TTCK với triển vọng lạc quan trong năm 2023? |
Do đó, việc chốt lời của nhà đầu tư trong thời điểm này là phù hợp, nhất là khi sắp kết thúc năm và diễn biến thị trường trong những phiên vừa qua không mấy tích cực.
Áp lực điều chỉnh
Chỉ trong 2 phiên đầu tuần trước, chỉ số VN-Index đã giảm xấp xỉ 30 điểm, cùng với thanh khoản tăng cho thấy dường như nhà đầu tư đang quyết liệt chốt lời và tạm thoát khỏi thị trường. Đáng lưu ý là biên độ dao động trong hai phiên này khá lớn, lên tới 55 điểm.
Đơn cử, phiên đầu ngày 19/12. VN-Index có lúc tăng hơn 13 điểm, nhưng chốt phiên đóng cửa trong ngày giảm đến 14 điểm. Diễn biến này khiến không ít nhà đầu tư e ngại hiện tượng "kéo xả" đang quay lại trên thị trường và dòng tiền chốt lời đang âm thầm rút ra.
Do đó, khi đạt gần 1.100 điểm hôm 5/12, chỉ số VN-Index đã nhanh chóng rớt lại và trong thế giằng co đi ngang từ đó đến nay, với dòng tiền có dấu hiệu suy yếu dần. Trong khi đó, một số công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư cẩn trọng khi thị trường đang bước vào vùng nhạy cảm và rủi ro, do đó nhà đầu tư ngắn hạn càng có lý do để tạm thoát khỏi thị trường và chờ xu hướng rõ ràng hơn vào đầu năm sau.
Có thể nói, 2022 ghi dấu một năm đầy biến động của TTCK Việt Nam với VN-Index lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.500 điểm, nhưng cũng có thời điểm uống dưới 900 điểm - mức thấp nhất trong hai năm qua. 2022 đã trở thành năm có số phiên VN-Index tăng, giảm từ 2% trở lên nhiều nhất kể từ năm 2009.
Tính từ đầu năm, VN-Index đã có 19 phiên biến động trên 3%, trong đó 3/4 nghiêng về chiều giảm điểm. Thậm chí, nhiều phiên giao dịch còn có biên độ dao động lên đến hơn 70 điểm (khoảng 5-7%) cùng với hàng loạt cổ phiếu đảo chiều từ trần xuống sàn và ngược lại. Điều này phần nào phản ánh tính đầu cơ rất cao của chứng khoán Việt Nam.
Dự báo lạc quan
Trong bức thư gửi tới cổ đông mới đây, ông Petri Deryng - nhà sáng lập và quản lý Quỹ PYN Elite cho rằng, TTCK Việt Nam năm tới sẽ tiếp nối đà tăng trưởng có được ở thời điểm cuối năm nay.
Theo vị quản lý quỹ này, nhóm đầu tư nhỏ lẻ đã bị những cú sốc khi cổ phiếu của các công ty đầu cơ giảm sâu, trong khi kênh đầu tư trái phiếu trở nên lung lay, cộng thêm những vụ call margin với một số mã cổ phiếu.
Nhưng ông Deryng cũng cho rằng, nhà chức trách đã đạt những kết quả nhất định khi giải quyết xong những vụ thao túng giá cổ phiếu trắng trợn của một số công ty, xử lý những doanh nghiệp (DN) bất động sản phát hành trái phiếu sai quy định. Theo đó, niềm tin vào thị trường đã được cải thiện, thế nên có thể kỳ vọng VN-Index sẽ theo đà tăng trưởng của nền kinh tế và tình hình kinh doanh của DN trong 12 tháng kế tiếp.
Trong số các nước trong khối ASEAN, triển vọng tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng doanh thu của DN niêm yết tại Việt Nam vẫn đang là mạnh nhất. Với những rủi ro từ lạm phát hay lãi suất leo thang, ông Deryng cho rằng lãi suất sẽ sớm bình ổn theo xu hướng giảm trong vài tháng sắp tới.
Trong khi đó, theo bà Helena Shiu - Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý Quỹ Phú Hưng (PHFM), một yếu tố khác hỗ trợ TTCK là định giá thị trường hiện ở mức hấp dẫn với hệ số PE về còn khoảng 10-11 lần, PB là 1,7 lần, thấp hơn trung bình 10 năm.
Mặt khác, thị trường đang cho thấy một số dấu hiệu chạm đáy khi tốc độ tăng lãi suất liên ngân hàng chững lại, tỷ giá USD/VND đã ổn định và thị trường khởi sắc cùng thanh khoản tăng trở lại.
Với dự phóng PE năm 2023 đạt 12 lần, VN-Index có thể đạt mức 1.535 điểm. Tuy nhiên, vì bản chất TTCK vận động theo tâm lý nhà đầu tư, do đó chỉ số sẽ có những đợt tăng giảm chứ không đi lên tuyến tính - chuyên gia PHFM nhấn mạnh.
Bà Shiu dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 khoảng 10%. Các điều kiện tài chính sẽ cải thiện khi FED ngừng tăng lãi suất vào năm 2023, khi đó lợi nhuận DN sẽ tích cực hơn, áp lực tỷ giá trong nước theo đó cũng sẽ giảm dần và đây sẽ là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng.
Dù vậy, giới chuyên gia cũng e ngại trong trường hợp nếu lãi suất huy động tiếp tục tăng như vừa qua thì dòng tiền sẽ quay trở lại hệ thống ngân hàng, đồng thời gây áp lực đến lãi suất cho vay, ảnh hưởng tới chi phí vốn vay của DN. Triển vọng kinh tế tăng trưởng chậm lại của một số nền kinh tế lớn cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của DN xuất khẩu trong thời gian tới.