoa Đại Phước (đứng giữa) |
Vào ngày 2/10/2021, số dân trên 18 tuổi hoàn thành 2 mũi vaccine phòng Covid-19 tại Q.11 đạt mức 94,01%. Đây là quận đầu tiên ở TP.HCM cơ bản hoàn thành việc bao phủ vaccine cho người dân. Trong niềm vui đó, BS. Ngô Thị Ngọc Vân - Giám đốc điều hành Phòng khám Đa khoa Đại Phước mới có thể nở nụ cười sau 5 tháng căng thẳng.
Đầu tháng 5, khi TP.HCM bắt đầu thực hiện Chỉ thị 15 cũng là lúc BS. Vân và các cộng sự xuống đường phát thức ăn cho người lang thang cơ nhỡ. Sau một thời gian thực hiện, BS. Vân nhận thấy nếu chỉ lo thực phẩm mỗi ngày cho người dân vẫn chưa đủ, điều cần hơn cả là tất cả mọi người cần được bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm.
“Đại Phước có đủ nội lực để giúp Thành phố và người dân chống dịch và tham gia vào phong trào tiêm vaccine. Đây sẽ là mũi nhọn chủ lực để phòng khám chống dịch. Ý nghĩ này đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi để chuẩn bị đội ngũ y tế gồm 40 bác sĩ và các nhân viên điều dưỡng cùng lên đường chống dịch”, BS. Vân kể lại quyết định của mình ngày đó.
Nghĩ là làm, BS. Vân thuê xe và mang vật tư y tế, cùng đội ngũ Đại Phước lên đường tư vấn và tiêm vaccine tại Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước. Tại đây, đang có 4 y bác sĩ của phòng khám tư vấn chữa trị cho người lao động bị nhiễm F0. Khoảng thời gian đó, BS. Vân chạy như con thoi giữa KCN và Q.11 vì bà cùng một số y bác sĩ của phòng khám cũng tham gia giúp quận tiêm phòng cho người dân. Đội ngũ y bác sĩ Đại Phước đã tự nguyện tham gia công việc tại 16 điểm tiêm của Q.11 trong đợt 6 và 7.
Bên cạnh số nhân viên làm việc trực tiếp tại KCN và các điểm tiêm phòng của quận, một số nhân viên y tế còn lại của Đại Phước đã nhận tư vấn trực tuyến miễn phí cho 25.000 người tham gia BHYT tại phòng khám. Trong quá trình làm việc tại KCN và các điểm tiêm phòng, đã có 2 bác sĩ và 10 nhân viên y tế của Đại Phước nhiễm Covid-19 và BS. Vân đã hỗ trợ họ cùng người thân từ bữa ăn đến chi phí chữa trị, giúp tất cả đều vượt qua cơn bệnh và mạnh khỏe trở lại.
Thời gian giãn cách, dù phòng khám phải đóng cửa, các nhân viên y tế đều tự nguyện tham gia chống dịch cũng được BS. Vân trả lương đầy đủ, ngân sách của Đại Phước thâm hụt trên mấy tỷ đồng. Mặc dù vậy, BS. Vân và nhân viên y tế ở Đại Phước cảm thấy tự hào khi có thể dùng sự hiểu biết của nghề nghiệp giúp đỡ cộng đồng nhiều nhất có thể. BS. Vân cho rằng, công việc thiện nguyện trong đại dịch còn là trách nhiệm của DN đối với chính quyền và xã hội.
Trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, BS. Vân cùng chồng - cũng là một bác sĩ - đã đưa các con về quê để có thể cùng nhau lao vào “cuộc chiến”. Bà tâm sự: “Gia đình chúng tôi và Đại Phước mong Thành phố trở lại trạng thái bình thường mới càng nhanh càng tốt. Khi mọi người đã tiêm đủ vaccine, tỷ lệ nhập viện và tử vong xuống thấp, các DN trở lại hoạt động bình thường, nền kinh tế vực dậy và hàng triệu người lao động lại có việc làm. Quan trọng hơn, chúng tôi thấy người Việt được khỏe mạnh. Trong đại dịch, chúng tôi là những lương y thì không thể khoanh tay đứng ngoài cuộc”.
Chỉ có 10 phút để nói chuyện, BS. Vân lại lao vào công việc cộng đồng vì còn nhiều dự án thiện nguyện đang chờ chị và đội ngũ Đại Phước.
Ông Phạm Ngọc Cường - Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV Quảng cáo Cường Khanh: Vượt qua nỗi sợ, “lăn” vào tâm dịch
Ông Phạm Ngọc Cường (bên trái) đại diện Công ty TNHH SX-TM-DV Quảng cáo Cường Khanh tặng máy thở oxy cho Bệnh viện Dã chiến Nhà thi đấu Phú Thọ Q.11, TP.HCM |
Gần 4 tháng miệt mài với những chuyến đi đến các BV và giúp đỡ người dân khó khăn vì dịch bệnh, ông Phạm Ngọc Cường cùng với 5 doanh nhân khác của Hội Quảng cáo TP.HCM đã tạm dừng các hoạt động thiện nguyện, quay về công việc thường nhật.
Nhưng dù trở lại với việc kinh doanh, thực hiện chiến lược giúp công ty trụ vững trong điều kiện kinh tế khó khăn thời “hậu Covid-19”, các doanh nhân ấy vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng lên đường.
Ngay từ giữa tháng 6, dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM, số người nhiễm tăng lên từng ngày. Các BV đều quá tải, Thành phố buộc phải mở thêm nhiều BV dã chiến để điều trị các F0. Số lượng bệnh nhân tăng, số BV mở ra nhiều nhưng trang thiết bị chữa trị, đặc biệt là các máy trợ thở dành cho người nhiễm nặng thiếu trầm trọng.
Trước tình hình đó, 6 doanh nhân của Hội Quảng cáo TP.HCM (Hội) gồm các ông Phạm Ngọc Cường, Nguyễn Tấn, Hoàng Linh Anh, Lê Văn Khương, Phan Thanh Sơn và bà Nguyễn Thị Duyên đã bàn bạc cùng nhau góp sức hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Điều đầu tiên họ nghĩ đến là mua ngay các máy trợ thở cho BV.
Với số tiền đóng góp ban đầu, 6 doanh nhân trong Hội đã vận động thêm các mạnh thường quân mua 2 máy trợ thở cao áp tặng BV Dã chiến Q.11. Ngay sau đó, các doanh nhân này lại vận động thêm để mua 200 giường xếp tặng khu cách ly Tân Bình khi số người nhiễm đến điều trị ngày một tăng.
Tại thời điểm Thành phố siết chặt giãn cách, người dân, đặc biệt là người dân trong khu vực phong tỏa rất khó tiếp cận nguồn thực phẩm. Nhận thấy một số chung cư ở khu vực Bình Tân bị cách ly nhiều tuần lễ không có rau ăn, nhóm doanh nhân này lên group kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Lời kêu gọi ấy đã được hồi đáp.
Tấm lòng chia sẻ của 6 người “vì mọi người” này đã nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng. Chỉ sau vài giờ đăng tải, Hội đã có những hồi đáp về nguồn rau xanh tại Tân Phú (Đồng Nai) để gửi đến người dân. Sau khi nhận rau từ các mạnh thường quân, 6 ông bà chủ DN không ngại cực đã xắn tay áo phân chia rau, sắp xếp, khuân vác - những việc thường ngày họ không phải làm, để có thể mang rau đến tặng người dân trong khu phong tỏa, cách ly.
Không chỉ có rau, ông Cường và 5 doanh nhân của Hội còn vận động gạo mang đến các bếp ăn tập thể. Khi biết được thông tin nhiều ca F0 điều trị tại nhà thiếu thuốc, ông và 5 doanh nhân lại chia nhau mang thuốc và quà đến từng gia đình.
Với tinh thần bám sát thực tiễn, người dân cần gì, liệu hỗ trợ được gì thì giúp nấy, sau gần 4 tháng miệt mài, nhóm doanh nhân của ông Cường đã tặng 2 máy trợ thở cao áp, 200 giường bệnh, 3 tấn rau quả và lượng gạo không nhỏ gửi đến nhiều nơi cần giúp đỡ.
“Những ngày đầu, chúng tôi cũng lo lắm vì mấy anh em chưa ai được tiêm vaccine. Nhưng chẳng lẽ chỉ vì điều này mà ngồi yên trong nhà khi ngoài kia có quá nhiều người cần giúp đỡ. Vậy là chúng tôi tìm hiểu các phương pháp bảo vệ bản thân và lao vào việc”, ông Cường chia sẻ. Tuy nhiên, điều ông Cường và các thành viên lo ngại nhất không phải là cho bản thân mà là nỗi sợ không may bị nhiễm và lây cho người thân. Vì thế, sau mỗi chuyến đi, họ chọn bánh mì thay cơm và tự cách ly.
Ông Cường khẳng định: “Là doanh nhân thì cần có trách nhiệm với cộng đồng. Không có nhiều thì vận động thêm từ cộng đồng và dùng sức mình để giúp những người khó khăn... Tôi biết những việc chúng tôi làm chẳng là bao nhưng tôi hy vọng chút sức lực nhỏ bé ấy sẽ đưa TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Nhìn lại những ngày đã qua, ông Cường vui mừng cho biết: “Hiện tại chúng tôi đã có nhiều mối quan hệ, có thể vận động thêm nhiều mạnh thường quân để chăm lo cho người nghèo, những người khó khăn không chỉ tại TP.HCM và nhiều vùng miền trên cả nước. Khi mọi việc đã quen, việc triển khai các hoạt động thiện nguyện sẽ dễ dàng hơn trong thời gian tới”.