Nhà trường nên xem doanh nghiệp là khách hàng

PHẠM HUY TÂN| 27/11/2009 05:56

Đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp (DN) là xu thế tất yếu trong cơ chế thị trường. Sự tuân thủ nguyên tắc đôi bên cùng có lợi chính là yếu tố quyết định trong mô hình liên kết giữa trường đại học và DN.

Nhà trường nên xem doanh nghiệp là khách hàng

Đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp (DN) là xu thế tất yếu trong cơ chế thị trường. Sự tuân thủ nguyên tắc đôi bên cùng có lợi chính là yếu tố quyết định trong mô hình liên kết giữa trường đại học và DN.

Nói về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay, hầu hết các DN đều than phiền còn nặng về lý thuyết và thiếu tính thực tiễn. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho đến nay, tỷ lệ làm việc trái ngành trái nghề của sinh viên vẫn khá cao, chiếm khoảng 40%. Và đây chính là nguyên nhân làm mất đi năng lực, sở trường, tính chuyên nghiệp của người lao động, khiến DN phải tốn thời gian, công sức và cả tiền bạc để đào tạo lại.

Xét cho cùng, những yếu kém về chất lượng đầu ra hiện nay không phải do người học, mà do phương pháp đào tạo ở bậc đại học của ta vẫn còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, giảng viên thì “dạy chay”, áp đặt, còn sinh viên thì thụ động, ít cơ hội được thảo luận hay bày tỏ quan điểm của mình. “Cơ chế” dạy và học này dẫn tới thực trạng đa số sinh viên đã tốt nghiệp đại học nhưng không có kỹ năng làm việc nhóm, lúng túng trong giao tiếp...

Để cải thiện tình trạng lý thuyết không đi đôi với thực hành trong quá trình đào tạo, những năm gần đây, một số trường đại học đã mạnh dạn liên kết với DN. Nhưng có một điều đáng buồn là dường như các DN vẫn chưa mấy “mặn mà” với mô hình này, hoặc có thì cũng mới chỉ mang tính thăm dò hay tự phát. Vì sao? Theo tôi, đó là do cả nhà trường và DN đều chưa tìm ra hình thức liên kết hiệu quả. Và giải pháp ở đây chính là phải tiến hành đào tạo theo nhu cầu thực tế, cụ thể của DN. Hay nói cách khác, việc xây dựng chương trình đào tạo phải căn cứ vào đơn đặt hàng của DN.

Kinh nghiệm từ một số nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới cho thấy, việc liên kết đào tạo giữa nhà trường và DN chỉ thành công khi cả hai bên đều nhận thức đúng về quyền lợi và nghĩa vụ của nhau. Muốn vậy, các trường đại học cũng phải xem DN là khách hàng của mình, để từ đó có cách tiếp cận và phục vụ tốt nhất. Mặt khác, cùng với việc đưa ra một chiến lược phát triển rõ ràng, hai bên còn cần thiết lập các bộ phận chuyên trách để thực hiện các cam kết cũng như mục tiêu chung.

Chẳng hạn, với đặc trưng riêng của từng DN, với từng vị trí công việc cụ thể, người học sẽ được trang bị những kiến thức, kỹ năng phù hợp. Thực tế cho thấy, cùng là vị trí kế toán kho, nhưng yêu cầu đặt ra với nhân viên của một công ty sản xuất sẽ có điểm khác với nhân viên của một công ty thương mại.

Tương tự, một giám đốc marketing giỏi chưa chắc đã là một giám đốc điều hành giỏi và ngược lại. Tùy nhu cầu, đặc trưng, điều kiện cụ thể của từng khách hàng mà phía nhà trường đưa ra những chương trình đào tạo tương ứng, nhằm tiết kiệm cả thời gian và chi phí cho DN. Đổi lại, việc tham gia của DN trong hoạt động tuyển sinh sẽ làm gia tăng tính thuyết phục cho các chương trình đào tạo của nhà trường.

Trên thế giới hiện có nhiều mô hình liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và DN được ứng dụng thành công. Trong đó, phải kể đến một số hình thức liên kết như hợp tác đào tạo, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tư vấn... Ở Việt Nam, sau một thời gian hợp tác, không hiếm giảng viên của một số trường đại học đã trở thành thành viên ban cố vấn của DN. Ngược lại, một số doanh nhân cũng không ngần ngại trong việc tư vấn cho nhà trường về chiến lược, công nghệ đào tạo.

Sự tin cậy dựa trên mối quan hệ song phương này đã góp phần vạch ra một hướng đi khả thi cho cả hai trong mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. -

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà trường nên xem doanh nghiệp là khách hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO