Dự án "Cải tạo không gian cầu bộ hành" của hai cô gái Hồ Thị Mỹ Duyên và Đỗ Nguyễn Phương Quỳnh với những mô phỏng nhằm tạo ra không gian công cộng đặc thù của đô thị, không chỉ có ý nghĩa nhân văn mà còn có thể tạo ra được nguồn thu để duy trì hoạt động.
TP.HCM có nhiều cây cầu dành cho người đi bộ nằm rải rác ở các quận - huyện: cầu Nơ Trang Long (Bình Thạnh), cầu vượt công viên Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận), cầu Nguyễn Trãi (quận 5), cầu vượt suối Tiên (Thủ Đức), cầu vượt Văn Thánh (Bình Thạnh), cầu vượt Bệnh viện Từ Dũ (quận 1)...
Khi đặt vấn đề cho dự án này, hai tác giả cho rằng chính quyền thành phố đang triển khai nhiều dự án giao thông công cộng và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng. Điều này dẫn đến nhu cầu đi bộ và sự hình thành thói quen đi bộ của người dân để sử dụng các phương tiện đó.
Nhưng hiện hầu hết các cây cầu tại TP.HCM gần như bị bỏ hoang. Ngay như cầu vượt Bệnh viện Từ Dũ, dù được thiết kế có mái che, kình chắn nắng, vệ sinh sạch sẽ nhưng người dân vẫn không hào hứng sử dụng, gây lãng phí lớn.
Đặc điểm chung của các cây cầu này là được xây nên nhằm khuyến khích người dân đi bộ, không gây cản trở và đảm bảo trật tự lưu thông, giảm ùn tắc. Vốn đầu tư cho hệ thống cầu này rất lớn, được bố trí ở các khu vực đông đúc, gần các địa điểm công cộng có nhiều người đi bộ. Tuy nhiên, thực tế là tất cả các cây cầu trên đều rất ít người sử dụng, nhếch nhác, phơi mưa phơi nắng nhiều năm.
Cây cầu "mẫu" mà dự án này nhắm đến là cải taọ cầu Nơ Trang Long. Đây là cây cầu nối liền cơ sở 1 và cơ sở 2 của Bệnh viện Ung Bướu. Hằng ngày, mật độ lưu thông qua đoạn đường này cao, có hàng ngàn lượt người cần phải sang đường nhưng không mấy người sử dụng.
Mỹ Duyên cho biết nguyên nhân của những cây cầu bộ hành không có khoảng lùi khiến cho người dân ngại qua lại, hay đi lên cầu rất khó khăn. Người dân ngại sử dụng cầu bộ hành là do thói quen chưa phù hợp, cầu quá cao và sợ mệt, sợ nắng, e ngại tệ nạn và mất vệ sinh.
Hai câu hỏi có tính chất cốt yếu để đưa ra các giải pháp là "Làm sao để người dân sử dụng cầu bộ hành?" "Làm sao để cầu bộ hành không chỉ là một khối bê tông cốt thép vô tri giữa lòng thành phố?". Giải pháp đưa ra là cải tạo với 3 cụm: Không gian chia sẻ - Không gian bộ hành - Không gian dừng chân.
Cầu vượt sẽ được "phủ xanh", lắp đặt mái che có chức năng thu nước mưa làm bằng khung tre có bọc nhựa compsote. Nước mưa thu được sẽ chảy từ mái xuống hệ thống hồ chứa âm dưới đất và được vận chuyển bằng ống dẫn lên xuống để lám mát công trình, tưới cây. Điểm nhấn quan trọng sẽ nằm ở không gian dừng chân.
Tại đây sẽ bố trí ghế ngồi , hồ nước và cây xanh, thùng rác và cả kệ báo, tạp chí... Có cả một khu vực để vẽ tranh và bảng thông tin tuyên truyền.
Cầu bộ hành sau khi được giải quyết hầu hết các vấn đề không chỉ là một cây cầu qua đường thực hiện hết chức năng, mà nó còn là một không gian thư giãn, nhìn ngắm đường phố cho bệnh nhân và thân nhân của họ. Nhóm còn mạnh dạn đề xuất giải pháp sử dụng không gian cho quảng cáo để tạo nguồn thu nhằm duy trì khả năng hoạt động của công trình.
Tiền quảng cáo trả hằng tháng sẽ dùng để chí cho những người chăm sóc cây cỏ, thu nhặt rác, quét dọn, đảm bảo công trình lúc nào cũng sạch sẽ, xinh đẹp mà bất kỳ ai cũng muốn dừng chân.
>Những khu vườn trong phố
>Tìm lối đi cho nông nghiệp Tây Bắc
>Biến giấy thải thành gạch không nung