Học để làm

Ý NHI| 23/07/2009 09:36

Từ những trải nghiệm về một nền giáo dục ở nước ngoài, Đinh Thị Thu Trang - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Giáo dục và Đào tạo D.L.A đã áp dụng những phương pháp giáo dục mới vào mô hình đào tạo của mình.

Học để làm

Từ những trải nghiệm về một nền giáo dục ở nước ngoài, Đinh Thị Thu Trang - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Giáo dục và Đào tạo D.L.A đã áp dụng những phương pháp giáo dục mới vào mô hình đào tạo của mình.

Trông người lại ngẫm đến ta

Chị nói: “Khác hẳn với phương pháp đào tạo theo kiểu thụ động, học theo khuôn mẫu ở VN, phương pháp học của nước ngoài theo tiêu chí: “học mà chơi”. Phương pháp này không tạo áp lực căng thẳng cho học sinh mà ngược lại, mang đến cho các em sự thoải mái, giúp các em phát huy tính năng động, óc tìm tòi, sáng tạo.

Thu Trang và con trai tại Singapore

Ở nước ngoài, kỷ luật trong trường học rất gắt gao nhưng học sinh lại tự giác, đặc biệt tính tự lập rất cao. Mô hình đào tạo này tuy đã được một số trường nước ngoài tại VN áp dụng, nhưng theo Thu Trang, về phương pháp vẫn còn nhiều điểm chưa thật đúng chuẩn. Chẳng hạn để tạo sự yên tâm cho phụ huynh và chứng tỏ sự chu đáo, giáo viên ở một số trường loại này vẫn cầm tay từng học sinh dắt vào lớp. Việc làm này trái hẳn với quan niệm giáo dục của nước ngoài vì sẽ làm cho học sinh thêm nhút nhát, thiếu tự lập.

Qua Singapore học ngành quản trị kinh doanh, đem theo con trai đang tuổi chuẩn bị vào tiểu học, Thu Trang lại có dịp tiếp cận và tìm hiểu thêm nền giáo dục tiên tiến ở đây. Chính sự trưởng thành nhanh chóng đến ngạc nhiên của con về tư duy, nề nếp trong sinh hoạt và đặc biệt là tính tự lập đã cuốn hút Thu Trang dành thời gian tìm hiểu phương pháp giáo dục ở Singapore. Chị kể: “Ở Singapore, trẻ mới năm tuổi đã được dạy tính tự lập trong các sinh hoạt hằng ngày như đánh răng, rửa mặt, thay quần áo...

Lớn hơn, tùy từng cấp lớp, các em sẽ được dạy cách tính toán bằng những bài tính thực tế. Chẳng hạn trong môn toán, họ đưa cho các em một số tiền, sau đó để các em vào cửa hàng tự chọn mua vật dụng theo sở thích và đúng với số tiền mình có. Đặc biệt, các em được học những phép toán logic đơn giản để kích thích trí thông minh và khả năng suy luận. Còn môn văn là môn đòi hỏi sự quan sát, óc tư duy nên để các em có những bài văn sâu sắc, hồn nhiên, các trường đều áp dụng phương pháp vừa học vừa chơi, cho học sinh làm quen, tiếp cận con người, con vật, thiên nhiên... để tự cảm nhận và bộc lộ cảm xúc”.

Mô hình đào tạo mới

Thu Trang tự hỏi: “Phương pháp đào tạo này không tốn tiền, áp dụng cũng không khó, vậy tại sao không đưa vào chương trình giảng dạy ở VN?”. Thế là khi làm quản lý chuyên môn của Trường Tiểu học Hồng Ngọc (Ruby School) tại TP.HCM, chị đã đưa ra nhiều phương pháp giảng dạy mới. Chị nói: “Tiểu học là bậc học nền tảng, ở lứa tuổi này, các em rất nhạy cảm và có những cảm thụ, khám phá riêng về thế giới xung quanh, luôn tò mò và thích tìm hiểu những điều chưa biết. Do đó, cách học “gò” trong khuôn mẫu sẽ vô tình làm mất đi tính sáng tạo của lứa tuổi này. Hơn nữa, các bé càng nhỏ càng sợ đi học, vì vậy, phương pháp học sinh động, học như chơi, học để khám phá sẽ làm cho bé thích đến lớp”.

Ngoài việc dạy kiến thức theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thu Trang đặc biệt coi trọng việc học kỹ năng sống, gồm: giao tiếp, thuyết trình; tự học, cách quản lý thời gian; kỹ năng tự bảo vệ, tự chăm sóc bản thân, sơ cấp cứu, chụp hình, quay phim; cách giải tỏa stress, cách sử dụng tiền có hiệu quả...

Theo Thu Trang, các kỹ năng này rất cần cho các em khi trưởng thành, là nền tảng để tạo nên tính cách, giúp các em hòa nhập cộng đồng xã hội một cách tự tin hơn. Một trong những phương pháp mới nhất mà Thu Trang áp dụng là phương pháp dự án. Với phương pháp này, học sinh sẽ tự tìm tòi, khám phá kiến thức về tự nhiên, xã hội, sau đó tự thuyết trình. “Cách học này không chỉ khơi gợi sự năng động và rèn cho các em tính mạnh dạn, tự tin trước đám đông, mà còn là bài thực tập luyện kỹ năng diễn đạt, quyết định nhanh, làm việc chung, biết chia sẻ, trao đổi và biết lắng nghe”, Trang nói. Theo chị, để giúp các em hiểu nhanh và nhớ bài học lâu, cách tốt nhất là nên theo phương pháp nêu và giải quyết vấn đề, nhằm kích thích óc tò mò, tự khám phá của học sinh.

Tuy nhiên, để một chương trình giảng dạy tốt phát huy hiệu quả, học sinh và giáo viên có điều kiện tương tác, theo Thu Trang, sĩ số mỗi lớp học nên không quá 20 em. Thực tế, một số trường quốc tế ở VN cũng giới hạn số lượng học sinh, nhưng khối lớp lại quá nhiều khiến giáo viên phải kiêm nhiệm giảng dạy, áp lực nặng hơn nên không còn thời gian chăm chút học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Học để làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO