Quản trị bệnh viện: Cầu mười, cung một

LỮ Ý NHI| 24/06/2009 03:11

Chưa năm nào số lượng học sinh đăng ký dự thi ngành quản trị bệnh viện (QTBV) lại đông như năm nay, hơn 5.000 thí sinh, trong khi số lượng năm ngoái chỉ khoảng hơn 2.000 em...

Quản trị bệnh viện: Cầu mười, cung một

“Chưa năm nào số lượng học sinh đăng ký dự thi ngành quản trị bệnh viện (QTBV) lại đông như năm nay, hơn 5.000 thí sinh, trong khi số lượng năm ngoái chỉ khoảng hơn 2.000 em. Các bệnh viện đặt hàng đào tạo cũng tăng đột biến” - Trưởng Khoa Quản trị bệnh viện Đại học Dân lập Hùng Vương, Ths-BS Nguyễn Văn Út cho biết.

Bệnh viện “đặt hàng” gấp đôi

Tuy số lượng thí sinh dự thi đông hơn mọi năm, nhưng theo BS Nguyễn Văn Út, để đảm bảo chất lượng đào tạo, trường chỉ nhận khoảng 800 học sinh. Số lượng này so với nhu cầu hiện nay tại các bệnh viện chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Theo ước tính, TP.HCM có khoảng 45 bệnh viện và 100 phòng khám, bệnh viện tư, mỗi bệnh viện chỉ cần tối thiểu 10 cử nhân QTBV thì số sinh viên đào tạo đã phải lên con số gần ngàn người.

Đó là chưa kể nhu cầu tại các tỉnh và nhiều dự án xây dựng bệnh viện sắp hoàn thành ở thành phố và nhiều địa phương khác, như bệnh viện ở Bình Dương do Công ty Becamex thành lập gồm 2.000 giường, trong giai đoạn đầu cần hơn 100 QTBV; bệnh viện nghỉ dưỡng Bảo Lộc - Lâm Đồng cần 50 QTBV.

Thế nhưng hiện nay, tại TP.HCM vẫn chỉ có duy nhất Trường Đại học Dân lập Hùng Vương mở chuyên ngành QTBV theo hệ đại học 4 năm, còn Đại học Dân lập Văn Lang chỉ tuyển sinh hệ trung cấp 2 năm theo cách xét tuyển điểm thi tốt nghiệp cấp 3 và học bạ.

Bà Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng Phòng Đào tạo của trường cho biết: “Do cung ít, cầu nhiều nên 100% sinh viên tốt nghiệp ngành QTBV đều có việc làm ngay sau khi ra trường. Gần đây, nhiều bệnh viện như Vũ Anh, Bình Dân, FV, Hùng Vương và Nguyễn Trãi... đã đặt hàng trường cung cấp nhân sự ngành này với số lượng gấp đôi những năm trước, nhưng trường không thể đáp ứng đủ”.

Để đáp ứng nhu cầu, một số trường đại học đã bắt đầu mở thêm chuyên ngành QTBV, như Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An, trường Đại học Thăng Long (Hà Nội). Riêng trường Đại học Y tế công cộng (Hà Nội) thì tuyển sinh khóa đào tạo thạc sĩ quản lý bệnh viện.

Một số bệnh viện tại TP.HCM cũng đang có kế hoạch thành lập trường đại học y tư nhân để đào tạo bác sĩ chính quy, bác sĩ sau đại học, quản lý bệnh viện và điều dưỡng trình độ quốc tế như Bệnh viện Triều An, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ.

Khách sạn bệnh viên đa khoa quốc tế Anh Vũ đạt chuẩn 5 sao

Các trường chạy theo nhu cầu

QTBV đào tạo hai ngành chuyên sâu là quản trị chất lượng và tài chính kế toán y dược. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số bệnh viện, nhiều sinh viên ngành QTBV ra trường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu công việc, giữa đào tạo và thực tiễn, công việc vẫn còn khoảng cách. Trước nhu cầu chất lượng đòi hỏi cao hơn, hầu hết các trường có chuyên khoa QTBV đều thay đổi phương pháp đào tạo.

BS Nguyễn Văn Út cho biết: “Các năm trước, trường chỉ cho sinh viên thực tập tại các bệnh viện một năm, nhưng năm nay đã tăng thời gian thực tập lên hai năm, mở rộng bệnh viện thực tập từ đa khoa sang các bệnh viện chuyên khoa như y học dân tộc và khoa da liễu...Ở mỗi bệnh viện, sinh viên sẽ có một BS là giảng viên của trường hướng dẫn.

Chương trình giảng dạy năm nay cũng cập nhật nhiều kiến thức quản trị mới của thế giới và kết hợp cả giáo trình Pháp và Mỹ (các năm trước chỉ dùng giáo trình của Pháp) bởi cách quản lý bệnh viện của Mỹ chặt chẽ hơn, tính toán kinh tế hơn và mang lại lợi nhuận cao hơn. Đội ngũ giảng viên của trường cũng được tuyển chọn thêm 10 người, hầu hết tốt nghiệp thạc sĩ ngành QTBV từ nước ngoài”.

GS TS Tâm lý Đinh Phương Duy cũng cho biết: “Chất lượng dịch vụ bệnh viện phụ thuộc rất nhiều vào khả năng giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân của đội ngũ QTBV, do đó trong chương trình đào tạo chuyên ngành này, cần phải chú trọng đào tạo kỹ năng giao tiếp ứng xử.

Và cách giảng dạy hiệu quả nhất là cho các em chia thành từng nhóm nhỏ, học và thực hành trong các tình huống thực tế để vừa tạo sự sinh động cho bài giảng, vừa giúp các em dạn dĩ, học hỏi lẫn nhau, tạo thói phản xạ và ứng phó nhanh trước mọi tình huống”.

Một trong những hạn chế về chất lượng đào tạo, theo TS Duy là do lớp học quá đông, gần 100 em, nên giảng viên ít có điều kiện kèm cặp, góp ý chi tiết cho từng em. Về phía giảng viên cũng cần tích cực thay đổi phương pháp giảng dạy, tăng thời gian học thực hành nhiều hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quản trị bệnh viện: Cầu mười, cung một
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO