Làm mới Thảo Cầm Viên

QUÝ YÊN| 29/06/2012 08:44

Sự chuyển mình của Thảo Cầm Viên Sài Gòn không chỉ đơn thuần là việc một khu vui chơi, giải trí đang được “trẻ hóa” mà đó còn là niềm vui của người dân thành phố.

Làm mới Thảo Cầm Viên

Sự chuyển mình của Thảo Cầm Viên Sài Gòn không chỉ đơn thuần là việc một khu vui chơi, giải trí đang được “trẻ hóa” mà đó còn là niềm vui của người dân thành phố. Bởi vì, đây chính là địa điểm có vai trò chứng nhân, ghi lại lịch sử, văn hóa của vùng đất Sài Gòn sôi động.

Đọc E-paper

Tượng voi do Đức vua Rama VII trao tặng vào năm 1930

Lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan đã bàn giao Dự án cải tạo cảnh quan và trùng tu tượng voi Hoàng gia cho Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Dự án là sự hợp tác giữa Lãnh sự quán Thái Lan và Thảo Cầm Viên Sài Gòn với sự hỗ trợ của Tập đoàn SCG, nhằm gìn giữ công trình nghệ thuật này.

Sở dĩ, cả doanh nghiệp lẫn Lãnh sự quán Thái Lan chung tay thực hiện dự án này là vì bức tượng do Đức vua Rama VII (Paramindr Maha Paradjahipok) của Thái Lan trao tặng nhân chuyến thăm Sài Gòn vào năm 1930.

Chuyện voi đồng

Được đúc bằng đồng, phủ bành voi, bức tượng voi nặng trên một tấn này là tác phẩm tiêu biểu cho nền thủ công tinh xảo của Thái Lan. Tượng được đặt trên bệ đỡ xây dựng hồi năm 1936, bốn mặt đính bốn bảng đồng danh dự ghi bằng bốn thứ tiếng: Việt, Pháp, Anh và Thái.

Theo bà Panpimon Suwannaponse, Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM, việc tặng tượng voi đồng cũng là nghĩa cử mà Đức vua Rama VII thực hiện nhằm thể hiện truyền thống lẫn sự trân trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Thái Lan và các nước. Hai bức tượng tương tự cũng đã được Đức vua Thái Lan trao tặng Singapore (đặt tại tòa nhà Quốc hội cũ) và Indonesia (đạt bên ngoài Viện Bảo tàng Quốc gia).

Dự án lần này bao gồm việc trùng tu tượng voi Hoàng gia Thái Lan và cải tạo khung cảnh xung quanh tượng. Dự án được tiến hành từ tháng 5/2011 dưới sự giám sát của ông Arak Sunghitkul, cựu Giám đốc Ủy ban Mỹ thuật, và ông Songkran Kunarop, đến từ Văn phòng Mỹ Thuật Truyền thống thuộc Ủy ban Mỹ Thuật Thái Lan.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên, bức tượng này được trùng tu. Ban đầu, khi từ Thái Lan “nhập cư” vào nước ta, tượng voi được đặt ở giữa cổng của Thảo Cầm Viên Sài Gòn và đường tới Đền Vua Hùng.

Theo thời gian và cơ cấu lại khu vực, tượng voi đồng có giá trị lớn lao về mặt lịch sử và nghệ thuật đã bị che khuất, không thu hút được sự chú ý của du khách tham quan. “Trước dự án rất lâu, Thảo Cầm Viên đã di dời tượng sang khu vực bên hông Đền Hùng để có cảnh quan thoáng đãng hơn, thuận tiện cho khách tham quan chiêm ngưỡng”, TS. Phan Việt Lâm, Giám đốc Thảo Cầm Viên Sài Gòn, cho biết.

Tuy nhiên, do thiếu kỹ thuật nên việc bảo trì tượng voi đồng này không như ý. Nay, có bàn tay của những nghệ nhân Thái Lan, công việc này mới thực sự hiệu quả, trả lại vẻ đẹp ban đầu cho tác phẩm.

Chuyện Thảo Cầm Viên

Tiết lộ của TS. Việt Lâm thực sự đáng mừng, vì nó thể hiện việc ban quản lý Thảo Cầm Viên vẫn đặt nhiệm vụ phục chế, bảo quản và trưng bày các vật phẩm lịch sử, văn hóa lên hàng đầu. Càng mừng hơn nữa khi biết rằng, trùng tu tượng voi đồng chỉ là một trong những dự án trẻ hóa Thảo Cầm Viên.

Dạo một vòng quanh điểm đến từng là nơi ghi dấu kỷ niệm tuổi thơ của những đứa trẻ Sài Gòn, mới thấy, sự lột xác đang dần diễn ra nơi đây. Thay vì các chuồng sắt có từ thời Pháp, một số chuồng thú đã được “kính hóa”, nhằm hạn chế tiếng ồn, ảnh hưởng đến thú nuôi nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan.

Với các chuồng thú lớn, là những hào nước bao quanh để cách biệt thú với khách tham quan. TS. Việt Lâm ch biết, Thảo Cầm Viên đang cho nhập thêm thú mới với kinh phí đầu tư lên đến 2 tỷ đồng. Trước mắt sẽ là cò đỏ, vượn cáo, khỉ, sóc, khỉ đầu trắng từ Madagasca (châu Phi)...

Những “nhân vật” mới này sẽ góp phần vào bộ sưu tập hơn 1.000 con, thuộc 120 loài của Thảo Cầm Viên. Không dừng lại ở đó, một khu dịch vụ ăn uống hiện đại cũng đang hình thành tại đây.

Vài ngày nữa, công trình này sẽ hoàn tất. Khách tham quan sẽ không phải ăn cơm hộp bình dân như ngày xưa mà sẽ có nhiều lựa chọn hơn, thưởng thức món ăn trong không gian tươm tất hơn. “Điều thay đổi chúng tôi đặt ra hàng đầu là thái độ phục vụ. Sẽ không còn chuyện phục vụ khách tham quan theo kiểu bao cấp, bất cần như ngày xưa”, TS. Việt Lâm chia sẻ.

Chính nhờ sự thay đổi trong thái độ phục vụ và đầu tư cải thiện cảnh quan, tổ chức các hoạt động văn hóa... mà lượng khách đến Thảo Cầm Viên đã tăng hơn hẳn. Nếu giai đoạn 2003–2004, chỉ có khoảng 650.000 lượt khách/năm thì nay, Thảo Cầm Viên đã thu hút được 1,8 triệu lượt khách trong năm 2011 và có thể lên đến 2 triệu lượt trong năm 2012.

So với các địa điểm du lịch khác, có thể bán vé lên đến vài chục nghìn đồng, Thảo Cầm Viên Sài Gòn vẫn dừng lại ở mức 8.000 đồng/vé bởi phải gánh trên vai “nhiệm vụ” là điểm đến mở cho tất cả mọi người. Mức thu như thế, cộng với ngân sách khiêm tốn từ nhà nước khiến ban quản lý dù muốn, vẫn phải chấp nhận phương áp thay đổi dần dần.

“Hy vọng, sẽ chỉ mất một vài năm nữa để Thảo Cầm Viên Sài Gòn đẹp đẽ toàn diện hơn”, TS. Việt Lâm cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm mới Thảo Cầm Viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO