GMAT - hành trang của phụ nữ hiện đại

THANH LOAN| 29/03/2017 09:40

GMAT (Graduate Management Admission Test) là bài thi đánh giá trình độ và khả năng của một cá nhân để học thạc sĩ, tiến sĩ quản trị kinh doanh.

GMAT - hành trang của phụ nữ hiện đại

GMAT (Graduate Management Admission Test) là bài thi đánh giá trình độ và khả năng của một cá nhân để học thạc sĩ, tiến sĩ quản trị kinh doanh. Điểm số GMAT thể hiện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, toán định lượng và viết luận phân tích của thí sinh.

Đây là chứng chỉ cần có trong yêu cầu tuyển sinh của những chương trình đào tạo MBA (Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) và các khóa học quản lý khác tại nhiều nước. Thí sinh đạt điểm cao dễ có cơ hội xin học bổng từ các đại học ở Mỹ. GMAT còn được một số công ty đa quốc gia và công ty lớn tại Việt Nam lấy làm tiêu chí trong tuyển dụng. 

Theo Application Trends Survey (Khảo sát Xu hướng chuyên ngành) năm 2016 của Graduate Management Admission Council (GMAC - Hội đồng thi GMAT), số lượng nữ giới theo học các chương trình đào tạo quản lý trên toàn thế giới đang ngày một gia tăng. Một số ngành học thạc sĩ đòi hỏi GMAT có số lượng nữ học viên gần bằng, thậm chí lấn át cả nam giới, như Marketing (65%), Kế toán (61%) và Quản trị Kinh doanh (52%).

Theo số liệu từ GMAC, dù nam giới vẫn chiếm đa số trong kỳ thi GMAT, nhưng khoảng cách về giới đang dần được thu hẹp lại, lượng thí sinh nữ tham gia thi GMAT tăng dần theo các năm. Năm 2016, số lượng thí sinh nữ đạt hơn 45%, cao nhất từ trước đến nay.

Theo Association to Advance Collegiate Schools of Business (AACSB - Hiệp hội Phát triển giảng dạy doanh thương bậc đại học), lượng nữ cử nhân Quản trị Kinh doanh trên toàn thế giới chiếm đến 38%. Thậm chí, ở 3/5 khu vực khảo sát là châu Á, châu Âu và châu Đại Dương, số thạc sĩ chuyên ngành quản trị là nữ còn cao hơn cả nam.

Khảo sát của GMAC cho biết có 10 động lực chính thúc đẩy phái yếu:

1. Phát triển kỹ năng quản lý
2. Cải thiện một số kỹ năng cụ thể như tài chính, kế toán và khởi nghiệp
3. Thăng tiến nhanh hơn trong sự nghiệp
4. Con đường sự nghiệp viên mãn hơn
5. Nắm vững tương lai hơn
6. Nâng cao kỹ năng lãnh đạo
7. Trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình
8. Có sự nghiệp ổn định
9. Kiếm nhiều tiền hơn
10. Hội nhập quốc tế tốt hơn

Xu thế toàn cầu hóa với các cơ may và thách thức tạo cho phụ nữ nhiều cơ hội việc làm và phát triển sự nghiệp hơn bao giờ hết. Ước tính, phụ nữ sở hữu và quản lý hơn 30% tổng số doanh nghiệp toàn cầu. Na Uy và Phần Lan là nơi có tỷ lệ phụ nữ quản lý doanh nghiệp cao nhất với 38,9% và 32,1%. Tại Anh, trong số 100 doanh nghiệp lớn thì có hơn 23% nữ giới trong ban lãnh đạo, ở Australia là 22,6%, còn ở Đức là gần 20%. Thậm chí, vào năm 2011, Nghị viện Châu Âu còn thông qua nghị quyết kêu gọi pháp luật EU quy định phải có ít nhất 40% ghế trong ban lãnh đạo công ty dành cho nữ giới.

>>10 cách giúp phụ nữ thành công toàn diện

Hòa chung xu thế toàn cầu, tại Việt Nam, vào năm 2013, theo International Labour Organization (ILO - Tổ chức Lao động quốc tế) có 29,5% chủ lao động là nữ giới, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đến năm 2016, con số này đã đạt mức 31,2%. Trong số lãnh đạo điều hành doanh nghiệp Việt Nam, có 7% là phụ nữ - cao thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Philippines.

Phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng đang ngày một khẳng định khả năng của mình trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp và thương trường. Những cái tên như bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT Traphaco, bà Mai Kiều Liên - CEO của Vinamilk, hay Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air góp phần khẳng định năng lực của phụ nữ trong lĩnh vực quản trị.

“Hỗ trợ” phụ nữ khẳng định vai trò của mình trong cương vị lãnh đạo và quản trị, GMAT ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Khi gõ “thi GMAT" trên Google, có đến 250.000 kết quả và “luyện GMAT" cũng cho 104.000 website. GMAT Việt Nam phát triển nhanh trong các năm gần đây vì hai nguyên nhân: chi phí thấp và phương pháp “thuần Việt”.

Các lớp học chuẩn bị cho GMAT ở Mỹ có chi phí từ 1.000 - 2.000 USD. Nếu học online, số tiền dao động từ 250 đến hơn 1.000 USD. Còn học với gia sư riêng, con số này có thể lên xấp xỉ 3.000 USD. Trong khi đó, các khóa luyện thi GMAT tại Việt Nam có chi phí chỉ từ 8 - 30 triệu đồng (tương đương 200 đến 1.500 USD).

Về phương pháp, tại Mỹ, học viên sẽ phải tự tổng hợp các nguyên tắc làm bài thông qua những ví dụ cụ thể của giảng viên, vì các kiến thức này vốn đã gặp từ trước. Sinh viên Việt Nam với mục tiêu đạt điểm số cao nhất trong thời gian ngắn nhất khó thể thích nghi với cách học này. Phương pháp luyện GMAT ở Việt Nam cung cấp những kinh nghiệm thực tế từ những kỳ thi của chính giảng viên và các kỹ năng làm bài giúp thí sinh làm bài tốt nhất.

Nhận định và đánh giá đúng vai trò của GMAT trong thời đại phái yếu lên ngôi là bước đi đầu tiên trên con đường chinh phục chuyên ngành quản trị cho tất cả mọi người.

>>5 bộ phim hay nhất về phụ nữ và sự nghiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
GMAT - hành trang của phụ nữ hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO