Hai thế hệ, một chữ học

NHỊ HÀ| 04/02/2009 09:53

Một gia đình trí thức Hà Nội được nhiều người biết đến mà cả cha, mẹ và con trai đều là giảng viên đại học. Đó là gia đình Nhà giáo - Anh hùng Lao động Trần Đình Long, người đã có 50 năm giảng dạy đại học, công bố trên 80 công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Bên ông, bà Nguyễn Thị Thiện Tín và con trai Trần Hoài Linh - đều là giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Hai thế hệ, một chữ học

Một gia đình trí thức Hà Nội được nhiều người biết đến mà cả cha, mẹ và con trai đều là giảng viên đại học. Đó là gia đình Nhà giáo - Anh hùng Lao động Trần Đình Long, người đã có 50 năm giảng dạy đại học, công bố trên 80 công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Bên ông, bà Nguyễn Thị Thiện Tín và con trai Trần Hoài Linh - đều là giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Vợ chồng GS Trần Đình Long và gia đình hai con trai


Bà Thiện Tín từng có thời gian sang Phi Châu làm chuyên gia giáo dục đại học. Cậu con trai Hoài Linh, 33 tuổi đã hoàn thành luận án tiến sĩ khoa học, là giảng viên Đại học Vacsava Ba Lan và là một trong hai nhà giáo trẻ nhất nước được phong hàm phó giáo sư.
Dưới đây là cuộc trò chuyện của gia đình GS, TSKH - AHLĐ Trần Đình Long cùng DNSG nhân dịp xuân về.

Sống với gia đình là quan trọng nhất

- GS, TSKH Trần Đình Long: Sau khi tốt nghiệp Đại học Năng lượng Mátxcơva, tôi về Khoa Điện Đại học Bách khoa Hà Nội và gặp cô Tín là sinh viên trong khoa. “Duyên trời” đã xe cho chúng tôi thành chồng vợ. Tôi luôn coi gia đình là chỗ dựa. Suốt những năm tôi đi nước ngoài làm luận án tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, tôi vẫn luôn tin tưởng điều đó một cách chắc chắn, ví dụ như tin con cái ở nhà dù khó khăn thiếu thốn đến mấy nhưng vẫn được vợ chăm sóc tử tế.

Niềm tin đó khiến tôi thấy mình phải lo học hành, nghiên cứu tốt hơn để sớm hoàn thành nhiệm vụ trở về với gia đình. Người ta chỉ có thể yên tâm làm việc, hoạt động nếu sau lưng có một “hậu phương” đáng tin cậy.

- Nhà giáo Nguyễn Thị Thiện Tín: Tôi vốn là học trò của nhà tôi. Thời sinh viên tôi đã mơ ước có một người thầy trong nhà để được cùng làm khoa học. Và trời đã “ban” cho tôi điều ấy, nhưng bản thân mình thì chưa thực hiện được hoài bão thành nhà khoa học mà chỉ mới ở vị trí một giảng viên chính. Chồng và con trai là GS, PGS, TSKH, tôi chỉ làm được một việc là giúp gia đình mình thoát nghèo, để chồng con không quá bận tâm vì cuộc sống mà sao lãng sự nghiệp.

- PGS, TSKH Trần Hoài Linh: Hiện tại, Linh chưa có lý do gì để than phiền về gia đình lớn cũng như gia đình nhỏ của mình. Vợ Linh và Linh có những tiêu chí lớn phù hợp với nhau, và cũng giống nhau ở tính... bướng và tự lập. Một trong những “đam mê bẩm sinh” của Linh là... gia đình.

Các cụ nói, phải tề gia trước, sau mới đến trị quốc. Linh cũng nghĩ vậy, phải ổn định gia đình mới tự tin đi ra xã hội được. Gia đình là nơi mỗi người phải cố gắng hết khả năng của mình trong mọi việc lớn nhỏ, khi khó khăn, lúc thuận lợi. Sao cho kết quả được đến đâu mình cũng không phải day dứt (day dứt là tự hại mình) và quá trình mình sống với gia đình mới là quan trọng nhất.

Ám ảnh nghèo

- Bà Tín: Tôi là giáo viên dạy cùng một khoa với chồng, nhưng hồi đó đời sống của cán bộ công chức nói chung và giáo viên nói riêng rất vất vả. Chồng tôi đi Nga, tôi ở nhà một nách hai con nheo nhóc, lại còn tranh thủ ngoài giờ lên lớp nuôi con gà, con ngan, chim bồ câu... để có cái cải thiện bữa ăn.

Giờ thi thoảng chúng tôi vẫn thường lấy ra xem tấm ảnh Linh bị mẹ nhốt trong cũi, khóc, nước mắt chảy thành dòng trên má... Còn nhớ, khi Linh đi học lớp chuyên, đến hạn nộp tiền học thêm mà trong túi chẳng có đồng nào, mẹ cũng trốn không dám gặp con vì không biết nói gì.

Có cái phiếu vải của mẹ quý lắm, thường phải bán đi để lấy tiền nộp học phí cho con. Khi Linh đi thi quốc tế thì mới được bố mua cho bộ quần áo mới, một đôi giày mới và một chiếc đồng hồ điện tử. Sang đến nơi, giày mới há mõm, đồng hồ không chạy và quần áo nhúng nước bị phai màu...

- PGS Linh: Linh hiện nay ở nhà với con gái, vợ đi học ở nước ngoài, nhưng bù lại con gái Linh được các ông bà nội ngoại chăm chút chu đáo. Nhiều người thường bảo nuôi trẻ con bây giờ khác hơn, tốn kém hơn. Làm cha rồi, Linh nghĩ rằng đó là do hoàn cảnh bây giờ được phép thế. Thế hệ nào cũng giống nhau ở chỗ có điều kiện gì tốt nhất cũng muốn dành hết, ưu tiên hết cho con cái.

Trước có những cái muốn không được, giờ có nhiều thứ để chọn lựa hơn. Nhưng lại có khiếm khuyết hơn là cha mẹ bây giờ ít có thời gian chăm sóc con cái nên phần nào muốn bù đắp cho con bằng vật chất, nhiều lúc không ngại tốn kém. Linh nghĩ rằng ngày trước cha mẹ khó khăn, cuộc sống phức tạp hơn, bây giờ con cái nhiều thuận lợi nên mọi thứ cũng đơn giản hơn nhiều.

Bổn phận kiếm tiền trong gia đình

- GS Long: Những người làm nghiên cứu sinh (NCS) ở Nga chúng tôi hồi đó thường nửa đùa nửa thật động viên nhau rằng “mỗi NCS có hai luận án phải hoàn thành”: một, luận án khoa học phải bảo vệ thành công; hai, bao gồm ba chương: 1 xe đạp, 1 đài bán dẫn và 1 đầu máy khâu (là những hàng hóa Nga sản xuất rất được người Việt chuộng thời đó, gia đình nào cũng muốn sở hữu và chỉ những gia đình có người nhà đi Nga mới có cơ hội mua sắm vì trong nước còn khan hiếm)

Để sắm được những đồ đạc đó, tổ NCS của chúng tôi hơn 10 người, phải tổ chức chơi “hụi”... Khi về nước, tôi cũng mang về cho nhà tôi đủ cả hai “luận án” trên và thấy mình đã hoàn thành nhiệm vụ!

- Bà Tín: Nghèo là lý do thúc bách chính khiến năm 1988, tôi quyết định đi làm chuyên gia ở Công gô, dù rằng hồi đó nhiều người không dám đi vì sợ bên đó có ruồi vàng cắn chết người... Đi về, gia đình tôi “thoát nghèo”, sắm được một chiếc xe máy cũ của Nhật làm phương tiện đi lại. Sau này sang Ba Lan, tôi cũng chịu khó làm thêm và nhờ đó đã có tiền đổi nhà mới là căn nhà đang ở bây giờ... Linh nó từng nói: “Phải học tập tính quyết liệt của mẹ. Mẹ bảo đi là đi, ba bố con ở nhà với nhau”.

- PGS Hoài Linh: Linh bị mẹ coi là không biết làm kinh tế, thực ra vì khi đi học, làm NCS và dạy học ở Ba Lan, Linh đã có học bổng và chủ yếu ở trong trường, không bươn chải gì bên ngoài vì không hề chủ trương kiếm tiền. Ngoài ra cũng vì bận học, bận dạy, ngoài học các môn chính lại còn muốn học thêm về điện tử nên không có thời gian cho những việc khác.

Với lại, lúc đó đời sống kinh tế trong nước và điều kiện gia đình cũng khá hơn rồi, nên Linh không bị thúc bách như bố, mẹ trước đây. Linh quan niệm rằng, thế hệ Linh có nhiều cơ hội để kiếm tiền. Việc kiếm tiền là rất cần, nhưng nên đặt nó ở vị trí nào. Trước đây khi còn học phổ thông, Linh đã đặt mục tiêu có học bổng đi học nước ngoài để không phải xin mẹ tiền học nữa.

Bây giờ, với Linh, kiếm tiền là để đảm bảo cuộc sống. Linh may mắn không phải chịu áp lực phải kiếm tiền để hỗ trợ gia đình, anh em, cha mẹ; không phải đặt mục tiêu đó lên vị trí hàng đầu, có điều kiện để ưu tiên cho mục tiêu phát triển chuyên môn, nghiên cứu khoa học. Cả bố mẹ đẻ và bố mẹ vợ, vợ Linh đều ủng hộ Linh điều đó.

Hạnh phúc là bài toán có lời giải đúng

- PGS Linh: Với Linh, còn quá sớm để đánh giá, tổng kết về hạnh phúc. Nhưng chắc chắc rằng, khi mình đặt ra một mục tiêu nào đó trong cuộc sống mà có được kết quả, sẽ có được hạnh phúc, dù là nho nhỏ. Linh luôn thấy gia đình gắn liền với hai chữ êm ấm. Ngoại trừ trên giảng đường, đôi khi thấy tiếc cho các sinh viên trẻ có điều kiện thuận lợi mà không chịu học, học theo kiểu đối phó, để lăm lăm ra trường chứ không phải để tiếp thu kiến thức...

- GS Long: Thế hệ tôi luôn nghĩ giá trị của cuộc sống được đánh dấu bằng những công việc mà anh làm được, những việc có ích cho xã hội, bạn bè, gia đình. Còn những danh hiệu hay tiền bạc... đều không phải là mục đích. Đi dạy thì đối tượng là học trò, dạy được học sinh giỏi lên, thấy mình hoàn thành được nhiệm vụ. Vui khi con ngoan, học giỏi, biết làm việc tốt. Vấn đề là mục tiêu. Bất cứ bài toán nào cũng có hàm mục tiêu, hàm mục tiêu đúng sẽ có lời giải đúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hai thế hệ, một chữ học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO