Kỹ thuật hàng đầu để cải thiện trí nhớ từ nhà vô địch trí nhớ Hoa Kỳ

Minh Ngọc| 19/08/2022 06:20

Tự biết mình học giỏi nhưng "trí nhớ chỉ ở mức trung bình", nên sau khi bà nội qua đời vì bệnh Alzheimer (một phần vì di truyền), Nelson Dellis đã có thêm động cơ để tìm cách giữ cho bộ não khỏe mạnh và sắc bén.

Dellis lùng sục trên Internet để tìm kiếm các mẹo cải thiện trí nhớ và tham gia một vài diễn đàn - nơi các vận động viên trí nhớ chuyên nghiệp (những người rèn luyện kỹ năng ghi nhớ để đạt hiệu suất cao) trò chuyện về các kỹ thuật ghi nhớ khác nhau. 

Nelson Dellis, năm nay 35 tuổi, tác giả của cuốn sách Remember It và là nhà vô địch trí nhớ Hoa Kỳ 4 lần

Nelson Dellis, năm nay 35 tuổi, tác giả của cuốn sách Remember It và là nhà vô địch trí nhớ Hoa Kỳ 4 lần

Dellis cũng nghe Bộ nhớ lượng tử: Học cách cải thiện trí nhớ của bạn với nhà vô địch trí nhớ thế giới - sách nói của Dominic O’Brien - nhà vô địch trí nhớ thế giới bảy lần.

"Sau đó, tôi đã bắt đầu áp dụng, rồi qua quá trình thử và sai, tôi đã tìm ra những kỹ thuật phù hợp với mình", Dellis cho biết.

Nelson Dellis, năm nay 35 tuổi, tác giả của cuốn sách Remember It và là nhà vô địch trí nhớ Hoa Kỳ 4 lần (cuộc thi hằng năm dành cho các vận động viên trí óc ưu tú), và là một huấn luyện viên trí nhớ tại Miami, Florida. Anh tính phí 250 USD/giờ cho các bài học dành riêng cho CEO và tỷ phú. 

Nhà đầu tư Shark Tank - tỷ phú Mark Cuban, nhà sáng lập thương hiệu nội y Spanx - nữ tỷ phú Sara Blakely là những học viên của Dellis. Nhưng, nhà vô địch cũng dành cho số đông những bí quyết mà dù miễn phí vẫn vô cùng hiệu quả, nếu bạn kiên trì theo đuổi. 

Dưới đây là 3 kỹ thuật hàng đầu của Dellis để cải thiện trí nhớ và duy trì sự nhạy bén:

Link bài viết

1. Hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ

Dellis cho biết, một mẹo ghi nhớ đơn giản nhất mà anh học được trong nhiều năm là dành thời gian để hoàn toàn tránh khỏi thiết bị công nghệ, bao gồm cả điện thoại thông minh, ít nhất một giờ mỗi ngày.

Sự "hiện diện" rất quan trọng đối với bộ nhớ, theo Dellis. Anh nói: "Bộ não của bạn là một bộ xử lý. Nếu bộ não của bạn không nhận thông tin (vì bạn đang không chú ý vì mãi lo sử dụng điện thoại) làm sao bạn có thể ghi nhớ nó (thông tin đó) được đây?"

Theo một nghiên cứu năm 2017 từ Trường Kinh doanh McCombs tại Đại học Texas ở Austin, sự hiện diện của điện thoại thông minh làm giảm khả năng nhận thức, ảnh hưởng đến khả năng lưu giữ và xử lý dữ liệu bộ não người.

2. Suy nghĩ bằng hình ảnh

"Bất cứ khi nào tôi cần ghi nhớ điều gì đó, mục tiêu của tôi là biến nó thành một bức tranh trong tâm trí. Hãy sử dụng càng nhiều giác quan càng tốt. Đó có thể là một liên tưởng, một âm thanh, một cảm giác - bất cứ thứ gì có ý nghĩa đối với bạn", Dellis nói.

Đó là bởi, việc nhớ hình ảnh của một thứ mà bạn đã quen sẽ dễ dàng hơn nhiều so với những từ ngữ liên quan đến một điều gì đó mới và khó, Dellis phân tích. Ngoài ra, các nghiên cứu trên người lớn tuổi cũng chỉ ra rằng, hình ảnh có thể giúp ích cho trí nhớ.

Bạn tạo ra hình ảnh càng nổi bật và kỳ lạ càng tốt. Bạn có thể thực hành từ việc nhớ tên ai đó mới gặp lần đầu. Hãy biến tên của họ thành những hình ảnh trong tâm trí, bạn sẽ có cơ hội nhớ tên người đó cao hơn và bạn sẽ rèn luyện bộ não của mình để tư duy bằng hình ảnh tốt hơn, nhanh hơn.

3. Khám phá "cung điện ký ức" của bạn

Khi đang suy nghĩ bằng hình ảnh, bạn cần một nơi để lưu trữ những hình ảnh đó. Vì vậy, hầu hết các vận động viên trí nhớ sử dụng một kỹ thuật được gọi là  "cung điện trí nhớ", theo Dellis. Kỹ thuật này (có từ thời Hy Lạp cổ đại) liên quan đến việc ghi nhớ mọi thứ dựa trên vị trí.

Hầu hết các vận động viên trí nhớ sử dụng một kỹ thuật được gọi là  "cung điện trí nhớ"

Hầu hết các vận động viên trí nhớ sử dụng một kỹ thuật được gọi là "cung điện trí nhớ"

Theo Dellis, một cung điện trí nhớ hoạt động như sau: Hãy nghĩ về một nơi quen thuộc (như ngôi nhà, căn hộ, văn phòng của bạn...) và tưởng tượng một con đường đi qua đó. Để lưu trữ hình ảnh của bạn, chỉ cần tưởng tượng hoặc "dán" mỗi hình ảnh vào một vị trí dọc theo con đường trong tâm trí ấy. Sau này khi muốn lấy lại thông tin, tất cả những gì bạn phải làm là nghĩ về cung điện ký ức của mình, quay lại nó trong tâm trí và "nhặt" lại những hình ảnh bạn để lại ở đó.

"Nghe có vẻ hơi điên rồ, nhưng nó thực sự có tác dụng, và nó cho phép các vận động viên trí nhớ hàng đầu ghi nhớ hàng nghìn mẩu thông tin", Dellis cho biết.

Nhà khoa học thần kinh Tara Swart cũng đồng ý với Dellis. Bà nói: "Đó là một cách hiệu quả để xâu chuỗi các tập hợp ký ức lại với nhau, vì nó sử dụng nhiều phần khác nhau của não hơn là chỉ nhớ lại ngắn hạn (bằng thị giác, cảm xúc, ngôn ngữ, trí tưởng tượng và trí nhớ ngắn hạn)".

Để thực hành, Dellis gợi ý chọn 3 địa điểm quen thuộc và 10 địa điểm dọc theo con đường tưởng tượng của bạn. Có thể bắt đầu bằng cách lưu trữ danh sách việc cần làm hằng ngày và danh sách những món tạp hóa cần mua. Bạn sẽ ngạc nhiên về sự mạnh mẽ của trí nhớ tự nhiên của mình, sau khi thực hành và rèn luyện những kỹ thuật trên. Bằng trải nghiệm của bản thân, Dellis chắc chắn về điều đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỹ thuật hàng đầu để cải thiện trí nhớ từ nhà vô địch trí nhớ Hoa Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO